photo1621388327705-16213883278451697820803-1632987969.jpg
Ảnh minh họa.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank – Mã: STB) mới đây đã có thông báo về việc tổ chức bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Phương Nghi phát sinh từ năm 2012.

Tính đến ngày 19/7, tổng giá trị của khoản nợ là hơn 1.005 tỷ đồng, bao gồm 424,4 tỷ đồng nợ gốc và gần 581 tỷ đồng nợ lãi. Sacombank đưa ra giá khởi điểm cho khoản nợ này là 905,4 tỷ đồng, thấp hơn 100 tỷ đồng so với giá trị nợ gốc và lãi phải trả.

Khoản nợ được bảo đảm bằng gần 40,9 triệu cổ phiếu BVB của Ngân hàng Bản Việt (Vietcapital Bank). thuộc sở hữu của Công ty CP Đầu tư Khu đô thị mới Sài Gòn (Saigon NIC). Số cổ phiếu BVB được thế chấp ở trên bằng đúng toàn bộ số cổ phần BVB mà Saigon NIC sở hữu. Hiện tại, Saigon NIC là cổ đông lớn duy nhất của ngân hàng này với tỷ lệ sở hữu lên tới 11,61%.

Năm 2012, Sacombank định giá số cổ phiếu này ở 515 tỷ đồng, tương đương 12.600 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, đến cuối năm 2015, Sacombank định giá lại lô cổ phiếu này và xác định giá trị hợp lý chỉ còn 450 tỷ, tương đương 11.000 đồng/cổ phiếu.

Tháng 7/2020, Vietcapital Bank đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM với giá tham chiếu 10.700 đồng/cổ phiếu. Hiện, cổ phiếu BVB đang được giao dịch ở mức 20.900 đồng, tương đương giá trị thị trường của lô 40,9 triệu cổ phiếu đảm bảo cho khoản nợ tại Sacombank là trên 855 tỷ đồng.

Được biết, Sacombank là một trong những ngân hàng có lượng nợ xấu nội bảng lớn nhất hệ thống ở mức 5.600 tỷ vào cuối tháng 6/2021. Những năm qua, nhà băng này liên tục phải trích lập dự phòng hàng nghìn tỷ đồng cho các khoản nợ xấu.

Trong khi đó, hoạt động kinh doanh của Eximbank lại bị ảnh hưởng mạnh bởi khoản nợ khó đòi thế chấp bằng cổ phiếu STB của Sacombank.

Sau nhiều năm, Eximbank vẫn đang ‘’chật vật’’ giải quyết khoản vay 746 tỷ đồng thế chấp bằng 75 triệu cổ phiếu STB của 7 khách hàng.

Báo cáo của Ban kiểm soát Eximbank chuẩn bị cho Đại hội cổ đông 2020 (nhưng bất thành) cho biết, khoản vay thế chấp bằng cổ phiếu STB cũng khiến hai chỉ tiêu an toàn hoạt động của ngân hàng không đạt yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

Theo đó, tỷ lệ dư nợ cho vay chứng khoán trên tổng dư nợ của Eximbank tại thời điểm 31/12/2019 là 6,04%, cao hơn so với mức quy định tối đa theo Thông tư 36/2014 là 5%, chủ yếu do khoản nợ của 7 khách hàng quá hạn thế chấp cổ phiếu STB vay mua cổ phiếu EIB, với tổng dư nợ là 746 tỷ đồng.

Năm 2016, Eximbank đã khởi kiện nhóm khách hàng này lên tòa án để thu hồi nợ. Tòa án đã phán quyết 5 khách hàng phải trả cho ngân hàng 500 tỷ đồng. Riêng 2 khách hàng còn lại nợ 246 tỷ đồng, Eximbank đang chờ tòa án hoàn tất các thủ tục để đưa ra xét xử.

Do Ngân hàng Nhà nước đã cho phép Eximbank xử lý 75 triệu cổ phiếu Sacombank (STB) mà 7 khách hàng đã thế chấp nên dự kiến trong thời gian tới, nếu các khách hàng không trả nợ, ngân hàng này sẽ phát mãi toàn bộ số cổ phiếu STB để thu hồi 746 tỷ đồng nợ vay.

Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, đến đầu tháng 9, Eximbank đã bán phân nửa trong số hơn 75 triệu cổ phiếu STB đang nắm giữ và tiếp tục bán. 

Tương tự Eximbank, Kienlongbank cũng từng ‘’đau đầu’’ với khoản nợ xấu gần 1.900 tỷ đồng đảm bảo bằng 176,4 triệu cổ phiếu STB.

Vào cuối tháng 9/2020, nợ xấu của Kienlongbank từng tăng vọt lên mức 2.240 tỉ đồng do phải hạch toán gần 1.896 tỉ đồng dư nợ các khoản cho vay của nhóm khách hàng có tài sản đảm bảo là cổ phiếu của Sacombank (STB) vào nợ nhóm 5 theo quyết định chỉ đạo của NHNN.

Trước đó, trong năm 2019, lợi nhuận Kielongbank giảm hơn 70% xuống 86 tỉ đồng cũng chủ yếu do phải trích lập dự phòng cho các khoản nợ được đảm bảo bằng cổ phiếu STB.

Trong quý IV/2020 và quý I/2021, Kienlongbank đã phối hợp với khách hàng xử lý toàn bộ hơn 176 triệu cổ phiếu đảm bảo cho khoản nợ xấu trên. Với việc bán xong cổ phiếu STB, ngân hàng đã có cơ sở để hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 1.000 tỷ đồng, gấp khoảng 6 lần so với năm 2020.