Một trong những may mắn lớn nhất đời tui khi làm quán, đó là gặp được người thầy vào thời điểm chới với nhất. Và những điều tui được học trong hơn 1 năm liên tục đó đã hoàn toàn thay đổi cách tui làm marketing và truyền thông mãi mãi về sau này (và may mắn là nó cũng giúp tui đạt được một số thành tựu).
Những chiến dịch mà tui làm thành công sau này từ hồi sinh nhà hàng, đến tạo ra phong cách mới, hay các chương trình viral… Tất cả đều chịu ảnh hưởng lớn của phương pháp này, nó không chỉ áp dụng được cho ngành ăn uống (F&B) mà hoàn toàn có thể áp dụng được cho bất kỳ ngành nào.
Bài viết này tui chia sẻ lại những gì tui đã làm trong quá khứ và quan điểm của tui về việc tùy chỉnh lại phương pháp này để phù hợp với bối cảnh xã hội hiện nay, Việt Nam năm 2025.
Phương pháp truyền thông này là kết quả của việc thực hành từ những kiến thức của sư phụ Nguyễn Ngọc Long (Trăng Đen). Có nhiều điểm tui đã “điều chỉnh” cho thích hợp với tính cách, ngành kinh doanh và bối cảnh cá nhân của tui. Nên nếu có “tác dụng phụ” thì đó là do tui, và tui hiểu, chấp nhận điều đó chứ không phải là do phương pháp có vấn đề nha các anh em. Đa tạ anh em đã thấu hiểu.
Bí mật của thành công
Thành công của quán tui ngày trước không phải đến từ lõi sản phẩm (món ăn) mà nó đến từ truyền thông. Khách hàng họ đến quán bởi vì yếu tố độc lạ, tò mò và thú vị.
Tui từng đi ăn uống ở nhiều quán khác, và không ít lần tui nghe người ta (bàn bên) rỉ tai nhau về một cách quán phong cách “kiếm hiệp” độc lạ nào đó.
Từ “kiếm hiệp” chính xác là từ mà tui muốn người ta nhắc đến, lặp đi lặp lại và truyền miệng khắp nơi khi nói về quán tui.
Tui đố anh em biết vì sao tui lại muốn như thế?
- Một số anh em sẽ đoán là tại vì nó là sự khác biệt,
- Một số sẽ đoán là tại nó dễ nhớ, nó ngắn,
- Một số lại đoán là tại vì nó hấp dẫn
Tất cả đều đúng, đúng hết. Nhưng đó không phải là yếu tố quan trọng đầu tiên.
Sở dĩ tui muốn người ta nhắc về từ “kiếm hiệp” là bởi vì nó là từ tui đã có chiến lược xây dựng ngay từ đầu. Họ nói về “kiếm hiệp”, tức là tui thành công.
Vì sao lại thành công?
Vì tui là quán “kiếm hiệp” duy nhất, không có một sự thay thế hay lựa chọn nào khác. Nếu anh em tò mò về quán kiếm hiệp, cách duy nhất là đến quán tui trải nghiệm thử.
Tạm thời bỏ qua câu chuyện vì sao lại là kiếm hiệp, vì sao tui biết là “từ khóa” này sẽ mang lại chiến thắng cho tui. Hãy nói về chuyện tui đã làm điều đó như thế nào. Thật ra nó khá đơn giản (nhưng không dễ).
1. Tạo ra một “câu chuyện” khiến người ta muốn nói về
2. Mang nó đi lan tỏa.
Vì tui muốn các anh em hiểu được bản chất, gốc rễ của vấn đề, nên mời anh em theo tui lên tàu thời gian, quay ngược lại cách đây 10 năm để xem chuyện gì đã xảy ra. Tui luôn có niềm tin rằng, chỉ có cách hiểu rõ nguyên lý (thứ sẽ không thay đổi theo thời gian) thì mình mới có thể áp dụng hiệu quả được cho thực tế bản thân.
Thời điểm đó, chưa có sự xâm chiếm của tóp tóp (phải viết sai đi để nền tảng không đánh dấu), cũng như chưa có sự tràn lan của nghề “sáng tạo nội dung”. Một nghề hoa mỹ, đẹp đẽ là kết quả của chuỗi ngày thao túng nội dung để điều hướng niềm tin của người trẻ (tui xin nói chủ đề hấp dẫn này trong bài khác). Túm lại là lúc đó chưa có nhiều KOC, KOLs như bây giờ.
Thời điểm đó, báo chí chính thống, truyền hình là những kênh truyền thông hiệu quả nhất. Nó hiệu quả bởi vì nó đáng tin, người ta (khách hàng của mình) vẫn đang còn hành vi vào đó để xem, đọc và cập nhật tin tức mỗi ngày. Chứ hem phải thấy buồn buồn liền “tranh thủ” mở tóp tóp ra giải trí như giờ.
Muốn quán mình được nhiều người biết đến, thì lên báo và tivi là con đường nhanh nhất vào thời điểm đó. Ai cũng biết điều này, nhưng mà rõ ràng việc này không hề dễ, nhất là khi mà mình không có nhiều tiền, thậm chí là không có tiền luôn.
Tui bỏ rất nhiều thời gian ra để xem và phân biệt (nhờ được học) đâu là bài được lên do trả tiền và đâu là bài do phóng viên tự viết và đưa lên (miễn phí). Vì không có tiền nên tui tập trung vào các nội dung miễn phí (tất nhiên rồi).
Tui xem và tìm ra được rất nhiều điểm chung của những nội dung được lên miễn phí, và cũng tìm ra được rất nhiều cái tên của những phóng viên này (đa phần họ sẽ lấy bút danh).
Tui được dạy, và hiểu rằng phóng viên cũng là người đi làm, và họ cũng có KPI, cũng có công việc và nhiệm vụ của mình. Hơn ai hết, phóng viên rất cần “tin”.
Tức là cần câu chuyện đó anh em, đó là lý do vì sao họ sẵn sàng phi xe đến ngay những chỗ nào có tin hot dù xa hay nắng mưa. Kết quả công việc của họ được đánh giá bởi cấp trên là số lượng bài viết cần phải có trong tuần, trong tháng, và cả số lượng views nữa.
Bài nào càng thu hút, càng được nhiều views thì họ càng vui.
Vì nhiều views tức là hiệu quả, họ sẽ được đánh giá tốt hơn, bản thân họ cũng hạnh phúc vì chất xám của mình được khán giả ghi nhận.
Có thể anh em ít biết, chứ những bài viết được xã hội đón nhận, nhiều triệu views được xem như là thành tựu của người phóng viên đó.
Vậy là thay vì tư duy cần bỏ tiền ra để booking bài, tui tập trung vào việc tạo ra câu chuyện. Tui muốn biến bản thân mình thành sự hấp dẫn để thu hút những phóng viên này, để cùng họ có thể kết hợp win-win.
Họ có câu chuyện hay, còn tui được nhiều người biết đến. Tui làm hết chiến dịch này đến chiến dịch khác nhau, và trên tiêu chí là nó phải đủ sức trở thành câu chuyện, nên chiến dịch nào cũng sặc mùi “độc lạ”, kì quái.
Tui tập trung rất nhiều vào yếu tố “kỳ quặc, phi thường và độc lạ” trong 16 Concept Truyền Thông bất biến của sư phụ Long.
Lúc đầu, các ý tưởng đa phần thất bại, nhưng chúng ta chỉ cần thắng một lần thôi anh em ạ, mọi thứ sẽ khác. Và thật sự là thế. Khi thử đủ nhiều, ý tưởng thành công đã đến với tui.
(anh em có thể search thêm về từ khóa “quán nhậu đập bát” để xem rõ hơn nhé).
Tui bắt đầu kết nối với các phóng viên mà tui đã tìm được ở bước trước. Tui trực tiếp gọi đến tòa soạn báo đó, và xin thông tin liên lạc của bạn phóng viên đó với lý do là tui có câu chuyện hay, tui muốn cung cấp thông tin.
Anh em tinh ý ở đây sẽ thấy được là tui đang tiếp cận theo hướng trở thành người có ích cho người ta, tức là tòa soạn báo. Nên họ nhanh chóng giúp tui kết nối được với những người phóng viên đó. Lúc đó tui cũng không biết tui can đảm hay mặt dày, nhưng tui đã chủ động mời họ đến quán để chia sẻ câu chuyện, và tui cũng nói rõ là sẽ có tiền “cà phê” cảm ơn họ luôn.
Có người đến, có người không. Không sao cả, tui biết vì thời điểm đó bản thân mình chưa phải là câu chuyện hot. Có ai đến, mình tiếp đón họ hết mình là được.
Với mỗi phóng viên đến quán, tui chia sẻ lại toàn bộ nội dung chương trình, ý tưởng, lý do vì sao mình làm việc đó, câu chuyện phía sau nó là gì. Với những điều tui muốn được thể hiện, tui nhắc đi nhắc lại “từ khóa” đó, nói nhiều hơn về nó.
