Sáng 13/4, ACB (HoSE: ACB) tổ chức thành công ĐHCĐ thường niên 2023 nhằm thông qua các tờ trình như kế hoạch kinh doanh 2023, phương án và kế hoạch phân phối lợi nhuận, bầu thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới...

acb6-4940-1681372766.jpg
 

Về kế hoạch kinh doanh năm 2023, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 20.058 tỷ đồng, tăng 17,2% so với năm 2022. Đến cuối năm 2023, tổng tài sản dự kiến đạt 668.788 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Tiền gửi mục tiêu đạt 495.411 tỷ đồng (bao gồm giấy tờ có giá) và dư nợ cho vay đạt 453.836 tỷ đồng, tăng lần lượt 8,1% và 9,7%. Mức tăng hạn mức tín dụng thực tế sẽ được điều chỉnh khi được Ngân hàng Nhà nước cấp bổ sung. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.

Kết quả kinh doanh 2022, ngân hàng lãi trước thuế 17.114 tỷ đồng, tăng 43% so với năm 2021, vượt kế hoạch 14%. Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản ở mức 607.875 tỷ đồng, tăng 15,2% so với cuối 2021. Tiền gửi và cho vay TCTD tăng 72% lên 85.971 tỷ đồng.

Dư nợ cho vay khách hàng tăng 14,3% lên 413.706 tỷ đồng. Tổng nợ xấu tăng 8,8% lên 3.044 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 0,77% xuống còn 0,73% cuối năm 2022. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu sụt giảm từ 209% xuống còn 159%. Tiền gửi khách hàng tăng 9% lên 413.952 tỷ đồng. Phát hành giấy tờ có giá tăng 45%, lên 44.304 tỷ đồng.

Về việc đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, Tổng giám đốc ACB Từ Tiến Phát cho biết ngân hàng không đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, báo cáo tài chính kiểm toán cũng đã thể hiện vấn đề này. Trái phiếu ACB đầu tư có tới 85% là trái phiếu Chính phủ và phần còn lại là trái phiếu của các TCTD lớn. Trong năm 2023 ACB cũng không đầu tư vào trái phiếu các doanh nghiệp, trừ trái phiếu của các TCTD.

Ông Phát cũng đề cập tỷ lệ cho vay bất động sản tính đến hết quý I tại ACB là 24%. Trong đó 82% là cho vay mua nhà để ở, còn lại là cho vay doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác. Riêng cho vay doanh nghiệp đầu tư vào bất động sản là dưới 1%.

Về tỷ lệ nợ xấu, trong quý I tình hình nợ xấu của ngân hàng có những bước chuyển không khả quan do kinh tế khó khăn và lãi suất cao dẫn các khoản vay có xu hướng chuyển thành nợ xấu. Cuối quý I tỷ lệ nợ xấu khoảng 0,84%. Lãnh đạo ngân hàng cho biết đây là tỷ lệ chưa bao gồm CIC. Tỷ lệ nợ xấu theo CIC tăng nhanh, do đó ACB sẽ có chênh lệch 0,1%, tỷ lệ này có thể lên dao động 0,94 - 0,96%. Những khó khăn này ACB đã lường trước và có những biện pháp kiểm soát không quá 1%.

 Phí dịch vụ là động lực tăng trưởng quý I

Ông Từ Tiến Phát Tổng giám đốc ACB cho biết đến hết quý I, lãi hợp nhất trước thuế đạt 5.120 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ, thực hiện 26% kế hoạch năm.

Theo ông Phát, động lực tăng tưởng lợi nhuận của ACB trong quý I đến từ tăng trưởng về phí dịch vụ và đa dạng nguồn vốn để tiết giảm chi phí. Xu hướng hiện nay của các ngân hàng cũng là phát triển về dịch vụ. Thời gian qua, ACB có đề xuất bổ sung thêm hai dịch vụ là phái sinh hàng hóa và ngân hàng giám sát. Chiến lược này nhằm tăng tỷ trọng thu từ phí, giảm tỷ trọng thu từ lãi vay.

Tổng giám đốc ACB cho rằng dịch vụ phái sinh hàng hóa không phải dịch vụ xa lạ với các ngân hàng quốc tế cũng như một số ngân hàng trong nước. ACB đã thực hiện một số nghiệp vụ phù hợp quy định của Ngân hàng Nhà nước. Đây là hoạt động đặc thù liên quan kinh doanh hàng hóa nước ngoài của thị trường tài chính.

Về nghiệp vụ ngân hàng giám sát, lãnh đạo ACB nhận định đây cũng là nghiệp vụ khá phổ biến trên thị trường quốc tế, còn ở Việt Nam chỉ có một vài ngân hàng thực hiện. ACB mong muốn trở thành một ngân hàng giám sát quản lý dòng tiền liên quan đến tài chính và đầu tư. Việc ký hợp đồng bảo hiểm độc quyền với Sun Life Việt Nam là một trong những bước đi để thực hiện.

Ngoài ra, ngân hàng chú trọng thúc đẩy tăng trưởng tiền gửi không kỳ hạn CASA. Bên cạnh đó, trong năm nay một số khoản hoàn nhập trích lập dự phòng liên quan đến Covid-19 và khoản tồn tại nhiều năm trước tiếp tục thu hồi cũng góp phần vào động lực tăng trưởng quý I.

 Chưa có kế hoạch mua lại ngân hàng khác

Chia sẻ tại đại hội, Chủ tịch HĐQT ACB Trần Hùng Huy cho biết việc đưa ra hoạt động sáp nhập hoặc mua lại ngân hàng khác phải tính đến giá trị mang lại cho ACB cũng như phù hợp với định hướng hoạt động. Những năm gần đây, ACB đánh giá chưa có ngân hàng phù hợp nên sẽ tiếp tục theo dõi, nếu có cơ hội và mang lại giá trị vượt trội cho cổ đông thì sẽ thực hiện.

Chủ tịch ACB cho biết tập trung phát triển nội địa trong nước vẫn là hoạt động trọng tâm của ACB, do đó không có kế hoạch mở chi nhánh nước ngoài trong thời gian tới.

 Chưa tìm được đối tác để chuyển nhượng một phần vốn tại ACBS

Cổ đông cho biết có thông tin ACB sẽ chuyển nhượng một phần vốn tại ACBS nhưng gần đây không thấy đề cập. Về vấn đề trên, Chủ tịch ACB cho biết từ 3 năm trước ACB đã có định hướng chuyển nhượng vốn tại ACBS, ngân hàng có tìm kiếm đối tác nhưng do tình hình Covid-19 nên chưa hoàn thành.

ACB sẽ tiếp tục việc tìm kiếm đối tác nhằm bổ trợ cho các mảng ACB chưa mạnh. Ngân hàng cởi mở trong tìm kiếm đối tác với tinh thần hai bên cùng có lợi. Trước mắt, ACB chưa có đối tác phù hợp, trong thời gian tới HĐQT sẽ trình cổ đông khi tìm được đối tác phù hợp.

 Dự kiến chia cổ tức 2023 tỷ lệ 25%

Về phương án phân phối lợi nhuận, HĐQT ACB trình cổ đông chia cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu tỷ lệ 15% trong quý III năm nay. Số cổ phiếu dự kiến phát hành là hơn 506 triệu đơn vị, vốn điều lệ sau khi phát hành sẽ tăng từ hơn 33.774 tỷ đồng lên 38.840 tỷ đồng.

Nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận có thể sử dụng chia cổ tức sau khi đã trích lập đầy đủ các quỹ và lợi nhuận năm trước còn lại chưa chia (theo kết quả kiểm toán tại thời điểm 31/12/2022). Cổ đông lớn thuộc khối ngoại duy nhất của ACB trước và sau khi tăng vốn là nhóm quỹ Dragon Capital, với tỷ lệ sở hữu là 6,92%.

Ngoài ra, theo kế hoạch được ĐHCĐ năm 2022 thông qua, ngân hàng này dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 10%.

Năm 2023, ACB lên kế hoạch chia cổ tức tương tự với tổng tỷ lệ 25%, bao gồm 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt.