Hoàng Anh Gia Lai (HAGL – Mã:  HAG) vừa công bố BCTC hợp nhất soát xét năm 2021 với lợi nhuận giảm từ mức 18 tỷ trong báo cáo tự lập xuống còn hơn 8 tỷ đồng, mức chênh lệch lên tới gần 10 tỷ đồng, tương ứng sụt giảm gần 55%.

Cụ thể, giá vốn trong kỳ được điều chỉnh tăng 24% do liên quan đến phân bổ giá trị hợp lý của các tài sản trên khía cạnh hợp nhất. Trong khi, chi phí quản lý được điều chỉnh giảm 39% nhờ giảm dự phòng các khoản phải thu sau khi thực hiện rà soát khả năng thu hồi.

Theo giải trình của HAGL, trong quá trình soát xét BCTC hợp nhất bán niên, Công ty kiểm toán E&Y đã đề nghị điều chỉnh các số liệu ảnh hưởng đến lợi nhuận sau thuế liên quan đến tăng giá vốn do các điều chỉnh liên quan đến phân bổ giá trị hợp lý của các tài sản trên khía cạnh hợp nhất và giảm dự phòng các khoản phải thu sau khi thực hiện rà soát khả năng thu hồi.

Trong báo cáo, phía kiểm toán cũng lưu ý đến khoản lỗ lũy kế lên tới 7.372 tỷ đồng của công ty. "Điều kiện này cùng với những vấn đề khác cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn",  theo E&Y.

Còn phía HAGL cho hay, BCTC hợp nhất giữa niên độ của tập đoàn này được lập dựa trên cơ sở hoạt động liên tục, với giả định rằng HAGL có thể sử dụng các tài sản và thanh toán các khoản nợ phải trả trong quá trình hoạt động kinh doanh bình thường trong tương lai gần.

Mới đây, HĐQT HAGL vừa thông báo về việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản nhằm thông qua phương án sử dụng thặng dư vốn cổ phần để xử lý lỗ lũy kế. Nếu dùng hết thặng dư trên thì lỗ lũy kế HAGL sẽ giảm tương ứng hơn 3.260 tỷ đồng.

Tại cuối tháng 6, tổng tài sản của tập đoàn này giảm phân nửa so với đầu năm về 18.112 tỷ đồng và giảm 38 tỷ đồng so với báo cáo tự lập. Mức giảm này chủ yếu xảy ra trong quý I khi công ty không còn hợp nhất báo cáo tài chính với HAGL Agrico kể từ ngày 8/1 và tiếp tục giảm trong quý II.

Cơ cấu nguồn vốn cũng có thay đổi tương ứng khi tổng nợ phải trả hiện còn 13.946 tỷ đồng, tức giảm hơn 14.292 tỷ so với thời điểm đầu năm. Trong đó, vay ngân hàng và vay trái phiếu gần 8.280 tỷ đồng, tương đương giảm hơn 9.800 tỷ so với đầu năm. 

Các chủ nợ lớn của HAGL gồm ngân hàng Sacombank (524 tỷ), Eximbank (678 tỷ), Ngân hàng Liên doanh Lào Việt (262 tỷ), TPBank (192 tỷ),...

Hết quý II, vốn chủ sở hữu cũng giảm gần phân nửa về 5.166 tỷ đồng. Hiện tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu vẫn đang ở mức 2,7 lần.

Trong số các khoản vay trái phiếu của HAGL có khoản vay 5.876 tỷ đồng tại BIDV, đáo hạn vào 30/12/2026, nhưng vào ngày 30/6/2021, diện tích trồng cao su và cọ dầu (để làm tài sản đảm bảo) thực tế đang thấp hơn cam kết trong hợp đồng tín dụng. Cụ thể, diện tích cam kết lần lượt là 4.853 ha cao su vào 7.102 ha cọ dầu.