Khi họ ra về, tui gửi họ một phong bì như đã hứa, có nhiều anh em còn từ chối nữa cơ. Nhưng khi đó tui đã bảo là anh em cầm đi cho tui vui, tui chỉ cần anh em hãy viết về câu chuyện của tui đúng như những gì anh em suy nghĩ và cảm nhận. Còn việc có đăng bài hay không tui không quá quan tâm.
Anh em biết điều hay nhất mà tui học được là gì không? Bởi vì họ thật sự “cảm” được câu chuyện của tui, nên họ viết rất hay, rất chạm và khác hoàn toàn với những bài viết được “booking”. Tính chân thực và cảm xúc của bài viết phải nói là đỉnh nóc kịch trần luôn. Và bởi vì bài hay, nên bài đã được lên (cần được biên tập viên duyệt đăng).
Nhưng hành trình mới được bước đầu thôi, tiếp theo còn phải giải quyết câu chuyện là: liệu câu chuyện mà họ viết có được độc giả đón nhận không?
Hiểu điều đó, nên khi bài vừa lên, tui lập tức chạy quảng cáo để bơm thêm người đọc cho nó. Không chỉ thế, tui còn chỉ thị cho các anh em nhân viên trong quán vào trong bài viết và bình luận sôi nổi, tạo ra đám đông ngay trong bài viết đó ngay ngay mà nó lên sóng.
Bài viết đó nhanh chóng trở nên nổi bật với số lượng views và tương tác cao hơn bình thường (so với các bài khác của họ). Họ cảm thấy vui hơn vì kết quả tốt, và nhờ đó những lần sau nếu mà tui có mời họ sang, tỉ lệ họ sang và viết sẽ cao hơn nữa vì họ đã thấy được thật sự là nó hiệu quả.
Còn ở góc độ của tui, tui mang bài viết đó để chia sẻ cùng quảng cáo cho nhiều người biết hơn. Khách hàng họ thấy báo đăng, họ thấy tò mò vào đọc và bắt đầu phát sinh nhu cầu đến quán để trải nghiệm thử.
Đúng là một sự kết hợp win-win như tui đã kỳ vọng. Và thứ mà tui còn không ngờ đến là hiệu ứng lan tỏa của nó nữa cơ.
Khi bài viết thành công ở một tờ báo, nó sẽ nhanh chóng lan ra các tờ báo nhỏ hơn, các Fanpage cho tới khi nào người ta cảm thấy nó không còn hót nữa.
Vậy là tự nhiên có thêm vài phóng viên chủ động liên hệ với tui để khai thác tiếp câu chuyện.
Và đó là mọi thứ đã bắt đầu các anh em ạ.
Càng làm về sau này, tui càng dễ làm hơn vì đã có một số những kết nối với các “nhà sáng tạo nội dung” ở thời điểm đó. Và đúng là mọi thứ chỉ khó khăn ở lúc đầu, khi mình đã làm được nó rồi, thì mình thấy nó cũng không khó lắm anh em ạ (haha).
Phi tập trung
Nhưng câu hỏi đặt ra là, liệu cách làm này có còn phù hợp và hiệu quả ở bối cảnh lúc này, năm 2025? Câu trả lời là có, và không.
Có nếu anh em mình hiểu nguyên lý cốt lõi của nó, và sẽ là không nếu chúng ta copy y chang 100% cách làm này.
Năm 2025, hình thái xã hội, hành vi người tiêu dùng cũng như thói quen tiếp nhận thông tin của họ đã rất khác so với 10 năm trước đây.
Có rất nhiều nghiên cứu, báo cáo cùng các học thuyết nói về chủ đề này, nhưng cá nhân tui ủng hộ và đồng quan điểm với Thuyết Xã Hội Mạng (Network Society Theory) của Manuel Castells.
(Manuel Castells là một trong những nhà xã hội học hàng đầu thế giới, đã phát triển Thuyết Xã Hội Mạng trong bộ sách "The Information Age: Economy, Society and Culture." Thuyết này mô tả sự hình thành của một xã hội mới dựa trên các mạng lưới thông tin và công nghệ truyền thông số.)
Trong đó có nhiều ý nhưng quan điểm liên quan đến bài viết này là sự dịch chuyển của quyền lực và thông tin từ số ít các tổ chức truyền thông lớn (các tờ báo, truyền hình truyền thống) sang các mạng lưới, cá nhân nhỏ hơn (nhà sáng tạo nội dung).
Từ tập trung sang phi tập trung.
Lý giải nhanh cho sự chuyển dịch này tới từ việc các nền tảng phi tập trung có thể phân phối những nội dung nhanh hơn (xu hướng), đúng với sở thích (cá nhân hóa) và gần gũi hơn (sự tương tác) so với các phương thức truyền thống.
