Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, lượng tiền của người dân và tổ chức gửi vào hệ thống ngân hàng tính đến hết tháng 6 đạt gần 12,37 triệu tỷ đồng, tăng thêm hơn 270.700 tỷ đồng so với cuối tháng trước.

So với đầu năm, tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tăng ròng gần 550.000 tỷ đồng, tương đương mức tăng 4,63%.

Trong vòng một năm trở lại đây, khối tổ chức gồm doanh nghiệp và các cơ quan đoàn thể thường rút bớt tiền gửi tại ngân hàng hoặc gửi thêm vào khá hạn chế. Tuy nhiên, tiền gửi của nhóm này đã tăng ròng mạnh hơn 235.000 tỷ đồng trong tháng 6, mức tăng ròng theo tháng cao nhất kể từ tháng 3 năm ngoái.

tien-gui-doanh-nghiep-1693975924.jpg
 

Về phía người dân, lượng tiền gửi chảy vào hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục tăng trưởng nhưng tốc độ tăng hai tháng gần đây đã chậm lại so với giai đoạn 6 tháng trước. Tính đến hết tháng 6, người dân gửi hơn 6,38 triệu tỷ đồng tại ngân hàng, tăng ròng hơn 35.300 tỷ so với tháng trước.

Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tính đến hết quý II chỉ 4,03%, thấp hơn so với tốc độ huy động. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong trạng thái dư thừa khi việc giải ngân ảm đạm.

Lượng tiền nhàn rỗi vẫn "chảy" mạnh vào hệ thống ngân hàng bất chấp lãi suất huy động liên tục giảm sâu trong quý II/2023. So với hồi đầu năm, lãi suất tiết kiệm đã giảm 3 - 4%/năm tùy theo ngân hàng và kỳ hạn.

Đến nay, trên thị trường gần như không có ngân hàng nào niêm yết mức lãi suất huy động 7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng cũng chỉ còn 6 - 6,5%/năm.

Thậm chí, nhóm 4 ngân hàng thương mại Nhà nước chỉ áp dụng mức lãi suất cao nhất cho kỳ hạn 12 tháng hiện là 5,8%/năm. Còn kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng quanh mức 4 - 5%/năm.

Trong bối cảnh này, dòng tiền vào thị trường chứng khoán đang tăng trở lại, ghi nhận nhiều phiên giao dịch sôi động với thanh khoản cao nhất 4-5 tháng.