Cựu chiến binh Đoàn Văn Đạt sinh năm 1936 tại Quỳnh Giao, Quỳnh Phụ, Thái Bình. Cuối năm 1960, khi ấy cụ Đoàn Văn Đạt vừa mới 24 tuổi, là một thanh niên sức dài vai rộng nhưng "tay trắng" ra Hải Dương tìm việc làm, sau đó cụ xin vào làm công nhân Xí nghiệp chế biến gỗ Hải Dương, công việc này cũng phù hợp với nguyện vọng khi rời quê hương lập nghiệp của cụ. Khi đó mơ ước của cụ Đạt là trở thành một người thợ mộc giỏi. Nhưng rồi ước mơ nhỏ nhoi ấy đành phải bỏ dở.
Vì năm 1964, giặc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc nhằm cô lập cuộc kháng chiến chống Mỹ của đồng bào miền Nam. Cụ Đạt năm ấy cũng vừa được 28 tuổi đã chọn đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, bỏ lại nghề thợ mộc để ra chiến trường B5 trở thành lính kháng chiến. Tại đây, cụ Đạt đã cùng đồng đội tham gia chiến dịch Tết Mậu Thân 1968.
Cuối năm 1969, sức khỏe yếu, cụ Đạt được xuất ngũ, chuyển ngành sang làm cung ứng ở đội xây dựng TP. Hải Dương. Năm 1979, cụ về công tác tại Phòng hành chính trường Nguyễn Ái Quốc (Phân hiệu I lúc bấy giờ tại Hải Dương). Năm 1981, cụ Đạt đã được nhà trường cho về nghỉ sau một trận ốm thập tử nhất sinh theo chế độ mất sức.
Ở tuổi 45, cựu chiến binh Đoàn Văn Đạt vẫn trắng tay. Vợ cụ Đạt là công nhân Nhà máy đá mài Hải Dương, lương chỉ đủ chi tiêu, các con cụ thì còn quá nhỏ nên kinh tế gia đình vô cùng khó khăn... Không chấp nhận nghèo! Vợ chồng cựu chiến binh Đoàn Văn Đạt làm đủ nghề để làm giàu dưới chế độ bao cấp ngặt nghèo thời bấy giờ… Đầu tiên, vợ chồng cụ Đạt chọn chăn nuôi lợn vì lúc bấy giờ thức ăn rất khan hiếm.
Làm nghề chăn nuôi lợn lúc đó cũng rất khó khăn vì thức ăn sẵn chất lượng cao, tăng trọng nhanh như hiện nay không có mà người nuôi phải tự chế biến từ rau muống, ngô, cám gạo, khoai, sắn. Là một người thông minh, nhanh nhẹn cụ đã học hỏi kỹ thuật chế biến thức ăn, cách tự cho ăn... để đàn lợn ăn hết khẩu phần, chóng lớn và không bị bệnh. Lúc này, cụ đã có thành công bước đầu, đủ tiền nuôi con nhỏ trong thời gian được trợ cấp. Nhờ chăn nuôi thành công, cụ cũng tích lũy được một số vốn nhất định.
Tuy nhiên, dù cụ cố gắng chăm sóc chăn nuôi đàn lợn hợp vệ sinh thì cũng không ngăn được mùi hôi từ nước tiểu và phân lợn thải ra, hơn nữa nơi cụ đang sống lúc đó lại giữa khu dân cư, cụ biết rõ điều đó và tìm hướng đi mới cho mình. Cụ được bạn bè mách nước rồi chuyển sang làm nghề bánh, đây được xem như bước ngoặt thay đổi cả cuộc đời cụ.
Cụ Đạt học làm bánh quy từ một người bạn, nhưng thời điểm đó bột mì nhập khẩu đều do Nhà nước phân phối và quản lý, nên việc phát triển kinh doanh khá khó khăn. Sau khi mày mò nghiên cứu cụ Đạt đã thay bột mì bằng tinh bột sắn một loại bột có sẵn trong nước. Một thời gian nghiên cứu cụ đã tạo ra được công thức làm bánh cho riêng mình, tuy làm từ bột sắn nhưng độ giòn, thơm, xốp của bánh cũng không thua kém gì bánh được làm từ bột mì, hơn nữa giá thành từ bột sắn lại rẻ hơn bột mì. Cũng từ đây việc làm ăn của gia đình cụ có bước tiến triển mới.