Anh em có thể tương tác bằng việc trò chuyện trên livestream, bình luận, gửi tin nhắn cho idol của mình và có thể được phản hồi lập tức (nó thỏa mãn nhu cầu được kết nối, nhu cầu thuộc về một cộng đồng đồng giá trị)
Anh em có thể nắm bắt được điều xu đang được mọi người nói về, tham gia vào cuộc trò chuyện và trở thành người nổi bật, được lắng nghe (vì anh em nói cái mới, cái hot mà ai cũng quan tâm, nó thỏa mãn nhu cầu được lắng nghe, nhu cầu khẳng định bản thân của con người)
Anh em liên tục được xem về điều mà mình quan tâm, mình thích thay vì phải đọc những thông tin mà biên tập viên nghĩ là nó sẽ tạo ra giá trị cho người đọc (nhu cầu được tự do, tự chủ làm cái mình thích)
Và tất cả thứ chúng ta cần chỉ là một chiếc smartphone và internet, thứ gần như là phổ cập ở thời điểm này. Mọi thứ đều tuyệt vời để che đậy đi hàng loạt “tác dụng phụ” đến chậm mà chưa nhiều người quan sát thấy (tui xin được chia sẻ trong bài khác).
Tui xin mượn một câu của Manuel Castells đã đề cập:
"In the network society, power is based on the ability to connect, the ability to transmit information."
Tạm dịch: "Trong xã hội mạng, quyền lực dựa trên khả năng kết nối, khả năng truyền tải thông tin."
Tóm lại, xã hội đã thay đổi. Truyền thông đã thay đổi, bây giờ là thời đại của phi tập trung.
Làm ngụm nước rồi viết tiếp nhé anh em…
Oke tiếp, đây là câu yêu thích của tui.
Phi tập trung, biết rồi! Thế thì sao, giờ anh em mình cần làm gì tiếp theo?
Có vài thứ quan trọng tui khuyến khích anh em nên bắt đầu trước tiên để có thể dịch chuyển hiệu quả nhất (còn với anh em nào chưa làm truyền thông bao giờ thì lại càng đơn giản và dễ hơn).
Cách tư duy phù hợp lúc này sẽ là:
1. Tìm những người có sức ảnh hưởng
2. Tạo sự kết nối, giá trị và kết bạn với họ
3. Tạo ra câu chuyện hấp dẫn
4. Chủ động hợp tác với họ trên tinh thần win-win
Tui thấy trên thị trường có nhiều khóa học nói về xây kênh, nói về xây dựng thương hiệu cá nhân, nhưng với góc nhìn của tui thì ở thời điểm này, ít nhất là với ngành ăn uống.
Đó không phải là con đường duy nhất, và cũng không phải là con đường tối ưu nhất cho các anh em chủ quán.
Vì không phải ai cũng có khả năng xuất hiện, rồi diễn xuất, rồi làm nội dung cho nó trong khi đây là thời buổi thừa mứa thông tin. Không có gì đảm bảo việc nội dung mình làm sẽ được tiêu thụ và ủng hộ bởi khán giả cả. Tui có xu hướng ủng hộ các anh em trở thành người có kết nối với những người chủ kênh nhiều hơn.
Thay vì cố gắng tạo ra cái loa, anh em hãy trở thành người có thể kết nối với nhiều cái loa nhất có thể.
Và biến mình thành người sử dụng sự kết nối đó hiệu quả nhất.
Hãy nghĩ khác đi một tí, các anh em sẽ thấy con đường mình đi thênh thang rộng mở luôn.
Điều mà tui muốn lưu ý với các anh em là khi mình chọn lựa người để kết nối (các KOL, KOC) thì hãy chọn người “môn đăng, hộ đối”. Tức là chọn người vừa sức, phù hợp mà chơi.
Không phải cứ thấy ai có nhiều fan, nhiều follow mà đâm đầu vào, mình sẽ chìm mất tăm trong mớ offer họ nhận được mỗi tuần, và offer nào cũng trả phí cao gấp mấy lần chúng ta. Nếu anh em còn mới, hãy lựa chọn những người sở hữu kênh cũng ở tầm tầm của mình.
Vì sao lại thế,
1. Vì hiện tại kênh họ chưa to, không có nghĩa là nó sẽ không to. Một sự kết nối từ lúc họ còn nhỏ bé và kéo dài đến khi họ phát triển sẽ có giá trị lớn hơn rất nhiều việc chờ khi họ lớn mạnh rồi mình mới xuất hiện, khi đó mọi thứ khả năng cao đều được “định giá”.
