Ngân hàng Nhà nước vừa công bố số liệu tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng. Đến hết tháng 7, lượng tiền của người dân và tổ chức gửi vào hệ thống ngân hàng đạt gần 12,29 triệu tỷ đồng, giảm so với mức 12,37 triệu tỷ đồng cuối tháng 6.
Trong đó, lượng tiền gửi của người dân tại hệ thống ngân hàng đạt mức cao nhất từ trước đến nay, gần 6,39 triệu tỷ đồng, tăng gần 9% so với cuối năm ngoái. So với cuối tháng 8/2022, tổng số dư tiền tiết kiệm của dân cư gửi vào ngân hàng tăng thêm gần 752.600 tỷ đồng. Đây cũng là mức cao nhất từ trước tới nay.
Tháng 6, người dân gửi thêm hơn 35.300 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng. Còn tháng 5, tiền gửi của người dân tại ngân hàng tăng ròng khoảng 14.700 tỷ đồng. Trong khi đó, giai đoạn 4 tháng đầu năm, mức tăng bình quân lên đến trên 110.000 tỷ mỗi tháng.
Tiền gửi dân cư bắt đầu chảy mạnh vào hệ thống ngân hàng từ tháng 10 năm ngoái, trước sức hấp dẫn khi lãi suất tiết kiệm liên tục tăng cao, có thời điểm lãi suất lên tới 10 - 11%/năm.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, mặc dù lãi suất điều chỉnh giảm liên tục nhưng các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu, vàng…hiện không còn sức hấp dẫn quá lớn trong mắt các nhà đầu tư nên tiền gửi ngân hàng của người dân vẫn tăng cao.
Liên quan đến tín dụng nền kinh tế, đến ngày 29/9, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,7 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 6,9% so với đầu năm, cao hơn dự báo của Ngân hàng nhà nước (6,1 - 6,2%). Từ đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 khoảng 14 - 15%.