Ngân hàng TMCP Á Châu (gọi tắt là Ngân hàng Á Châu) - ACB được thành lập năm 1993, ông Trần Mộng Hùng là một trong những người sáng lập nên ngân hàng. Ông Hùng tham gia vào việc điều hành trực tiếp cũng như giữ chức vụ cao nhất trong ban quản trị. Đến năm 2008, ông Hùng tuyên bố sẽ lui về hậu phương nhưng vẫn sẽ làm cố vấn quản trị cho ngân hàng. Giai đoạn từ năm 2008 - 18/9/2012, chức vụ Chủ tịch HĐQT ACB do ông Trần Xuân Giá (cựu Bộ trưởng Bộ kế hoạch đầu tư) đảm nhiệm.
Năm 2012, ông Trần Hùng Huy lúc này đang ở độ tuổi 34 bất ngờ được giao đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ACB sau khi “biến cố” của ông Nguyễn Đức Kiên hay còn gọi là bầu Kiên xảy ra. Ông Trần Hùng Huy chính thức được bầu làm Chủ tịch ACB vào tháng 4/2013.
Ông Trần Hùng Huy được sinh vào ngày 12/4/1978 tại Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên quán tại Tiền Giang, gia đình ông Huy là gia đình có truyền thống làm ngân hàng. Trong đó, bố ông Huy chính là cựu Chủ tịch ACB Trần Mộng Hùng, mẹ ông là bà Đặng Thu Thủy cũng từng nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong ACB.
Năm 2000, ông Trần Hùng Huy tốt nghiệp với 3 bằng cử nhân của 3 chuyên ngành gồm tài chính, quản trị kinh doanh và kinh doanh quốc tế. Đến năm 2002, tại trường Đại học Chapman - Hoa Kỳ, ông Huy đã tốt nghiệp với bằng Thạc sĩ quản trị kinh doanh. Đến năm 2011, tại Đại học Golden Gate - Hoa Kỳ, ông Huy đã nhận học vị Tiến sĩ quản trị kinh doanh.
Tuy được sinh ra trong gia đình có bố mẹ đều làm trong ngành ngân hàng, nhưng ông Huy cũng như bao người khác vừa học vừa bắt đầu tiếp xúc với ngành từ vị trí thấp đi lên. Từ năm 2002 đến tháng 2/2004, ông Huy gia nhập vào ACB với chức vụ là Chuyên viên nghiên cứu thị trường.
Từ năm 2004 đến năm 2008, ông Huy được bổ nhiệm làm Giám đốc marketing của ACB, đồng thời năm 2006 đến 18/9/2012 ông Huy được bầu làm Phó Tổng giám đốc kiêm Thành viên HĐQT.
Tuy nhiên, vào năm 2012 sau sự kiện của bầu Kiên ông Huy đã được bất ngờ tuyên bố cho vào “ghế nóng” Chủ tịch, đây là giai đoạn ACB gặp nhiều khủng hoảng và khó khăn nhất. Nhưng nhờ vào sự giúp đỡ từng bố mình, cũng như cộng sự ông Trần Hùng Huy đã từng bước đưa ACB thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng. Cho đến đại hội cổ đông năm 2013, cổ đông đã quyết định bầu ông Trần Hùng Huy vào chức Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Á Châu - ACB.
“Nếu các F2 khác nhận chuyển giao có kế hoạch trước, được chuẩn bị thì trường hợp của tôi thiệt thòi hơn. Tôi không hề có một kế hoạch gì hết. Với ACB thời điểm đó, tôi chỉ được phân công và phải nhận nhiệm vụ.
Sự chuyển giao này thành công hay không tôi và những người tiền nhiệm cũng không dám khẳng định mà phải chờ thời gian đánh giá. Nhưng cũng may là tôi đam mê, tôi đã ‘lăn’ ra vừa học vừa làm suốt 5 năm qua. Đã chấp nhận thì phải đương đầu thôi”, ông Trần Hùng Huy chia sẻ về câu chuyện nhận chuyển giao vị trí Chủ tịch.
Theo báo cáo tài chính năm 2022, trong tình hình toàn ngành tài chính ngân hàng đang có xu hướng kém đi thì Ngân hàng ACB vẫn giữ được tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp; lợi nhuận đạt 17.100 tỷ đồng, tăng hơn 40%.
Theo đó, lợi nhuận quý IV/2022 của ACB tiếp tục đạt mức lập đỉnh, thu nhập từ hoạt động tín dụng đạt 23.500 tỷ đồng, thu nhập từ hoạt động dịch vụ đạt 3.500 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh đó, lãi thuần từ hoạt động khác chủ yếu là hoạt động thu hồi nợ gần 1.000 tỷ đồng (cùng kỳ chưa đến 150 tỷ đồng).
Vì nguồn thu về tích cực nên chi phí hoạt động cũng được ACB mạnh tay trích lên tới 11.600 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với năm trước, trong đó chi cho hoạt động quản lý công vụ và chi cho nhân viên. Năm 2022, ACB gần như không có trích lập dự phòng rủi ro tín dụng (năm 2021 trích hơn 3.300 tỷ đồng).
Tính đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đạt mức 413.700 tỷ đồng, tăng 14%; huy động tiền gửi từ khách hàng đạt 413.950 tỷ đồng, tăng 9%. Tỷ lệ nợ xấu giảm xuống còn 0,74% (đầu năm là 0,78%). Năm 2022, ACB ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục với hơn 17.000 tỷ đồng, theo số liệu từ VNexpress.
Trong cuộc họp đại hội cổ đông năm 2023 diễn ra vào ngày 13/4/2023, cổ đông đã quyết định tiếp tục bầu ông Trần Hùng Huy giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT ACB trong nhiệm kỳ 2023 - 2028. Cũng trong cuộc họp, ACB đã đưa ra kế hoạch kinh doanh năm 2023, trong đó mục tiêu tổng tài sản ACB đến cuối năm 2023 phải đạt được 668.788 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 10%. Mục tiêu tiền gửi đạt 495.411 tỷ đồng; dư nợ cho vay đạt 453.863 tỷ đồng. ACB đặt ra mức lợi nhuận trước thuế phải tăng hơn 17% so với năm 2022, đạt mức 20.058 tỷ đồng. Tất cả tờ trình đều được cổ đông thông qua khi kết thúc đại hội cổ đông thường niên năm 2023.