VTV dự kiến bán đấu giá 15% vốn điều lệ của K+ với giá khởi điểm là 188,7 tỷ đồng.

Phiên đấu giá sẽ diễn ra vào ngày 13/1/2022 và đối tượng tham gia đấu giá không bao gồm các nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, VTV sẽ thực hiện đấu giá công khai một phần vốn góp tại VSTV, trường hợp bán đấu giá công khai không thành công sẽ thực hiện chào bán cạnh tranh, nếu tiếp tục không thành công sẽ thực hiện theo phương án thỏa thuận.

Kể từ khi dịch bệnh lần đầu xuất hiện đến nay, các hoạt động quảng cáo truyền hình đều chậm lại khiến nguồn thu sụt giảm đáng kể. Theo thông tin mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông được công bố tại Hội nghị tổng kết năm ngoái, doanh thu từ hoạt động quảng cáo của các đài phát thanh và truyền hình đạt 7.250 tỷ đồng, giảm 25% so với năm 2019.

Tác động từ COVID-19 chỉ là một trong nhiều yếu tố tác động đến hoạt động kinh doanh quảng cáo truyền hình. Còn nguyên nhân chính là do sự bành trướng của các nền tảng xuyên biên giới như Facebook và Google trong thị trường quảng cáo nội địa.

lap-truyen-hinh-k-o-cu-chi-1640400910.jpeg

Để tăng khả năng cạnh tranh với các nền tảng trực tuyến, các đài truyền hình, cụ thể K+ trong nhiều năm vừa qua đã chi nhiều khoản lớn để mua bản quyền phát sóng nhiều chương trình độc quyền như Giải bóng đá Ngoại hạng Anh.

Trong năm 2019, K+ đã vượt qua Facebook để trở thành đơn vị phát sóng độc quyền giải Ngoại hạng Anh tại Việt Nam trong 3 mùa giải 2019 – 2022. Mức giá K+ bỏ ra cho thương vụ này không được tiết lộ, nhưng nhiều khả năng sẽ không thấp hơn số tiền mà Facebook từng đề nghị (Facebook được cho rằng có ý định chi 100 triệu đô la Mỹ để sở hữu độc quyền Ngoại Hạng Anh tại Việt Nam, cao hơn 2,2 lần số tiền mà K+ đã chi ra cho 3 mùa giải trước đó).

Trước đó, trong giai đoạn 2010 – 2013, số tiền K+ chi ra để sở hữu bản quyền Ngoại Hạng Anh là 13 triệu đôla Mỹ, gấp hơn 3 lần số tiền VTC bỏ ra trong giai đoạn 2007 – 2010 trước đó. Đến mùa giải 2013 – 2016, số tiền bản quyền Ngoại Hạng Anh mà K+ chi ra đã tăng hơn 3 lần lên 41 triệu đô la Mỹ. Chưa dừng lại, số tiền mà nhà đài này bỏ ra cho ba mùa giải 2016 – 2019 tiếp tục tăng lên con số khoảng 46 triệu đô la Mỹ.

Tuy nhiên, khả năng thu hồi lại vốn lại vô cùng khiêm tốn bởi tác động từ dịch bệnh cũng như số lượng thuê bao giảm dần. Vấn đề này cũng được đề cập trong giải trình của VSTV về lý do K+ thua lỗ triền miên suốt 3 năm.

Theo VSTV, nguyên nhân khiến doanh thu từ hoạt động kinh doanh chính giảm sút do công ty này không thực hiện tăng giá thuê bao truyền hình K+ vào năm 2021 như dự kiến để tạo điều kiện cho các thuê bao cũ tiếp tục gia hạn sau đại dịch Covid-19. Ngoài ra, hoạt động quảng cáo trên truyền hình vốn đã bị chậm lại vào năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch, dù đã có cải thiện nhưng chưa đạt được sự phát triển như kỳ vọng.

Năm 2018, doanh thu thuần của VSTV đạt hơn 1.202 tỷ đồng. Trừ đi các loại chi phí, công ty này lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh hơn 343 tỷ đồng, lỗ sau thuế hơn 339 tỷ đồng.

Sang năm 2019 và năm 2020, doanh thu của công ty lần lượt giảm 9% và 3,5% so với năm liền trước. Lỗ sau thuế lần lượt là hơn 247 tỷ đồng và hơn 265 tỷ đồng.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, tình hình càng nghiêm trọng hơn. Doanh thu luỹ kế 9 tháng giảm 25,5% và đạt hơn 791 tỷ đồng và lỗ sau thuế hơn 194 tỷ đồng.

Được biết, VSTV có vốn điều lệ hơn 344,4 tỷ đồng. Trong đó, tổng giá trị phần vốn góp của VTV tính đến 31/10/2021 là hơn 10,2 triệu đô la Mỹ, tương đương hơn 173 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 51%. Cổ đông còn lại của VSTV là Canal+ International Development (CO) với giá trị phần vốn góp gần 9,9 triệu đô la Mỹ, tương đương 49% vốn.

VSTV được thành lập vào năm 2009, hoạt động kinh doanh chính là mua bản quyền phát sóng các kênh truyền hình trong và ngoài nước, phát sóng, quản lý và cung cấp gói dịch vụ và/hoặc bất kỳ chương trình hoặc dịch vụ truyền hình trả tiền cho tất cả các thuê bao thông qua thiết bị thu tín hiệu truyền hình phù hợp với việc quản lý và phân phối nội dung theo các quy định của pháp luật.