2. Thêm nữa là vị họ nhỏ, số lượng offer họ nhận được sẽ không nhiều, tức là mình không phải cạnh tranh gay gắt như những kênh lớn.
3. Vì họ còn nhỏ, nên sự giúp đỡ, giá trị đóng góp của mình sẽ được ghi nhận rõ ràng hơn, khiến họ nhớ và chú ý hơn. Hãy hình dung sau khi hợp tác với mình, họ tăng thêm 3 nghìn theo dõi. Nếu kênh chỉ có 10k theo dõi thì nó sẽ giá trị biết bao thay vì kênh đã có hơn 100k follow rồi (?)
4. Còn một điều nữa (là góc nhìn chủ quan của tui), đó là kênh nhỏ họ chăm chỉ vào tương tác với cộng đồng hơn là các kênh lớn. Vì họ đang ở giai đoạn nhiệt huyết, còn làm trực tiếp thay vì giao lại việc đó cho người khác (ví dụ như nhân viên) làm.
Khi lựa chọn kênh để kết nối, anh em hãy chịu khó bỏ thời gian ra đọc bình luận của cộng đồng dành cho họ nhé. Việc này sẽ giúp anh em có cái nhìn khách quan về việc những nội dung, những giá trị họ đang tạo ra cho cộng đồng có được ghi nhận không.
Việc này liên quan trực tiếp đến niềm tin của cộng đồng đối với họ. Nếu các anh em hợp tác cùng một người được tin tưởng bởi cộng đồng của họ, thì tỉ lệ chuyển đổi ở giai đoạn sau (ví dụ như kêu gọi ủng hộ, kêu gọi hành động) sẽ hiệu quả hơn nhiều những người có đông người theo dõi nhưng sự tương tác và phản hồi không thể hiện được niềm tin rõ ràng.
(Anh em có thời gian có thể đọc thêm quyển The Tipping Point (Điểm Bùng Phát) của Malcolm Gladwell nhé, trong đó có chương nói khá rõ về sức mạnh của việc sở hữu mạng lưới kết nối với những người có sức ảnh hưởng).
Anh em nào hướng nội, ngại giao tiếp cũng không sao cả. Anh em có thể xuất hiện như một fan hâm mộ của họ, hãy ghi nhận những gì họ đóng góp và nói cho họ biết là anh em tâm đắc những nội dung nào của họ nhất.
Ở góc nhìn của anh em, có thể làm thêm hoặc thay đổi điều gì đó để những nội dung có thể hiệu quả hơn. Bí quyết ở đây là hãy tạo ra giá trị, hãy trở thành người có ích đối với họ. Hãy nhớ rằng mục tiêu của anh em là tạo ra sự kết nối, và biến họ thành bạn bè của anh em.
Vậy nên anh em đối xử với bạn bè mình thế nào, hãy cứ tự nhiên với họ tương tự như thế. Chúng ta sẽ hướng đến sự bền vững, chứ không phải chỉ xuất hiện đột ngột rồi ghosting cũng đột ngột nốt.
Vì là hướng đến sự dài hạn và bền vững, nên hãy cứ từ từ. Hãy cứ là fan của họ, hết ngày này đến ngày khác. Bất kỳ điều gì có giá trị đều cần thời gian, vậy nên hãy cứ bền bỉ tạo ra giá trị cho họ, rồi sẽ đến lúc họ hỏi các anh em có cần họ giúp gì không.
Đối với ngành ăn uống, anh em hoàn toàn có thể mời họ đến review quán của anh em bằng cách tặng cho họ voucher giảm giá, hoặc tặng họ món ăn, hoặc ở góc nhìn của fan, gợi ý cho họ gợi ý quán của anh em.
Có rất nhiều phương pháp, nhưng tui chỉ lưu ý anh em là chỉ nên gợi ý khi đã xây dựng được mối quan hệ thật sự, đừng để những gì liên quan đến tiền bạc, quyền lợi xuất hiện ở bước ban đầu. Việc đó không sai gì cả, nhưng nó làm tâm lý của người ta sẽ hành xử khác với mình. Nên hãy chọn lúc phù hợp anh em nhé.
Niềm tin
Và như tinh thần chúng ta đang nói với nhau, đó là phi tập trung. Vậy nên anh em sẽ cần xây dựng cho mình số lượng nhiều kết nối như thế. Vì đây là cách mà xã hội đang chuyển dịch và vận hành.
Chúng ta lắng nghe, tham khảo và tiếp nhận thông tin từ nhiều nguồn. Ở vai trò khách hàng, người ta cũng thế, họ cũng xem nhiều người review về quán của anh em chứ không phải chỉ xem duy nhất 1 cái video ngắn rồi quyết định luôn. Và về sau này sẽ lại càng như thế rõ ràng hơn.
Bởi vì một điểm yếu của sự phi tập trung là tính chủ quan của người sáng tạo nội dung, tuy nó chân thực vì đó là trải nghiệm của cá nhân thực tế (chủ kênh) nhưng trải nghiệm mỗi người mỗi khác nhau, do đó tính công tâm và khách quan cũng khác nhau luôn.
Tức là độ chính xác về thông tin thì chắc chắn cần phải suy ngẫm và cân nhắc.
Đã có nhiều nội dung sai lệch thông tin diễn ra rồi, và mỗi lần như thế người xem lại mất đi niềm tin một chút. Review cũng thế, người ta có thể biết được đâu là review thực tế tự nhiên và đâu là review được “trả phí” để xuất hiện.
Nhưng nếu 8/10 kênh nói về anh em đều là thông tin tốt, thì khả năng cao là người dùng sẽ tin tưởng hơn. Kéo xuống đọc comment họ cũng thấy các đánh giá tích cực nữa, thì khả năng cao họ sẽ ghé thử quán của anh em thay vì quán khác.
Tui hay nói đùa là, cái đầu tiên bao giờ cũng là cái khó nhất. Khoảng cách từ 0 đến 1 nó dài gấp trăm lần khoảng cách từ 1 đến 2.
Vậy nên hành trình đi tìm kiếm người đầu tiên để đồng ý hợp tác, kết nối với các anh em nó nhiêu khê lắm.
Cách tui đã làm (và sẽ tiếp tục làm nếu cần) đó là vay mượn niềm tin.
1- Tui sẽ tìm ra một bên nào đó (người, hoặc tổ chức) “bảo kê” uy tín cho tui. Giống như họ biết các anh em là bạn, là đối tác của một bên, một ai đó rất uy tín thì tự nhiên anh em cũng được hưởng ké cái uy tín đó vậy. (Đọc thêm “hiệu ứng ánh hào quang” nếu quan tâm nhé anh em)
2- Nếu anh em có bạn bè, hãy sử dụng bạn bè; nếu không các anh em có thể đầu tư ít chi phí để một bên báo chí uy tín viết về các anh em.
Hãy thử đặt lên bàn cân, khi anh em chủ động kết nối với người ta, họ không biết anh em là ai và khi anh em kết nối nhưng lại có một tờ báo lớn đã từng viết bài về anh em. Sự khác biệt là thấy rõ đúng không?
Tui nhìn nhận việc được một người uy tín, hay một tờ báo uy tín viết về là một sự kiện bản lề. Vì sau việc đó, chúng ta có thể mở khóa được nhiều cơ hội và sự kết nối mới.
Việc kết nối cùng các chủ kênh (reviewers) chỉ là một ví dụ trong số đó mà thôi.
Vậy nên, nếu phải bỏ ra chi phí, đừng quá căn ke. Giá trị của mối quan hệ có thể đi theo các anh em cả đời nếu các anh em thật sự tôn trọng và chăm sóc nó.
Trong tình huống anh em thấy giữa anh em và họ có sự kết nối như bạn chung chẳng hạn, đừng ngần ngại lên tiếng nhờ giúp đỡ. Hãy nhờ người khác giới thiệu và kết nối anh em với họ, việc đó có giá trị đáng kể trong việc tăng tốc phát triển niềm tin thay vì phải đi từ người lạ với nhau.
Như một câu tui rất thích: “Nhất quan hệ, nhì tiền tệ”. Đây chính xác là lúc để các anh em tận dụng sự quảng giao và mối quan hệ của mình đó.
Nếu phải gói gọn “niềm tin” trong một dòng ngắn gọn ở bài viết này, có lẽ tui sẽ muốn anh em nhớ câu này nhất:
“Tìm và chọn những người được tin tưởng bởi cộng đồng của họ, bắt đầu xây dựng niềm tin và sự kết nối với họ một cách chậm rãi, sau đó lặp lại nó nhiều lần cho nhiều người”
Tui không biết cái gì nhanh chứ niềm tin là thứ rất cần thời gian, cứ quan điểm là phải chậm rãi từ từ hướng đến dài hạn đi cho đỡ áp lực nhau nhé anh em.
Xứng đáng mà, vì sau đó nó sẽ là tài sản của anh em cả đời, miễn là anh em còn kinh doanh trong ngành đó, còn chăm sóc nó. Trừ khi anh em…có phốt.
