Chris Adamo, một trong những người đầu tiên mua lô đất gồm 23 mạnh trong vũ trụ ảo Sandbox 8 tháng trước, cho biết sau 6 tháng, giá trị của lô đất đó tăng lên gấp 10 lần.

“Nó giống như một mảnh đất ở khu Đông hay Soho của New York vậy,” Adamo trả lời tạp chí Time.

Được biết khu đất của anh nằm ngay cạnh một lô của Adidas và cộng đồng Bored Ape Yacht Club.

media-1643338732.jpeg

Hiệu ứng FOMO

Ngay khi Mark Zuckerberg lần đầu khởi xướng ý tưởng ‘siêu vũ trụ’ vào cuối năm ngoái, một loạt doanh nghiệp lớn như Microsoft, GameFi, thậm chí hãng giày Nike và Adidas, các thương hiệu thời trang Gucci hay Louis Vuitton, hãng bán lẻ Walmart đều nhảy vào cuộc chơi này.

CNBC gần đây đưa tin Walmart, tập đoàn bán lẻ hàng đầu nước Mỹ, đã chuẩn bị sẵn sàng để gia nhập vào metaverse. Công ty đang lên kế hoạch kinh doanh nhiều sản phẩm ảo, gồm thiết bị điện tử, đồ chơi, thiết bị gia dụng, dụng cụ thể thao, quần áo, đồ trang trí nhà cửa, và nhiều sản phẩm khác.

Trong một cuộc phỏng vấn với The Verge trước đó, phát ngôn viên của Walmart, Carrie McKnight, chia sẻ rằng Walmart đang liên tục nghiên cứu các công nghệ mới nổi bởi chúng có thể hình thành trải nghiệm mua sắm tương lai. Ngoài ra, công ty cũng thông báo rằng họ sẽ cung cấp cho người dùng một loại tiền mã hóa mới để mua sắm, giống như NFT.

Nike và Adidas cũng đang liên tục giới thiệu NFT và giày thể thao ảo, trong khi các sản phẩm của Adidas trong các bộ sưu tập NFT đã “cháy hàng”.

Trong khi đó, hãng thời trang cao cấp Balenciaga đã hợp tác với tựa game Fortnite nhằm ra mắt bộ trang phục ảo có nhãn hiệu của hãng này. Một số thương hiệu khác như Gucci, Louis Vuitton và Ralph Lauren đã chọn hợp tác với tựa game Roblox nhằm thử nghiệm các sản phẩm trên metaverse.

Với sự tham gia của hàng loạt ông lớn vào metaverse, thị trường nhiều khả năng sẽ ngày càng sôi động hơn trong năm nay. Không chỉ vậy, nhiều chuyên gia nhận định metaverse sẽ ngày càng nóng hơn khi các quỹ đầu tư chú ý đến những dự án này hơn.

Metaverse tiềm năng đến cỡ nào?

Theo dữ liệu từ Bloomberg Intelligence, doanh thu từ các hoạt động trong metaverse toàn cầu ước tính sẽ đạt 800 tỷ USD vào năm 2024.

Đối với nhiều nhà đầu tư, metaverse chứa đầy những cơ hội tiềm năng. Nó là vùng đất ảo rộng lớn, trong đó các bất động sản không có ranh giới và người dùng có thể tự do sáng tạo, xây dựng khu vực của riêng mình. Bên cạnh đó, các giao dịch hầu như đều được thực hiện gần như ngay lập tức và minh bạch.

Theo công ty phân tích NWO, doanh số bán bất động sản ảo ở các sàn giao dịch lớn như Decentraland và Sandbox có khả năng sẽ tiếp tục tăng trưởng chóng mặt trong năm nay. Ngoài ra, các đề tài thảo luận xung quanh việc cho thuê đất ảo cũng đang tăng vọt. Hiện tại, nhiều công ty lớn như Tokens.com đang liên tục thuê không gian ở Decentraland cho các sự kiện lớn, bao gồm cả tuần lễ thời trang lần đầu tiên được tổ chức trong metaverse.

“Chúng tôi thực sự thấy tiện ích của những bất động sản ảo đang tăng lên. Mọi người có thể kiếm tiền thật từ nó khi các tài sản này đang được giao dịch bằng tiền mặt. Điều này sẽ thúc đẩy doanh số bán hàng tăng cao”, Julia Myers, kỹ sư AI tại công ty phân tích NWO cho biết.

Trút gánh nặng lên công nghiệp năng lượng và môi trường?

Một loạt thiết bị điện tử, máy tính, CPUs cấu hình cao đột ngột tăng giá từ đầu năm 2020 bởi sự gia tăng số lượng người đào tiền điện tử trong suốt thời gian dịch bệnh. Việc các thợ đào liên tục làm việc trong thời gian vừa qua đã khiến nhiều khu vực tiêu thụ lượng điện khổng lồ, gia tăng áp lực lên ngành điện nói riêng và năng lượng nói chung.

Kết quả là, đào tiền ảo bị xếp vào những hoạt động gây ô nhiễm nhiều nhất trên thế giới. Theo đó, khai thác tiền ảo tiêu thụ lượng điện lên đến 133,68 terawatt (TWh)/năm, tương đương mức tiêu thụ điện của cả Thuỵ Điển (131,8 TWh) và Malaysia (147.21 TWh).

Với mức tiêu thụ này, tổng lượng khí thải từ hoạt động đào có thể lớn hơn rất nhiều lần mức khí thải của nhiều quốc gia cộng lại.

Gần đây, cả Nga và Trung Quốc đều ban hành lệnh cấm đối với các hoạt động khai thác và giao dịch tiền ảo vì cả hai đều đang thiếu năng lượng trầm trọng cũng như hướng đến mục tiêu xanh hoá năng lượng trong tương lai.

Như vậy, metaverse, với nhiều thuật toán phức tạp hơn và quy mô lớn hơn gấp nhiều lần so với hoạt động khai thác tiền ảo, sẽ gia tăng tiêu thụ điện khi ngày càng có nhiều bên tham gia vào cuộc chơi này. Kết quả là, nhu cầu điện có thể sẽ tăng vọt, làm cản trở mục tiêu sử dụng 100% năng lượng tái tạo của nhiều quốc gia. Và cuối cùng môi trường sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng?