Báo cáo của Financial Times hôm thứ hai tuần này trích dẫn từ một tài liệu của Nestlé cho biết: công ty đã thừa nhận rằng hơn 60% các sản phẩm thực phẩm và đồ uống chính của họ không đáp ứng "định nghĩa được công nhận về sức khỏe" và “một số danh mục và sản phẩm của chúng ta sẽ không bao giờ là lành mạnh' dù cải tạo thế nào”.
Theo đó, bản thuyết trình nội bộ với các lãnh đạo của Nestlé vào hồi đầu năm cho biết: chỉ 37% thực phẩm và đồ uống của Nestlé tính theo doanh thu - không bao gồm các sản phẩm như thức ăn cho vật nuôi và dinh dưỡng y tế chuyên dụng, đạt được xếp hạng trên 3,5 theo hệ thống xếp hạng sức khỏe của Úc tính theo sao (5 sao là cao nhất)
Hệ xếp hạng thực phẩm này sử dụng trong nghiên cứu của các nhóm quốc tế như Access to Nutrition Foundation. Nestlé, nhà sản xuất KitKats, mì Maggi và NesCafe, mô tả ngưỡng 3,5 sao là “định nghĩa được công nhận về sức khỏe".
Bản thuyết trình cho biết, trong danh mục thực phẩm và đồ uống tổng thể của mình, khoảng 70% sản phẩm thực phẩm của Nestlé không đáp ứng được ngưỡng đó. Trong đó, gồm 96% đồ uống - không bao gồm cà phê nguyên chất - và 99% danh mục bánh kẹo và kem của Nestlé. Nước và các sản phẩm từ sữa đạt điểm cao hơn, với 82% nước và 60% sữa đạt ngưỡng.
Tuy nhiên, thông tin này chỉ gây bất ngờ cho những độc giả phổ thông, còn với các chuyên gia sừng sỏ trong ngành F&B, thì nó cũng…bình thường. Về bản chất, Nestlé sản xuất thực phẩm đã chế biến sẵn – mà loại thực phẩm này rất khó để đạt 5 sao. Chỉ là, có thể việc Nestlé để sologan “Good food, good life” gây chút hiểu lầm cho khách hàng của mình.
Còn tại Việt Nam, thông tin nói trên có thể khiến nhiều khách hàng ngừng ngại một chút khi mua sản phẩm của Nestlé, nhưng nếu nói đến chuyện ‘tẩy chay’ gì đó thì rất xa vời. Dù như thế nào, cũng đã có rất nhiều thực phẩm/thương hiệu của Nestlé – như Milo/NesCafe/KitKat đã trở thành thực phẩm quốc dân tại Việt Nam, rất khó tìm được thứ thay thế trong thời gian ngắn.
Doanh nghiệp FDI tiêu biểu của tỉnh Đồng Nai
Tập đoàn đến từ Thuỵ Sĩ đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1912 khi thành lập văn phòng đại diện đầu tiên tại Sài Gòn.
Đến năm 1995, tập đoàn này thành lập Công ty TNHH Nestlé Việt Nam (Nestlé Việt Nam) và khởi công xây dựng nhà máy cùng tên tại Khu công nghiệp Biên Hoà II, tỉnh Đồng Nai.
Trên website của mình, Nestlé tiết lộ họ có 6 nhà máy tại Việt Nam. Nhà máy thứ 6 tên Bông Sen, khánh thành năm 2017 tại tỉnh Hưng Yên, có vốn đầu tư khoảng 70 triệu USD. Tuy nhiên, trong những chia sẻ gần đây, Nestlé lại nói rằng, họ chỉ có 4 nhà máy tại Việt Nam. Tuy nhiên, tổng số nhân công phục vụ không đổi – vẫn là 2.300 người và tổng vốn đầu tư vẫn giữ nguyên là 600 triệu USD. Phải chăng, Nestlé đã đóng cửa hoặc bán 2 nhà máy của mình tại Việt Nam?!
Nestle Việt Nam hoạt động chủ yếu trong ngành FMCG; ngoài thương hiệu sữa Milo hay NAN, Nestlé còn cung cấp các mặt hàng khác như bánh kẹo, cà phê, kem, nước uống đóng chai…
Không những vậy, Nestlé đang là một doanh nghiệp FDI tiêu biểu của tỉnh Đồng Nai. Hễ tỉnh này nói về thành tựu thu hút vốn FDI, khi nào ông lớn đến từ Thụy Sỹ này cũng được nêu tên.
Ngoài nhà máy đầu tiên mà chúng ta vừa kể trên, sau này, Nestlé còn xây thêm 2 nhà máy nữa tại Đồng Nai.
Trong quá trình sản xuất kinh doanh tại Đồng Nai, doanh nghiệp này liên tục tăng vốn. Đến tháng 4/2020, công ty tiếp tục đầu tư thêm 132 triệu USD (từ 270 triệu USD lên hơn 400 triệu USD) triển khai dự án sản xuất cà phê tại Khu công nghiệp Amata.
Trong chiến lược phát triển, doanh nghiệp này coi Đồng Nai là trọng điểm, bởi đây có các khu công nghiệp với hạ tầng hoàn chỉnh, tiếp giáp với TP. HCM. Trên địa bàn tỉnh có nhiều tuyến quốc lộ, cao tốc đi qua, thuận tiện cho lưu thông hàng hóa.
Ông Carl Khoury – phụ trách ngành hàng cà phê của Nestlé Việt Nam nhấn mạnh: hơn 25 năm qua, Nestlé Việt Nam tại Đồng Nai không ngừng phát triển. Điều này một phần do Việt Nam cũng như Đồng Nai có môi trường đầu tư tốt, các thủ tục pháp lý rõ ràng, theo thông lệ quốc tế. Quá trình sản xuất kinh doanh, nếu doanh nghiệp gặp những vướng mắc sẽ được chính quyền nhanh chóng giải quyết.
Vào đầu năm 2021, Nestlé Việt Nam vinh dự được UBND tỉnh Đồng Nai trao tặng bằng khen ghi nhận thành tích xuất sắc trong đóng góp ngân sách Nhà nước tại Hội nghị tổng kết công tác thuế năm 2020, tuyên dương người nộp thuế năm 2019.
Trước đó, Nestlé Việt Nam vừa được Bộ Tài Chính vinh danh "Đơn vị nộp thuế tiêu biểu", đánh dấu gần một thập kỷ Nestlé Việt Nam được các cơ quan quản lý Thuế Trung ương và địa phương tặng bằng khen vì thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách nhà nước. Từ năm 2015 – 2019, Nestlé đã nộp vào Ngân sách nhà nước số tiền 3.146 tỷ đồng.
Ngoài ra, cũng theo chia sẻ từ ‘ông lớn’ này: mỗi năm, Nestlé Việt Nam đầu tư trực tiếp vào nền kinh tế từ 600 - 700 triệu USD thông qua hoạt động thu mua cà phê. Bên cạnh đó, công ty còn thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật canh tác bền vững và tái canh cây cà phê cho hơn 230.000 nông dân trồng cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên trong chương trình NesCafe Plan.
Doanh thu luôn tăng trưởng vài ngàn tỷ mỗi năm tại Việt Nam
Theo báo cáo, lợi nhuận ròng của Nestlé đạt 13,5 tỷ USD trong năm 2020. Giám đốc điều hành (CEO) của Nestlé, ông Mark Schneider cho rằng hãng có thể tăng trưởng vượt 4% trong năm nay, song vẫn tỏ ra thận trọng và viện dẫn những bất ổn hiện thời.
Nestlé dự kiến biên lợi nhuận hoạt động cơ bản trong năm nay sẽ tiếp tục tăng sau khi tập đoàn cải thiện tỷ suất lợi nhuận lên 17,7% vào năm ngoái, thuộc phạm vi mục tiêu trung hạn là 17,5-18,5% đã đạt được một năm trước đó.
Còn tại Việt Nam, các hoạt động kinh doanh của họ cũng rất tốt, tăng trưởng đều đặn vài ngàn tỷ mỗi năm.
Cụ thể, năm 2016 và 2017, doanh thu thuần của Nestlé Việt Nam lần lượt đạt 11.493 tỷ đồng và 13.154 tỷ đồng, lãi thuần tương ứng ở mức 1.107 tỷ đồng và 1.197 tỷ đồng. Năm 2019, 2 chỉ tiêu trên lần lượt là 15.967 tỷ đồng và 1.844 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 12% và 22% so với năm 2018.
Tính đến cuối năm 2019, quy mô tổng tài sản của Nestlé Việt Nam đạt 8.281 tỷ đồng, giảm 6% so với thời điểm đầu năm; vốn chủ sở hữu tăng 12% lên mức 3.106 tỷ đồng.
Tính đến ngày 14/10/2020, Nestlé Việt Nam có vốn điều lệ hơn 1.260 tỷ đồng. Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Binu Jacob (SN 1971, quốc tịch Ấn Độ).
Nestlé đang xuất khẩu NesCafe và Maggi sản xuất ở Việt Nam ra khắp thế giới
Hiện tại, Nestlé Việt Nam đang đẩy mạnh quảng bá, đưa sản phẩm đang sản xuất của mình tại Việt Nam ra thế giới. Theo đó, công ty đang tăng cường quảng bá hình ảnh và đưa các sản phẩm có nguồn gốc bền vững, được sản xuất tại Việt Nam mang các thương hiệu NesCafe và Maggi đến nhiều quốc gia trên thế giới.
Ông Will Mackereth - Giám đốc Chuỗi Cung ứng Nestlé Việt Nam cho biết: xuất khẩu là một phần quan trọng đóng góp vào các mục tiêu kinh doanh của Nestlé Việt Nam, đồng thời đưa Việt Nam trở thành trung tâm cung ứng của khu vực. Năm 2020 cũng ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu các sản phẩm nói chung đạt 20% so với năm trước.
Năm 2020, xuất khẩu các sản phẩm gia vị Maggi của Nestlé Việt Nam đi các thị trưởng Philippine, Thái Lan và các thị trường “khó tính” với nhiều yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật như Mỹ, Úc, Nhật Bản… chứng kiến mức tăng trưởng cao về khối lượng và giá trị.
Bên cạnh đó, xuất khẩu sản phẩm cà phê mang thương hiệu NesCafe của Nestlé trong năm 2020 tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng được ghi nhận ở các dòng sản phẩm cà phê giá trị gia tăng và sản phẩm được thu mua từ nguồn gốc bền vững được các tổ chức quốc tế về trồng và sản xuất cà phê bền vững như 4C, Rainforest Alliance, chứng nhận.
Tất cả sản phẩm NesCafe được sản xuất từ 100% hạt cà phê Việt Nam chất lượng cao đang được xuất khẩu đến 25 thị trường và đón nhận sự yêu thích từ nhiều người tiêu dùng trên thế giới.
“Nestlé với vị thế một nhà rang xay hàng đầu sẽ tiếp tục đóng góp vào tăng trưởng xuất khẩu cà phê của Việt Nam, góp phần hiện thực hóa mục tiêu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề ra là đưa sản phẩm cà phê chế biến, giá trị gia tăng của lên chiếm 20-30% tổng sản lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam”, ông Will Mackereth kết luận.