Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều ngày 29/01/2021 tổ chức bên lề Đại hội Đảng lần thứ 13 ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc của Bộ Y tế đã phê duyệt vaccine phòng COVID-19 của Astra Zeneca cho trường hợp khẩn cấp phòng, chống dịch. Đây là vaccine COVID-19 đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam.
Cũng theo thông tin từ Bộ trưởng Bộ Y tế, Astra Zeneca đã cam kết cung cấp cho Việt Nam khoảng 30 triệu liều trong năm 2021, đồng thời Bộ Y tế vẫn tiếp tục làm việc với các đối tác để có thể tăng thêm số lượng vaccine cho Việt Nam.
Dự kiến trong quý I năm nay, vaccine của Astra Zeneca sẽ có mặt Việt Nam và được tiêm cho người dân. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng chủ động, tích cực đàm phán với Pfizer, Moderna và một số nhà sản xuất vaccine khác để có thêm vaccine cho Việt Nam.
Đây là tin rất vui cho người dân Việt Nam trong bối cảnh Covid đang hoành hành như hiện nay. Đứng ở góc độ kinh doanh, nó cũng là tin vui cho CTCP Vacxin Việt Nam (VNVC) – thành viên trong hệ sinh thái của 'đại gia’ ngành dược Ngô Chí Dũng. VNVC là doanh nghiệp sẽ nhập khẩu và phân phối 30 triệu liều vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca tại Việt Nam. Vậy VNVC và đại gia Ngô Chí Dũng là ai?
Dưới đây là bài viết của Viettimes về nhân vật này!
Bộ Y tế mới đây đã chính thức cấp phép lưu hành vaccine phòng Covid-19 do hãng dược AstraZeneca sản xuất (vaccine AstraZeneca) tại Việt Nam.
Theo đó, có 30 triệu liều Covid-19 vaccine AstraZeneca được cung cấp cho Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021, thay vì kéo dài đến hết năm như dự kiến ban đầu. Các lô vaccine sẽ được Công ty Cổ phần Vacxin Việt Nam (VNVC) nhập khẩu và phân phối tại Việt Nam.
Về phía VNVC, trên trang chủ, công ty này cho biết đã hoàn tất những thoả thuận hợp tác với AstraZeneca, cũng như chuẩn bị đầy đủ các điều kiện tốt nhất để bảo quản và phân phối vaccine trên toàn hệ thống. Khi nhập về Việt Nam, vaccine có mức giá hợp lý và ưu đãi trên toàn hệ thống để nhiều người dân có cơ hội phòng bệnh sớm.
VNVC sở hữu hệ thống tiêm chủng hiện đại, có quy mô lớn bậc nhất tại Việt Nam với gần 50 trung tâm trên khắp cả nước, 2.000 bác sĩ, gần 3.000 điều dưỡng viên.
Theo tìm hiểu của VietTimes, VNVC được thành lập từ tháng 11/2016, với số vốn điều lệ ban đầu ở mức 10 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: ông Ngô Chí Dũng (40% VĐL), bà Nguyễn Thị Hà (30% VĐL) và bà Nguyễn Thị Xuân (30% VĐL). Ông Ngô Chí Dũng đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của VNVC.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, VNVC chỉ mất 3 năm hoạt động để bắt đầu có lãi, với doanh thu thuần tăng theo cấp số nhân qua các năm.
Năm 2018, VNVC ghi nhận doanh thu đạt 446,3 tỉ đồng, cao gấp 14 lần so với năm 2017. Bước sang năm 2019, doanh thu thuần của VNVC đạt 2.333,5 tỉ đồng, tăng 5,2 lần so với năm trước.