Mạng lưới ngầm
Hẳn anh em đều đã từng nghe qua về “hiệu ứng đám đông” hay “tâm lý bầy đàn”. Khi chúng ta quyết định đi “ăn thử” ở một quán ăn nào đó, các anh em đã đến nơi và đang trên con đường đến địa chỉ cần đến.
Anh em phát hiện ra quán mà anh em đang định thử, nó trông có vẻ hơi vắng trong khi quán bên cạnh (cũng bán món tương tự anh em muốn ăn) lại rất đông đúc và nhộn nhịp.
Khả năng cao là các anh em sẽ bỏ qua những thông tin mà anh em đã nghiên cứu trước đó, xem review, coi quán có phốt gì không, xem có khuyến mãi gì không… và lao vào thử luôn ở quán đông đúc đó. Các anh em không phải là người duy nhất hành động như thế, chính bản thân tui cũng từng như thế mà.
Vì ở trong những tình huống không chắc chắn (không biết quán mình định thử có ổn không vì mình chưa thử bao giờ), con người ta có xu hướng đi theo những bằng chứng xã hội (ví dụ như đám đông đang hiện hữu trước mắt).
Quan điểm này được giáo sư tâm lý học Robert Cialdini thể hiện khá rõ trong Social Proof (Bằng chứng xã hội).
Và đó là một ví dụ rõ ràng cho một sự kiện thực tế, có điều khi online liệu hành vi của các anh em có diễn ra tương tự như thế? Liệu rằng chúng ta có lựa chọn nghe theo sự gợi ý và hành động của người khác trên môi trường online?
Câu trả lời là cơ chế đó sẽ diễn ra tương tự như offline nếu chúng ta tạo ra được hiệu ứng đồng loạt (herd effect).
Hãy thử hình dung, chuyện gì sẽ xảy ra nếu như anh em ở vai trò, trải nghiệm của khách hàng và tìm kiếm món ăn, hoặc một không gian để trải nghiệm nếu mọi thứ diễn ra kiểu thế này.
Anh em là người thích khám phá, ăn uống, thích cái gì ngon thế nên anh em chọn theo dõi một số reviewer (khoảng 10 người) để luôn có thông tin về quán nào có gì ngon, quán nào mới ra hay quán nào có phốt, nghỉ không ăn ở đó nữa.
Như bao ngày bình thường, anh em lướt xem và giải trí (hành vi của khách hàng) bỗng dưng những reviewers mà anh em theo dõi đều đồng loạt nói về một cái quán, một món ăn, một sự kiện nào đó. Vấn đề là những nội dung của các reviewers này không giống nhau hoàn toàn.
- Có người ăn và đánh giá thêm về không gian quán,
- Có người kể câu chuyện về cuộc đời chủ quán,
- Có người khen nhân viên thân thiện, phục vụ tốt,
- Có người bất ngờ vì phong cách và trải nghiệm ấn tượng,...
Tóm lại là mọi người bỗng nhiên đồng loạt nói về một thứ, và ngoại trừ một điều là đồ ăn ở đó ngon (ai cũng đề cập đến điều đó) các reviewers còn nói thêm nhiều góc độ, câu chuyện khác của quán nữa.
Lúc này, các anh em sẽ cảm giác thế nào? Có phải tự nhiên thấy tò mò vì sao tự nhiên quán này lại hot thế đúng không?
Nếu anh em thuộc nhóm người tiên phong, khả năng cao là anh em sẽ kéo xuống đọc thử bình luận, và lên lịch đi thử ngay và luôn. Sau đó có thể anh em sẽ chia sẻ lại trải nghiệm đó cho bạn bè của mình.
Tuy nhiên nhóm này rõ ràng không nhiều và không thể đại diện cho số đông.
Thế nên khả năng cao là anh em ấn tượng với quán đấy, nhưng vẫn còn đang trù trừ lưỡng lự. Thì lúc này các anh em lại thấy idol của các anh em, hoặc chính bạn bè của mình nói về quán đấy (không phải reviewer nhé, chỉ đơn giản là một kết nối đáng tin khác của anh em nhưng không phải là reviewer).
Các anh em khả năng cao sẽ là người tiếp theo đến đó thử và trải nghiệm (có thể sẽ inbox hỏi bạn bè mình trước, hoặc có thể không).
Và con sóng đó cứ âm thầm lan ra, một cách tự nhiên. Chính bản thân các chủ quán cũng không thể đo lường được chuyện này, tui cũng không. Tui chỉ đơn giản là biết nó có tồn tại mà thui.
