Để phục vụ cho Đại hội đồng cổ đông 2023 diễn ra vào ngày 21/4 sắp tới, phía Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank (VCB) đã công bố nhiều tài liệu liên quan đến đại hội. Một trong số đó có tờ trình về việc bầu Thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Cụ thể, theo thông báo của VCB số lượng Thành viên Hội đồng quản trị VCB nhiệm kỳ 2023 - 2028 là 11 Thành viên Hội đồng quản trị, trong đó có 1 Thành viên Hội đồng quản trị đại diện vốn nước ngoài và 1 Thành viên Hội đồng quản trị độc lập.

Trước mắt tại Đại hội đồng cổ đông thường niên VCB năm 2023, bầu 8 Thành viên Hội đồng quản trị. Trong đó, bầu tái cử 6 Thành viên Hội đồng quản trị đương nhiệm nhiệm kỳ 2018 - 2023 gồm: 

- Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị,

- Ông Nguyễn Thanh Tùng, Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc VCB;

- Ông Đỗ Việt Hùng, Thành viên Hội đồng quản trị

- Ông Nguyễn Mỹ Hảo; Thành viên Hội đồng quản trị,

- Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Thành viên Hội đồng quản trị:

- Ông Hồng Quang, Thành viên Hội đồng quản trị.

Bầu ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Lotus, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc VCB (hiện nay đã nghỉ hưu) giữ chức vụ Thành viên Hội đồng quản trị độc lập của VCB nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Ông Ngoạn là cử nhân ngành Ngoại thương - Đại học Ngoại thương Hà Nội, Thạc sỹ ngành Tài chính ngân hàng – Học viện Finafrica (Italia), Tiến sỹ ngành Tài chính – Lassale University (Mỹ).

Bầu tái cử Ông Shojiro Mizoguchi, Thành viên Hội đồng quản trị đại diện vốn nhà đầu tư nước ngoài.

VCB cũng thông báo, ngân hàng không bầu tái cử chức vụ Thành viên Hội đồng quản trị độc lập đối với ông Trương Gia Bình, Thành viên Hội đồng quản trị độc lập nhiệm kỳ 2018 - 2023 theo nguyện vọng cá nhân. Trước đó, ông Trương Gia Bình được bầu vào HĐQT Vietcombank tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018.

Liên quan đến hoạt động kinh doanh, trong năm 2022, VCB đã đạt và vượt các chỉ tiêu Đại hội đồng cổ đông giao. Tổng tài sản tính đến hết ngày 31/12/2022 đạt 1.813.815 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2021, đạt 119% kế hoạch năm 2022 do ĐHĐCĐ giao. Dư nợ tín dụng đạt 1.156.148 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2021, trong giới hạn tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước giao và đạt 103% kế hoạch năm 2022.

Tổng huy động vốn đạt 1.257.806 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2021, đạt 100% kế hoạch năm 2022. VCB tiếp tục kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng và đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu. Dư nợ xấu nội bảng là 7.820 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 0,68%, trong khi dư quỹ dự phòng rủi ro ở mức 24.779 tỷ đồng. 

Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu nội bảng là 317%, cao nhất ngành ngân hàng. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 37.368 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2021 và vượt kế hoạch năm 2022 (tăng tối thiểu 12%), tiếp tục là ngân hàng có quy mô lợi nhuận dẫn đầu thị trường. Quy mô vốn hóa thị trường của VCB đạt ~16,5 tỷ USD, tiếp tục là doanh nghiệp niêm yết có quy mô vốn hóa lớn nhất Việt Nam, lọt vào nhóm 100 ngân hàng niêm yết có quy mô vốn hóa lớn nhất toàn cầu.

Định hướng chủ đạo của VCB cho giai đoạn 2023 - 2028 là hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược đến năm 2025 và tầm nhìn 2030: Giữ vững vị thế số 1 tại Việt Nam, một trong 200 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới, một trong 700 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu và đóng góp lớn vào sự phát triển bền vững của Việt Nam.