Cùng với đà tăng trưởng về doanh thu, quy mô vốn điều lệ của VNVC cũng được bổ sung, theo chiều hướng tăng dần. Tính đến tháng 7/2020, quy mô vốn điều lệ của VNVC đã tăng lên mức 140 tỉ đồng. Nguồn vốn mới có thể giúp VNVC tiếp tục đẩy mạnh việc mở thêm các trung tâm tiêm chủng trên khắp cả nước.
Một dữ liệu khác của VietTimes cho thấy, mới đây, ngày 21/12/2020, ông Ngô Chí Dũng và phu nhân Hà Thu Nga đã thực hiện thế chấp hơn 12,6 triệu cổ phần của VNVC tại MBBank.
Eco Pharma, Eplus Research và Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Như VietTimes từng đề cập, ngoài VNVC, CTCP Dược phẩm Eco (Eco Pharma) cũng là một trong những ‘cỗ máy in tiền’ trong hệ sinh thái của ông Ngô Chí Dũng.
Eco Pharma là doanh nghiệp sở hữu chuỗi nhà thuốc đầu tiên tại Việt Nam đạt đủ 3 tiêu chuẩn WHO-GSP, GDP và GPP, phát triển các dòng sản phẩm chức năng như Sâm Alipas Platinum, Jex Max, Otiv, Qik Hair, Sâm Angela Gold thường xuyên xuất hiện trên khung giờ vàng của Đài truyền hình Việt Nam (VTV).
Liên tục chi tiền cho quảng cáo để đưa sản phẩm tới khán giả đại chúng, giai đoạn 2016 – 2019, Eco Pharma đều ghi nhận doanh thu ở mức nghìn tỉ, cao gấp nhiều lần so với quy mô vốn chủ sở hữu. Năm 2019, công ty này ghi nhận doanh thu đạt 1.681,4 tỉ đồng, tăng 11% so với năm 2018. Tuy nhiên, công ty này chỉ báo lãi 12,4 tỉ đồng trong năm 2019 – tương ứng với biên lợi nhuận khiêm tốn 0,73%.
Bên cạnh việc chi tiền cho quảng cáo, việc sử dụng đòn bẩy ở mức cao nhiều khả năng cũng góp phần khiến biên lợi nhuận của Eco Pharma giảm sút. Trong giai đoạn 2017 – 2019, Eco Pharma đều có tỉ lệ tổng tài sản cao gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu.
Ông Ngô Chí Dũng hiện còn đứng tên tại CTCP Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Tp. HCM, CTCP Eplus Research. Ngoài ra, vị doanh nhân sinh năm 1974 còn nắm giữ tới 50% vốn của CTCP Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Doanh nghiệp này được thành lập từ tháng 9/2007, hiện do bà Ngô Thị Ngọc Hoa (SN 1975) – cùng đăng ký thường trú với ông Ngô Chí Dũng – đứng tên, đảm nhiệm vai trò Tổng Giám đốc.
Trong giai đoạn 2017 – 2019, doanh thu thuần của CTCP Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh liên tục tăng trưởng ở mức 2 con số. Năm 2019, công ty này ghi nhận doanh thu đạt 660,6 tỉ đồng, tăng 26% so với năm 2018, song chỉ báo lãi 1,1 tỉ đồng, giảm tới 97,3% so với năm trước.
Tháng 7/2020, Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam đã ký kết hợp đồng phân phối dược phẩm với Công ty CP Dược liệu Trung ương 2 (Phytopharma).
Thoả thuận phân phối kéo dài 3 năm, được kỳ vọng sẽ kết hợp thế mạnh của mạng lưới phân phối toàn diện và chuỗi cung ứng hàng đầu của Phytopharma tại Việt Nam, cùng các giải pháp sáng tạo và nguồn lực toàn cầu của AstraZeneca, giúp bệnh nhân Việt Nam được tiếp cận với các loại thuốc mang tính đột phá.
Phytopharma vốn là thành viên của Tổng Công ty Dược Việt Nam nhưng cổ phần chi phối hiện do nhóm cổ đông tư nhân trong nước nắm giữ./.