Vấn đề ở đây, là làm thế nào để 8/10 reviewers mà khán giả theo dõi sẽ đồng loạt nói về các anh em? Cách tối ưu nhất chính là tạo được sự kết nối (giống ở bước trên tui đã đề cập) với toàn bộ, sau đó đồng loạt mời họ kết hợp với anh em.
Nếu một reviewer đến reviewer quán anh em và có được một clip vài triệu views, thì khả năng cao là các reviewers khác cũng sẽ đến, và nếu anh em đã có kết nối với họ trước rồi, thì tỉ lệ họ đồng ý đến ngay và luôn là rất cao.
Quay lại câu chuyện cũ của chúng ta đã nói ở trên, chúng ta phải hiểu được họ cần gì đúng không?
Những nhà sáng tạo nội dung ở thời đại này, họ cần câu chuyện, họ cần chất liệu để kể chuyện, họ cần views. Cái họ cần chính là sự chú ý của xã hội, một loại tiền tệ mới ở thời đại mà thông tin trở nên ngập tràn tới mức thừa mứa.
Vậy nên, hãy cho họ những thứ họ muốn bằng cách tạo ra nhiều chất liệu câu chuyện nhất để họ có thể kể về các anh em một cách tự nhiên nhất, và bởi vì tự nhiên nên nó sẽ rất chân thực, rất “chạm”.
Sau đó, các anh em có thể áp dụng cách làm cũ tui đã chia sẻ ở trên đó, mang những câu chuyện của chính họ đi lan tỏa, việc đó tạo thêm giá trị cho mối quan hệ của các anh em với họ.
Có thể không áp dụng cho tất cả, nhưng các anh em hoàn toàn có thể chọn ra những kết nối mình cảm thấy tương đồng về giá trị nhất, có thể đồng hành lâu dài nhất. Đó thực sự là mối quan hệ win-win, khi cả họ cũng lớn lên còn các anh em thì xây dựng được hình ảnh của mình trong mắt khán giả.
Hình dung lại một cách rõ ràng hơn, các anh em sẽ có nhiều sự kết nối với những người giữ kênh (nhà sáng tạo nội dung), và ở trong đó sẽ có nhiều người là kết nối chiến lược của các anh em.
Anh em sẽ dồn nguồn lực để cùng họ phát triển win win với nhau, việc đó sẽ tạo ra sự hấp dẫn để các anh em lăn cầu tuyết và mở rộng thêm các kết nối mới, ở vị thế tốt hơn.
Các anh em kết nối được nhiều nhà sáng tạo hơn, ít tốn nguồn lực hơn khi anh em trở nên nổi tiếng hơn, là tâm điểm của sự chú ý.
Đó là lý do tui thích, rất thích và vẫn luôn ủng hộ (đi ăn) dài dài ở Haidilao…
Lời Kết…
Xã hội thì luôn thay đổi, cả tui lẫn các anh em đều phải luôn “thích nghi” nếu muốn giữ được vị thế (chỉ là giữ thôi chứ chưa nói đến tiến lên) của mình cả trong cuộc sống lẫn kinh doanh.
Nếu như phải tóm gọn toàn bộ bài viết này trong vài dòng, tui muốn các anh em hãy cân nhắc và sớm bắt đầu hành trình đi kết nối những nhà sáng tạo nội dung phù hợp với mô hình kinh doanh của anh em.
Hình thái của truyền thông và marketing đã thay đổi và nó sẽ không quay lại trạng thái cũ nữa đâu. Một là chúng ta thích nghi và tiến lên, hai là chúng ta chần chừ và vẫn phải tiến lên sau khi đã bị mất mát.
Tui có xu hướng chọn cái đầu tiên hơn.
Tui cảm ơn các anh em đã dành trọn thời gian để đọc bài này, một bài viết khá dài, nhưng tui tin rằng bài viết này có thể cho anh em một góc nhìn mới về sự dịch chuyển đang diễn ra âm thầm và liên tục trong xã hội của chúng ta.
Chúc cho các anh em đủ sáng suốt, nhạy bén và kiên trì để nâng cấp bản thân mình trong giai đoạn sắp tới. Hẹn gặp anh em ở bài viết tiếp theo trong series: 8 nhà hàng, 10 năm và những bài học tui bị “dạy” (bài kế chưa nghĩ ra tên).
"In a decentralized world, agility and connectivity are your greatest assets. Act now to harness their power." - tỷ phú nổi tiếng Richard Branson.
Tạm dịch: "Trong một thế giới phi tập trung, sự linh hoạt và kết nối là tài sản lớn nhất của bạn. Hãy hành động ngay để khai thác sức mạnh của chúng."
Ảnh minh họa "The Scream" của họa sĩ của Edvard Munch
Nguồn: Phan Thông