Nhưng cơ chế bao cấp đã gây ra nhiều vấn đề trong công việc kinh doanh của cụ. Năm 1985, cụ đã vào TP.HCM học cách kinh doanh từ nơi có kinh nghiệm. Sau 2 tháng học tập tại TP.HCM, cụ trở về Hải Dương tìm thầy học nghề làm bánh đậu xanh, một đặc sản của địa phương nhưng bị thất truyền qua hai cuộc chiến tranh.
Cụ Đạt khi đó đã gặp được cụ Hoàng Đức Tính đã từng là thợ làm bánh bậc cao trong phân xưởng bánh kẹo của nhà máy mì sợi. Năm 12 tuổi, cụ Hoàng Đức Tính đã làm việc cho Bánh Đậu Xanh Bảo Hiên Rồng Vàng. Tại đây, cụ Đạt đã xin cụ Hoàng Đức Tính nhận mình làm học trò. Sau một thời gian theo thầy học nghề, đến một ngày được thầy khen “bánh này đúng là bánh ngày xưa rồi” cụ Tính đã khen cụ Đạt khi làm ra được bánh đậu xanh có hương vị xưa. Từ đây, cuộc đời cụ Đạt bước sang trang mới.
Để làm ăn lâu dài, được sự tư vấn của bạn bè và các cán bộ khoa học công nghệ của tỉnh, cụ Đạt đã hoàn tất các thủ tục để một sản phẩm chính thức ra đời: Từ đăng ký chất lượng sản phẩm đến nhãn mác và bảo hộ thương hiệu độc quyền. Ngày 20/09/1986, sản phẩm Bánh đậu xanh Nguyên Hương với biểu tượng “Phượng hoàng bay” được tung ra thị trường. Năm 1987, huy chương bạc về sản phẩm bánh kẹo đã được trao cho thương hiệu bánh đậu xanh Nguyên Hương, đây là giải thưởng cao nhất tại Hội chợ tiểu, thủ công mỹ nghệ toàn quốc.
Năm 1988, tại Hội chợ - Triển lãm thành tựu kinh tế kỹ thuật toàn quốc được tổ chức tại Giảng Võ - Hà Nội, huy chương vàng đã được ban tổ chức trao cho thương hiệu bánh đậu xanh Nguyên Hương.
Từ ngày thành lập cho đến nay cụ Đạt luôn chú trọng đến vấn đề chất lượng sản phẩm được làm ra phải giữ được hương vị, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm đảm bảo hương vị của Nguyên Hương được trường tồn theo thời gian.
Suốt chặng đường dài của cuộc đời, người thợ làm nên thương hiệu bánh đậu xanh Nguyên Hương đã luôn trung thành với triết lý sống yêu thương, sẻ chia và trau dồi đức - trí - tín. Đến nay, khi đầu đã bạc, cụ vẫn sáng suốt điều hành sản xuất và hướng dẫn con cháu đi đúng hướng, chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật trong môi trường cạnh tranh hiện nay.
Lợi nhuận từ hoạt động bánh ngoài việc tái đầu tư sản xuất còn góp phần nâng cao chất lượng đời sống cán bộ công nhân viên. Ngoài kinh doanh, cụ còn tham gia nhiều hoạt động an sinh xã hội thông qua việc thành lập Quỹ từ thiện Tâm Phát, quỹ được dùng để hỗ trợ các bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên cả nước.
Dù tuổi cao nhưng "đôi chân không mệt mỏi" của cụ đã đi khắp các tỉnh, thành trong cả nước để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, động viên họ vượt qua và ổn định cuộc sống. Trong căn phòng lưu niệm nằm trong khuôn viên Viện dưỡng lão Nguyên Hương, những triết lý sống, triết lý kinh doanh đã được cụ đúc kết, trở thành món quà vô giá mà cụ dành tặng cho con cháu; là những hành trình thiện nguyện trên khắp đất nước mà cụ tham gia; là những hành trình kinh doanh đầy dấu ấn của cụ.
Mỗi khi đi từ thiện, cụ Đạt luôn cho các con đi cùng để thấy được ý nghĩa của những việc thiện cha mình đã làm và noi theo. Cụ Đạt từng chia sẻ, cụ không làm từ thiện để quảng bá thương hiệu Nguyên Hương mà coi đó là tích đức cho con cháu, chia sẻ với xã hội và lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.