Về thiệt hại
CQĐT xác định từ 1/1/2018-7/10/2022, bà chủ Vạn Thịnh Phát chiếm đoạt 545.039 tỷ đồng (cả gốc + lãi) của SCB, tài sản đảm bảo được cơ quan chức năng chấp nhận là 111.570 tỷ đồng.
Còn trước đó, từ 1/1/2012-31/12/2017, các khoản vay tới nay không thu hồi được có dư nợ 132.247 tỷ đồng, tài sản đảm bảo được chấp thuận là 67.626 tỷ đồng. Việc phân tách 2 giai đoạn này là bởi từ đầu năm 2018 áp dụng tội tham ô tài sản trong doanh nghiệp tư nhân theo Luật Hình sự mới.
Tổng 2 giai đoạn, trong vòng hơn 10 năm, dư nợ cho vay trái quy định của nhóm Vạn Thịnh Phát tại SCB là 677.287 tỷ đồng (483.971 tỷ đồng gốc và 193.315 tỷ đồng lãi), trừ đi 179.196 tỷ đồng giá trị TSĐB được chấp nhận, thì tổng thiệt hại là 498.091 tỷ đồng, tương đương quy mô một ngân hàng cỡ khá trên thị trường.
Thiệt hại từ đại án kinh tế lớn nhất lịch sử Việt Nam này là không phải bàn. Bất kỳ hình thức bù đắp thanh khoản nào cho SCB đều dẫn tới áp lực tiêu cực với điều hành tiền tệ, mà rõ nhất là lãi suất/ tỷ giá.
Vụ SCB, cùng các đại án trái phiếu, cổ phiếu là một trong những nguyên nhân chủ đạo khiến thị trường tài chính trong nước rơi vào tình trạng báo động cuối năm ngoái, không ít ông chủ nhà băng phải chạy vạy xoay nguồn ngược xuôi để đảm bảo thanh khoản.
Con số thiệt hại của SCB gây shock, nhưng đã là câu chuyện của một năm về trước. Bối cảnh hiện nay đã khác nhiều theo hướng tích cực, dù sẽ còn rất vất vả để xử lý di hoạ SCB, nhưng NHNN đã kiểm soát đặc biệt, đưa người vào tiếp quản và đảm bảo tuyệt đối thanh khoản, không chỉ với SCB mà còn trên toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Hàng trăm nghìn tỷ đồng thiệt hại, khách quan mà nói, đều đã và đang luân chuyển và đóng góp trong nền kinh tế Việt Nam. Một phần nào đó (nếu có) chảy ra nước ngoài chắc hẳn cũng đang và sẽ được thu hồi bằng nhiều cách thức.
Câu hỏi quan trọng hơn mà dư luận nên đặt ra đối với cơ quan quản lý nhà nước, là làm sao đề ngăn chặn thêm các "SCB" trong tương lai?
Tư duy thế nào về sở hữu chéo?
Đặt câu hỏi nghe có vẻ củ chuối, nhất là lúc đại án SCB đang nóng như hiện nay. Và chủ trương lớn của cơ quan quản lý là xử lý sở hữu chéo. Trong quá khứ, đầy rẫy những bài học từ sở hữu chéo, từ Trustbank, VNCB, Oceanbank, GPBank rồi Southern Bank càng củng cố cho quan điểm này.
Nhưng thực tế là, trong hệ thống ngân hàng thương mại ngoài nhà nước từ trước đến nay, có được mấy cái tên không thuộc quyền chi phối của một nhóm chủ.
Một banker hàng đầu thị trường nói rằng tỷ lệ chi phối mang tới sự ổn định và thống nhất trong hệ thống, đặc biệt trong giai đoạn nền kinh tế Việt Nam phát triển rất nhanh trong 2 thập niên đầu thế kỷ mới.
Vị này, cùng nhiều doanh nhân cùng thế hệ, cả trong nước lẫn nhóm trở về từ Đông Âu, đã tranh thủ giai đoạn sơ khai của thị trường tài chính để mua lại các ngân hàng, đa phần lúc đó còn là ngân hàng nông thôn, rồi dần phát triển trở thành các nhà băng tên tuổi trên thị trường hiện nay.
