Theo thông tin từ oilprice, lúc 5h50 ngày 27/11 (giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ - WTI giảm 13,06% xuống 68,15 đô la Mỹ/thùng. Trong khi đó, dầu Brent giao tháng 1 cũng giảm tới 11,55% xuống 72,72 đô la Mỹ/thùng.

Ngày 26/11 (giờ Mỹ) là ngày tồi tệ nhất của các hợp đồng tương lai kể từ tháng 4/2020. Và đây cũng là lần đầu tiên kể từ tháng 11/2020, dầu WTI đóng cửa dưới mức trung bình trong 200 ngày, theo CNBC.

Tại thị trường Việt Nam, giá xăng dầu cũng giảm đáng kể. Liên Bộ Công thương – Tài chính điều giá xăng dầu từ 3 giờ chiều ngày 25/11. Cụ thể, xăng E5 RON92 giảm 752 đồng/lít, xăng RON95 giảm 1.094 đồng/lít; dầu diesel giảm 334 đồng/lít; dầu hoả giảm 440 đồng/lít; dầu mazut giảm 344 đồng/kg.

gia-xang-dau-hom-nay-24-11-tiep-tuc-lao-doc-pha-vo-moc-ho-tro-quan-trong-gia-dau-tho-ngay-25-6-3028-1593060935860x0-1595387-1637800948-354-width650height414-1638052745.jpg

Sau khi giảm, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 22.917 đồng/lít và xăng RON 95 là 23.902 đồng/lít, dầu diesel 18.382 đồng/lít; dầu hỏa 17.197 đồng/lít và dầu mazut 16.477 đồng/kg.

Đây là lần giảm giá xăng trong nước đầu tiên sau 3 tháng và lần giảm thứ 4 trong vòng một năm qua. Và cũng là lần giảm đầu tiên sau 5 lần điều chỉnh tăng gần đây nhất.

Giá dầu lao dốc diễn ra trong bối cảnh thị trường bán tháo rộng rãi sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lên tiếng cảnh báo về một biến thể SARS-CoV-2 (Omicron) mới được phát hiện ở Nam Phi. Biến thể này có thể kháng vắc-xin cao hơn nhờ các đột biến của nó. WHO cho biết cần phải điều tra thêm.

Bên cạnh đó, nhu cầu du lịch giảm cùng với một loạt chính sách “đóng cửa” của các nước trước tình trạng số ca mắc COVID-19 đang tăng trên thế giới cũng ảnh hưởng đến nguồn cầu khi mà nguồn cung sắp tăng lên.

Mỹ, Canada, Anh, Guatemala và các quốc gia châu Âu nằm trong số những quốc gia hạn chế đi lại từ miền nam châu Phi - nơi phát hiện biến thể.

John Kilduff, đối tác của Again Capital, nhận định, “có vẻ như việc phát hiện ra một biến thể Covid-19 ở miền nam châu Phi đang gây “hoảng” cho thị trường trên diện rộng”. 

Các nhà phân tích tại Commerzbank cho biết, “Việc bán tháo này là do lo ngại về tình trạng dư cung khá lớn vào đầu năm 2022, được cho là do việc “giải phóng” dự trữ dầu chiến lược sắp tới của Mỹ và các quốc gia tiêu thụ lớn khác, cộng với sự tăng mạnh, liên tục các ca Covid-19”. 

“Đây là một phản ứng thái quá về mặt thị trường”, Amrita Sen, trưởng nhóm phân tích dầu mỏ tại công ty tư vấn Energy Aspects Ltd. cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình Bloomberg, đồng thời nhấn mạnh: "Đây là giá thị trường trong các tình huống xấu nhất có thể xảy ra".