Ngay khi biến chủng Omicron được phát hiện tối hôm thứ Sau tuần trước, giá dầu WTI ngay lập tức lao dốc thủng mốc 70 đô la Mỹ/thùng còn 68 đô la Mỹ/thùng, khiến thị trường thế giới hoang mang. Giá Brent thời điểm cũng chỉ dừng ở mức 72 đô la Mỹ/thùng.

Trong phiên giao dịch hôm qua (29/11), giá dầu thô thế giới đã phục hồi phần nào sau đợt sụt giảm nghiêm trọng hồi cuối tuần trước. Tại thời điểm 15h00 (giờ Việt Nam), dầu Brent tăng 4,4% lên 76 đô la Mỹ/, còn dầu WTI tăng 4,9% lên 71,5 đô la Mỹ/thùng.

Theo Reuters, việc các nhà đầu tư chen chân vào thị trường để kiếm lời sau khi giá dầu lao dốc cũng như việc một số nguồn tin dự đoán OPEC sẽ tạm dừng tăng sản lượng để chống lại biến chủng Omicron là động lực giúp giá dầu tăng lên.

Tuy nhiên, tâm lý thận trọng vẫn bao trùm thị trường vì các nhà khoa học chưa tiết lộ nhiều thông tin về siêu biến chủng mới. 

4916-qte-1638223002.jpeg

Thứ Sáu tuần trước (tức ngày 26/11), giá dầu thô đã sụt hơn 12% sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố một số thông tin sơ bộ về Omicron, biến chủng được phát hiện lần đầu tại Nam Phi.

Biến chủng mới hiện đã lan ra tất cả châu lục trên thế giới, niều nước như Hà Lan, Đan Mạch và Australia liên tục ghi nhận các ca nhiễm mới và một số nước khác đã ban hành lệnh hạn chế tiếp nhận khách nước ngoài.

Trong một tuyên bố mới phát đi, WHO cảnh báo: "Omicron có số lượng đột biến ở protein gai cao chưa từng thấy. Một vài đột biến trong số này rất đáng ngại vì có khả năng ảnh hưởng tới diễn biến của đại dịch. Rủi ro toàn cầu nói chung liên quan tới biến thể mới này được đánh giá ở mức rất cao".

Các chuyên gia lo ngại Omicron có thể tác động đến nhu cầu dầu mỏ, đồng thời cản trở đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu. Chưa kể, một số còn cảnh báo tình trạng dư cung có thể trở nên nghiêm trọng hơn trong quý I năm tới.

Ngay từ đầu tuần mới, OPEC+ đã quyết định dời các phiên họp kỹ thuật sang giữa tuần để có thêm thời gian đánh giá tác động của biến chủng Omicron đối với nhu cầu và giá dầu thô.

Ông Tatsufumi Okoshi, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Nomura Securities, cho biết: "Chúng tôi nhận thấy thị trường năng lượng đã có một số điều chỉnh do cú lao dốc cuối tuần trước diễn ra quá khủng khiếp".

"Nếu giá dầu thô sụt mạnh hơn, liên minh OPEC+ có thể tạm dừng kế hoạch tăng sản lượng để hỗ trợ giá dầu", ông Okoshi nói thêm.

Cùng chung quan điểm, Giám đốc Nghiên cứu Hiroyuki Kikukawa của Nissan Securities cho biết mọi con mắt đang đổ dồn vào thiệt hại tiềm tàng mà Omicron gây ra cho nền kinh tế toàn cầu, nhu cầu nhiên liệu cũng như quyết định chính sách của OPEC+ trong tuần này.

Ngoài ra, ông Kikukawa còn lưu ý về các cuộc đàm phán xoay quanh thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của Iran. Từ ngày 29/11, các bên liên quan đã tập trung về thủ đô Vienna của Áo để tái đàm phán thỏa thuận này. 

Nếu đàm phán đi đến thành công, hàng triệu thùng dầu của Iran có thể được bơm ra thị trường, làm tăng thêm mối lo của OPEC+ trong bối cảnh Mỹ và các khách hàng lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Ấn Độ và Trung Quốc xả kho dự trữ dầu thô để giảm giá xăng; cũng như giữa lúc biến chủng Omicron lây lan trên toàn cầu.