Ngày mai (21/11), Liên Bộ Tài chính - Công Thương sẽ điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho biết giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 17/11 đã có xu hướng giảm so với kỳ tính giá trước.

Cụ thể, bình quân giá xăng RON 92 (dùng để pha chế xăng E5 RON 92) là 95,2 USD/thùng, xăng RON 95 là 101,1 USD/thùng, dầu diesel xuống dưới 127 USD/thùng.

Theo chia sẻ của lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối, kỳ điều hành ngày 21/11, giá mặt hàng này sẽ đồng loạt điều chỉnh giảm. Giá xăng có thể giảm 100 - 300 đồng/lít, còn dầu hạ 400 - 500 đồng/lít. Nếu cơ quan quản lý giảm trích lập hoặc tăng chi quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá xăng và dầu sẽ giữ nguyên.

Giá bán lẻ hiện hành của mặt hàng xăng dầu trong nước tại Tập đoàn xăng dầu Việt Nam - Petrolimex

Tại kỳ điều hành ngày 11/11, mỗi lít xăng đắt thêm 840 - 1.110 đồng một lít. Theo đó, giá RON 95 tăng lên 23.860 đồng một lít; E5 RON 92 là 22.710 đồng/lít. Dầu diesel là 24.980 đồng một lít, giảm 90 đồng. Dầu hỏa là 24.740 đồng/lít, tăng 960 đồng, dầu mazut tăng 680 đồng, có giá mới là 14.760 đồng/kg.

Trong kỳ điều chỉnh lần này, cơ quan điều hành đã quyết định trích lập Quỹ Bình ổn xăng dầu mỗi lít xăng từ 200 đồng vào quỹ. Dầu DO và dầu hoả không trích lập cũng không chi sử dụng Quỹ bình ổn, còn dầu mazut trích lập 300 đồng.

Mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện hành

Tại thị trường thế giới, giá dầu WTI của Mỹ hiện giảm 1,56 USD, tương đương mất gần 2%, xuống 80,08 USD một thùng; giá dầu thô Brent giảm 2,41% xuống 87,62 USD một thùng. Sau 3 phiên giảm liên tục, bình quân cả tuần, dầu Brent và WTI đều sụt mạnh lần lượt khoảng 9% và 10%.

Lý do khiến giá dầu thế giới lao dốc do lo ngại nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu giảm ở Trung Quốc. Nước này đang tìm cách giảm nhập khẩu dầu thô sau khi các ca nhiễm Covid-19 vẫn không ngừng tăng. Điều đó có thể sẽ kìm hãm nền kinh tế Trung Quốc và nhu cầu dầu của nước này.

Trong tuần, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo thị trường dầu mỏ toàn cầu, với tổng sản lượng khoảng 100 triệu thùng/ngày, sẽ giảm 240.000 thùng/ngày trong ba tháng cuối năm nay do suy thoái toàn cầu, khủng hoảng năng lượng ở châu Âu và sự mạnh lên của đồng USD. Cơ quan này kỳ vọng rằng nhu cầu sẽ tăng trở lại trong quý đầu tiên của năm 2023.

Một số nhà sản xuất dầu lớn, bao gồm các thành viên của OPEC+, đã giảm nguồn cung để đáp ứng nhu cầu yếu hơn. Xuất khẩu dầu của Ả Rập Xê-út đã giảm gần 500.000 thùng/ngày trong tháng này. Tháng trước, OPEC+ đã hỗ trợ giá bằng cách cắt giảm sản lượng hạn ngạch tổng cộng là 2 triệu thùng/ngày. Quyết định này đã đẩy giá lên cao hơn, nhưng chỉ trong vài ngày.