Họ có công lao không nhỏ trong công cuộc phát triển kinh tế Việt Nam, góp phần quan trọng khẳng định vai trò của khối tư nhân. Kinh tế tư nhân từ chỗ không được công nhận, dần trở thành một động lực, rồi động lực quan trọng của nền kinh tế quốc dân qua các kỳ Đại hội Đảng, qua đó ghi nhận những đóng góp lớn lao của các doanh nhân, trong đó có các doanh nhân ngành ngân hàng.
Nhưng cũng không ít trong số họ đã biến ngân hàng trở thành công cụ tài chính huy động vốn, điều chuyển một lượng lớn nguồn lực, chính là tiền gửi của người dân, cho các hoạt động kinh tế thân hữu, mà tỷ trọng lớn nhất là bất động sản.
Quá trình này kéo dài hàng chục năm qua, là một trong những nguyên nhân chính hình thành nên tâm lý đầu cơ bất động sản, dòng vốn không ưu tiên cho sản xuất, kinh doanh, nợ xấu thực chất ngày càng phình to. Một lượng khổng lồ nguồn lực nằm "chết" trong bất động sản dẫn tới một nền lãi suất rất khó để hạ xuống. Mà với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, lãi suất cao đồng nghĩa với sức cạnh tranh teo tóp so với các đối thủ nước ngoài, vốn có nền lãi suất rẻ hơn Việt Nam nhiều.
Các chu kỳ đóng băng, khủng hoảng tài sản càng khiến vòng xoáy này trở nên gấp gáp hơn. Giá tài sản (chủ yếu là bất động sản) phải càng tăng, thì định giá vay ngân hàng mới nhiều hơn, giúp giới chủ bù đắp các khoản vay và duy trì hệ thống.
Trong giới địa ốc Sài Gòn, người ta truyền tai nhau về sự phóng khoáng của bà chủ Vạn Thịnh Phát trong các thương vụ M&A. Không ít người liên hệ sự phóng khoáng này với cuộc đấu giá đất Thủ Thiêm "điên rồ" cuối năm 2021. Mục đích của sự phóng khoáng đó ra sao, thì giờ chắc nhiều người đã hình dung rõ hơn.
Sở hữu chéo, chi phối ngân hàng về mặt kỹ thuật, hình thức đã hạn chế đáng kể, nhưng về bản chất thậm chí ngược lại, ngày càng phức tạp, và tinh vi và quy mô hơn, mà đại án SCB là ví dụ điển hình.
Các chủ bank có thừa công cụ và kỹ thuật để lách các quy định giới hạn tỷ lệ sở hữu hay cấp tín dụng. Thống đốc SBV mới đây thừa nhận không thể có quy định xử lý triệt để sở hữu chéo. Mà việc này phải có sự tham gia của cơ quan điều tra.
Cũng SBV vừa qua đã chấp thuận cho 3 pháp nhân trở thành cổ đông lớn, sở hữu tổng cộng 40% cổ phần một ngân hàng thương mại. Nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh 3 pháp nhân này có liên hệ mật thiết với một tập đoàn ô tô. Nhà băng này trước đó còn thuộc quyền sở hữu quá bán của một nhóm cổ đông liên hệ tới một tập đoàn tư nhân khác.
Về mặt kỹ thuật thì có thể đúng quy định, nhưng liệu rằng về bản chất, đây có phải sở hữu chéo, vượt xa giới hạn sở hữu, và cơ quan quản lý đã cân nhắc kỹ vấn đề này?!
Như đã nói ở trên, một luồng ý kiến trong giới banker là việc sở hữu chi phối mang tới sự ổn định và thống nhất, tránh cho ngân hàng rơi vào cảnh tranh giành quyền lực, bất ổn; miễn là xây dựng được hệ thống quản trị chuyên nghiệp và giới chủ kiềm chế được lòng tham.
Vậy thì cách tư duy của chúng ta với sở hữu chéo đã thống nhất chưa; và chúng ta, ở một góc độ nào đó, liệu có đang chấp nhận sống chung với thực trạng này hay không. Độ vênh từ chủ trương đến thực tế sở hữu chéo rõ ràng đang đặt ra những bài toán dường như rất khó có lời giải đối với lãnh đạo SBV trong giai đoạn hiện nay.
Nguồn: Facebook Võ Quỳnh