Sáng 1/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì buổi tọa đàm với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ.

Trong cuộc họp, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương triển khai thí điểm cấp phép dịch vụ Internet vệ tinh Starlink tại Việt Nam.

img8485-1740804850324235133057-1740816972.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc trao đổi cùng các đại biểu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trước đó, vào năm ngoái, ông Tim Hughes – Phó Chủ tịch cấp cao của SpaceX – trong các cuộc gặp gỡ với lãnh đạo Chính phủ Việt Nam, đã bày tỏ đánh giá cao tiềm năng phát triển dịch vụ Internet vệ tinh tại Việt Nam. Ông cũng tiết lộ kế hoạch đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam trong thời gian tới.

Lãnh đạo cấp cao của SpaceX khẳng định tập đoàn đã sẵn sàng cung cấp dịch vụ Starlink tại Việt Nam, bao gồm các lĩnh vực như giáo dục, đào tạo, phòng chống thiên tai… Đồng thời, SpaceX cũng đề nghị Việt Nam chuẩn bị hạ tầng và các điều kiện cần thiết để tối ưu hiệu quả của dự án, hướng tới mục tiêu phủ sóng Internet toàn quốc.

Dự án Starlink của SpaceX, triển khai từ 5 năm trước, hiện đã có hơn 6.000 vệ tinh trên quỹ đạo thấp, cung cấp vùng phủ sóng Internet toàn cầu. Đại diện SpaceX cho biết dịch vụ này có thể kết nối Internet gần như ở mọi vị trí trên Trái Đất.

Ngày 19/2, Quốc hội Việt Nam đã thông qua nghị quyết cho phép thí điểm có kiểm soát đầu tư mạng viễn thông vệ tinh sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo thấp. Đây là một trong những chính sách đột phá nhằm thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đồng thời đảm bảo quốc phòng, an ninh. Đáng chú ý, nghị quyết không giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này.

Hiện nay, công nghệ vệ tinh quỹ đạo thấp chủ yếu do một số tập đoàn lớn trên thế giới triển khai, bao gồm Starlink của SpaceX (Mỹ), Kuiper của Amazon (Mỹ) và OneWeb của OneWeb (Anh).