Chẳng phải ngẫu nhiên mà Netflix - từ một dịch vụ xem phim trực tuyến “nhỏ bé” trở thành một đế chế truyền hình “làm mưa làm gió” trên toàn thế giới. Đằng sau sự thành công đó, không thể không nhắc đến nhà sáng lập - Reed Hastings, người không chỉ xây dựng mà còn kiến tạo cho tương lai của Netflix. 
Sự ra đời của Netflix

Netflix được sáng lập bởi Reed Hastings - một con người lập dị với khởi điểm đầu ở thung lũng Silicon. Ông sinh ngày 8/10/1960 tại Boston, sở hữu tấm bằng cử nhân toán học tại trường Bowdoin College. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông gia nhập tổ chức Peace Corps để dành hai năm tham gia dạy toán trung học tại Swaziland.
Bước đầu lập nghiệp của ông là vào năm 1991, Hastings sáng tạo ra Pure Software, như một công cụ gỡ lỗi cho các kỹ sư. Thành công của phần mềm này đã giúp doanh thu hàng năm của công ty tăng gấp đôi và Hastings sớm chuyển từ vị trí một kỹ sư thành giám đốc điều hành, và cũng là bước đầu mở ra những dự án thành công tuyệt vời cho sau này, 
Pure Software IPO vào năm 1995 và sau đó đã được mua lại bởi Rational Software. Hastings kiếm được 750 triệu USD từ việc bán công ty. 
Năm 1997 ông trở thành đồng sáng lập Netflix với Marc Randolph với khởi đầu là một công ty cho thuê đĩa DVD. Đôi khi ý tưởng khởi sự kinh doanh đến từ những điều rất bình dị trong cuộc sống, như trong trường hợp này, ông nảy ra ý tưởng thành lập Netflix đơn giản vì ông phải trả một khoản phí 40 USD do quá hạn trả DVD thuê từ Blockbuster. Ngay sau đó, ông kết hợp cùng người bạn cộng sự của mình nuôi ý tưởng thành lập một công ty cho thuê DVD qua thư tín. Và đây cũng là cách mà “một đế chế truyền hình” Netflix ra đời. 

Netflix được ra mắt vào ngày 14/4/ 1998, là cửa hàng cho thuê DVD trực tuyến đầu tiên trên thế giới, gồm có vỏn vẹn 30 nhân viên và 925 tựa đề có sẵn, gần như toàn bộ danh mục DVD được in vào thời điểm đó,  thông qua mô hình trả tiền cho mỗi lần thuê với tỷ lệ và ngày đáo hạn tương tự như đối thủ truyền thống, Blockbuster. Đến năm 1999, Netflix đã trở thành một dịch vụ cho thuê băng đĩa, tuy nhiên do gặp một số rắc rối liên quan tới chi phí và bị phụ thuộc vào dịch vụ bưu chính của Hoa Kỳ dẫn đến sự tăng trưởng doanh thu có dấu hiệu chững lại.
Đây cũng là lúc mà Netflix cần có sự đột phá để cải thiện tình hình này và Reed Hastings đã đề nghị bán 49% cho Blockbuster với mức giá rơi vào 50 triệu đô la Mỹ để giúp Blockbuster phát triển mảng online. Tuy nhiên, kế hoạch hợp tác của đôi bên bất thành, kết quả là vào năm 2010 Blockbuster phá sản do không bắt kịp với xu thế. Trong khi đó, Netflix ngày càng mở rộng và bành trướng ra toàn thế giới, trở thành một công ty cung cấp dịch vụ truyền hình trực tuyến toàn cầu với vốn hóa 150 tỷ đô la Mỹ. 


“Thiếu nguyên tắc”  

Hầu hết các công ty lớn đều có những nguyên tắc nhất định để dễ dàng trong khâu vận hành bộ máy quản lý giúp công ty không ngừng phát triển, tạo ra càng nhiều lợi nhuận càng tốt. Tuy nhiên ở Netflix thì hoàn toàn ngược lại, yếu tố làm nên thành công chính là “sự thiếu nguyên tắc”. 
Các nhà lãnh đạo của Netflix cũng đã giải thích lối tư duy truyền thống về các nguyên tắc và những lợi ích ngắn hạn của việc giảm bớt sai lầm. Và họ nhận định việc quá tập trung vào quá trình sẽ loại bỏ mất những nhân viên có kỹ năng mà công ty muốn giữ lại.
Thay vì tạo ra rất nhiều nguyên tắc cũng như quy trình, như cách mà phần lớn các công ty áp dụng với sự tăng trưởng lớn, Netflix khẳng định rằng một doanh nghiệp nên đặc biệt tập trung vào hai điều:

  • Đầu tư vào việc tuyển những nhân viên tài năng.
  • Xây dựng và duy trì một văn hóa công bằng, ghi nhận người có thành tích cao, và loại bỏ những người liên tục có biểu hiện không tốt.

Ví dụ như Netflix xây dựng "chính sách nghỉ phép không giới hạn". Thay vì đặt ra chính sách nghỉ phép như bao công ty khác, họ quyết định để cho nhân viên muốn nghỉ bao nhiêu tùy ý. Tuy nhiên, việc này chỉ áp dụng cho vài bộ phận chứ không áp dụng hàng loạt. Thêm vào đó, bất cứ ai muốn nghỉ hơn 30 ngày thì phải đến gặp bộ phận nhân sự.
Ở Netflix, họ xây dựng một văn hóa “thiếu nguyên tắc” cốt cũng để tập trung vào giá trị cốt lõi - đó chính là con người. Bởi các nhà lãnh đạo của Netflix hiểu rằng công ty có thành công và phát triển lớn mạnh hay không cũng một phần nhờ vào yếu tố “con người” - bộ phận nhân sự của công ty. 
“Tại Netflix, chúng tôi nghĩ rằng các nhân viên có thể tự xây dựng một ý thức trách nhiệm khi họ thực sự yêu công việc họ làm. Điều chúng tôi cần là hiệu quả công việc, chứ không quan tâm số giờ nhân viên có mặt ở công ty. Vì thế, Netflix sẵn sàng tạo điều kiện để tài năng của nhân viên được ươm mầm, phát triển, từ đó gắn bó lâu dài với công ty”, Hastings cho biết trên Business Insider.