ly-ky-chang-duong-phat-trien-vinamilk-va-chuyen-thau-tom-toan-bo-nha-may-sua-binh-dinh-sua-lam-son-2-1684293697.jpeg

Năm 1976, Tổng cục Lương thực - Công ty Sữa - Cà phê miền Nam được thành lập, đây là công ty tiền thân của Vinamilk. Năm 1982, Bộ công nghiệp thực phẩm được bàn giao lại Công ty Sữa - Cà phê miền Nam. Sau đó, Bộ đổi tên thành Xí nghiệp Sữa - Cà phê - Bánh kẹo I. Thời điểm này, 2 nhà máy là nhà máy bánh kẹo Lubico và nhà máy bột dinh dưỡng Bích Chi - Đồng Tháp cũng trực thuộc xí nghiệp.

Đến tháng 3/1992, cái tên Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) chính thức được đổi từ xí nghiệp trên, công ty do Bộ công nghiệp nhẹ quản lý. Năm 1994, để phát triển thị trường phía Bắc, công ty đã xây dựng nhà máy sữa tại Hà Nội, thời điểm này Vinamilk đã có được 4 nhà máy.

Năm 1996, để tiếp cận thị trường miền Trung, Vinamilk đã cùng với Công ty cổ phần đông lạnh Quy Nhơn hợp tác liên doanh xây dựng Xí nghiệp liên doanh Sữa Bình Định. Đến năm 2000, Vinamilk tiến vào thị trường miền Nam với nhà máy Sữa Cần Thơ. Cũng trong thời gian này, tại thành phố Hồ Chí Minh công ty cũng xây dựng thêm kho bãi.

Đến tháng 5/2001, nhà máy sữa tại Cần Thơ chính thức đi vào hoạt động. Năm 2003, công ty chuyển đổi thành công sang công ty cổ phần. Đồng thời, nhà máy sữa tại Bình Định và TP.HCM cũng được chính thức đi vào hoạt động. Năm 2004, Công ty cổ phần Sữa Sài Gòn được Vinamilk mua lại, giúp vốn điều lệ của Vinamilk tăng lên 1.590 tỷ đồng.

Năm 2005, cổ phần của Nhà máy Sữa Bình Định được Vinamilk mua lại toàn bộ, nhà máy này chính thức thuộc về Vinamilk. Đến tháng 6/2005, Vinamilk khánh thành thêm Nhà máy Sữa Nghệ An và cho đi vào hoạt động chính thức. Đến năm 2006, Vinamilk chính thức niêm yết lên sàn Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM, khi đó 50,01% vốn cổ phần của công ty do Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước nắm giữ.

Vào tháng 11 năm 2006, triển khai chương trình trang trại bò sữa bắt đầu bằng việc mua lại trang trại bò sữa Tuyên Quang, một trang trại nhỏ với khoảng 1.400 con bò sữa, sau khi sửa chữa cải tạo lại thì trang trại cũng được công ty cho đi vào hoạt động ngay sau đó.

ly-ky-chang-duong-phat-trien-vinamilk-va-chuyen-thau-tom-toan-bo-nha-may-sua-binh-dinh-sua-lam-son-1684293697.jpeg

55% cổ phần của Công ty Sữa Lam Sơn được Vinamilk mua lại vào tháng 9/2007. Năm 2009, tại Nghệ An, Tuyên Quang Vinamilk đã phát triển 9 nhà máy, nhiều trang trại bò sữa, 135.000 đại lý phân phối. Năm 2010 - 2012, Vinamilk đã bỏ ra 220 triệu USD vốn đầu tư để xây dựng nhà máy sữa nước và sữa bột tại Bình Dương. Đến năm 2011, nhà máy sữa Đà Nẵng mà Vinamilk bỏ ra 30 triệu USD làm vốn đầu tư chính thức vận hành.

Từ năm 2015, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk thực hiện kế hoạch mở rộng quy mô bằng cách đẩy mạnh hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) và gia tăng các dự án đầu tư ra nước ngoài.

Tổng doanh thu hợp nhất năm 2018 của Vinamilk đạt 52.629 tỷ đồng, vốn hóa thị trường cuối năm 2018 đạt 208.969 tỷ đồng. Theo báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất 6 tháng đầu năm 2019 được công bố, Vinamilk đạt doanh thu 27.788 tỷ đồng, tăng gần 2.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018, tương ứng tăng 7,61%.

Lũy kế cả năm 2019, Vinamilk đạt doanh thu thuần 56.300 tỷ đồng, tăng 7,1% so với mức 52.600 tỷ đồng cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 12.800 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Lãi ròng đạt 10.581 tỷ đồng, tăng 3,5%.

Lũy kế cả năm 2020, tổng doanh thu hợp nhất của Vinamilk đạt 59.723 tỷ đồng, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước và đạt 100% kế hoạch năm. Lũy kế cả năm 2021, lần đầu tiên tổng doanh thu hợp nhất của Vinamilk vượt 60.000 tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2020, đạt cụ thể là 61.012 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần của Vinamilk giảm khoảng 1,6% so với năm 2021, đạt gần 60.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của Vinamilk đạt 8.578 tỷ đồng.

Trong năm 2023, Vinamilk đặt ra kế hoạch doanh thu sẽ tăng 5,5% so với cùng kỳ, đạt mức là 63.380 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế theo kế hoạch sẽ bằng với năm 2022, đạt mức là 10.496 tỷ đồng.

Bà Mai Kiều Liên đã có hơn 3 thập kỷ giữ chức vụ Tổng giám đốc Vinamilk trong 47 năm bà làm việc tại đây, bà còn được biết đến là một nhà lãnh đạo nổi tiếng với tinh thần luôn đổi mới và không ngại thay đổi. Bà Mai Kiều Liên quê ở huyện Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang sinh năm 1953 tại Paris (Pháp).

ly-ky-chang-duong-phat-trien-vinamilk-va-chuyen-thau-tom-toan-bo-nha-may-sua-binh-dinh-sua-lam-son-4-1684293676.png

Ngay từ năm 1957, gia đình bà - những trí thức yêu nước sinh sống tại Pháp đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp của quê hương. Sau khi tốt nghiệp trường Trưng Vương, bà Liên lại “xuất ngoại” khi được nhà nước cử sang Liên Xô học ngành chế biến sữa.

Công việc đầu tiên mà bà nhận  tại Công ty Sữa - Cà phê miền Nam sau khi trở về nước là trở thành kỹ sư phụ trách Khối Sản xuất. Sau đó, bà từng bước đi lên những vị trí cao hơn như Phó giám đốc kỹ thuật; Phó tổng giám đốc và đến tháng 12/1992 bà trở thành Tổng giám đốc của Vinamilk. Bà Liên đã từng khôi phục thành công 3 nhà máy sữa bị tàn phá sau chiến tranh khi bà được giao tiếp quản 3 nhà máy này.

ly-ky-chang-duong-phat-trien-vinamilk-va-chuyen-thau-tom-toan-bo-nha-may-sua-binh-dinh-sua-lam-son-1-1684293698.jpeg

Bà đã góp phần đưa ra những quyết định cho cuộc “Cách mạng trắng” xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu chăn nuôi bò sữa trong nước những năm 1990. Hơn 15 năm sau đó, Vinamilk hình thành hệ thống 14 trang trại tiêu chuẩn trên cả nước, quản lý nguồn cung cấp đàn bò hơn 160.000 con, sản xuất 1 triệu lít sữa mỗi ngày.

Đồng thời, Vinamilk cũng đã xây dựng thành công hệ thống 13 nhà máy hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam. Không chỉ giỏi điều hành và quản lý, bà Mai Kiều Liên còn được biết đến là người nhạy bén trong kinh doanh. Những sản phẩm nổi tiếng trên thị trường hiện nay như Dielac, Ngôi sao Phương Nam,… đều do bà Liên khởi xướng. Đây cũng là những sản phẩm “Top” của Vinamilk trên thị trường hiện nay và được xuất khẩu sang nhiều nước trên toàn thế giới.