Trong chương trình Shark Hùng Anh lại đặt vấn đề trước khả năng định giá đối với hai nhà sáng lập Inmergers: "Làm M&A thì phải biết rõ giá trị doanh nghiệp nhưng các bạn lại không định giá đúng doanh nghiệp của mình. Doanh thu rất nhỏ nhưng định giá 5 triệu USD. Ngay doanh nghiệp của mình còn chưa định giá đúng thì sao dám cung cấp dịch vụ cộng thêm cho khách hàng về định giá?".

Inmergers - một startup ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực M&A (mua bán, sáp nhập doanh nghiệp) tại Việt Nam đã xuất hiện tại Shark Tank Việt Nam mùa 6 tập 5 để kêu gọi đầu tư 200 ngàn USD cho 4% cổ phần. Đại diện của startup này là hai nhà sáng lập gồm Thảo Nguyễn – Giám đốc điều hành và Toàn Phạm – Giám đốc tiếp thị của công ty.

len-shark-tank-goi-von-startup-co-doanh-thu-400-trieu-nhung-dinh-gia-cong-ty-toi-5-trieu-usd-1698745288.jpg
Hai nhà sáng lập của Inmergers

------------
Mời các bạn cùng nhìn lại màn gọi vốn của Inmergers trên sóng truyền hình:

Theo giới thiệu, Inmergers hiện cung cấp nền tảng MMatch cho các thương vụ M&A chiến lược và MFund cho các thương vụ gọi vốn thuần túy. Bên cạnh đó, startup còn cung cấp các dịch vụ add-on (gia tăng) như tư vấn tiền M&A, tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, đồng hành gọi vốn.

Inmergers định hướng trở thành một nền tảng, thu hút người dùng là các broker (người môi giới). Theo lộ trình phát triển, startup này sẽ IPO vào năm 2028.

Mô hình của Inmergers được phát triển qua các Country Partner – đối tác cao cấp tại từng quốc gia, franchise partner và broker. Sau 8 tháng, Inmergers đã phát triển được mạng lưới 300 broker và 7 Country Partner. Doanh thu đạt khoảng 400 triệu đến từ dịch vụ gia tăng và phí đăng tin hiển thị của các broker, người mua. Trong đó, phần lớn là doanh thu của dịch vụ gia tăng.

“Tôi thấy mô hình này rất là B2B (Business to Business – doanh nghiệp bán hàng cho doanh nghiệp) mà thu phí đăng tin lại là mô hình kinh doanh phù hợp với C2C (Consumer to Consumer – người tiêu dùng bán hàng cho người tiêu dùng). Bạn đang làm một thứ mà thị trường siêu ngách siêu hẹp nhưng lại thu phí theo cách siêu siêu lẻ. Tôi cảm thấy rất vênh ở đây. Làm sao mà có thể kiếm được tiền?”, Shark Bình đặt câu hỏi.

Đáp lại, Toàn Phạm cho biết thực tế các SMEs đang rất có nhu cầu. Anh lấy dẫn chứng về một nền tảng tương tự ở Mỹ là Intralinks đã thành công gọi vốn và sau đó là IPO.

Từ kinh nghiệm làm luật sư trong lĩnh vực mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, Thảo Nguyễn chia sẻ, Việt Nam luôn là “điểm nóng” M&A với các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.

Shark Hưng đánh giá M&A là một lĩnh vực rất nhạy cảm, người bán, người mua đều có những nhu cầu rõ ràng và họ cần người môi giới đáng tin cậy. Do đó, việc cung cấp dịch vụ hiển thị là không phù hợp. Ông cho rằng việc cung cấp dịch vụ gia tăng sẽ mang lại nguồn thu tốt hơn cho startup. 

Nhận định “M&A này là việc lớn cả đời, giống kiểu dựng vợ gả chồng cho cả một doanh nghiệp. Chúng ta cần phải làm cực kì chỉn chu”, Shark Bình chỉ ra các lỗi của website khiến trải nghiệm người dùng không tốt như phân trang quá nhiều, thông tin còn sơ sài, chức năng search tìm kiếm không sử dụng được…

“M&A là cộng đồng rất nhỏ, những người có rất nhiều tiền nhưng rất là khó tính. Đã vào là thông tin phải rất sang – xịn – mịn, từ đó mới làm phễu cho các dịch vụ khác”, Shark Bình nêu quan điểm.

Vị “Cá mập công nghệ” cũng cho rằng startup nên tập trung vào mô hình tư vấn M&A và hưởng hoa hồng từ các thương vụ thay vì thu phí hiển thị trên nền tảng.

Trước nhận định đó, Thảo Nguyễn cho biết nếu thu hoa hồng thì chỉ là mô hình truyền thống và không scale up được. Chị đánh giá thị trường M&A ở Việt Nam rất tiềm năng nhưng chưa có dữ liệu lớn. Trong khi đó, nền tảng như thế này đã có ở các nước phát triển như Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ, Singapore…

len-shark-tank-goi-von-startup-co-doanh-thu-400-trieu-nhung-dinh-gia-cong-ty-toi-5-trieu-usd-1-1698745295.jpg

“Nhưng mà tôi nghĩ ngành M&A là ngành đủ nhỏ đủ hẹp và giá trị giao dịch đủ lớn. Chúng ta đâu có cần làm một cách đại trà đâu”, Shark Bình chia sẻ và quyết định không đầu tư.

Đồng quan điểm với Shark Bình, Shark Hưng cũng cho rằng startup nên tạo cơ sở dữ liệu và kết nối tốt để bán dịch vụ kèm theo và hưởng hoa hồng từ các thương vụ.

Dù đánh giá startup có thị trường, có cơ sở để thành công nhưng vì “con đường tới đó còn rất xa” nên Shark Hưng cũng từ chối đầu tư.

Shark Hùng Anh nhận xét startup định giá doanh nghiệp cao trong khi doanh thu còn thấp. Thêm vào đó, ông nhận định mô hình này rất khó để scale up nên đã từ chối đầu tư.

Trong khi đó, Shark Erik muốn tìm hiểu thêm về khả năng cạnh tranh của Inmergers với các doanh nghiệp M&A.

Thảo Nguyễn tiết lộ, startup không có ý định cạnh tranh mà sẽ làm bạn của doanh nghiệp M&A. Inmergers sẽ đứng ở giữa để kết nối broker của bên bán và bên mua.

“Nếu mình làm người trung gian thì giá trị của công ty chắc sẽ hơi khó để tăng lên”, Shark Erik nhận xét trước khi đưa ra quyết định không đầu tư.

Còn lại Shark Tuệ Lâm, cô cho rằng Việt Nam rất khó phát triển nền tảng M&A bởi dù số lượng người như nhiều nhưng số deal tốt ở Việt Nam lại không đủ nhiều. Cô cũng chỉ ra một rào cản “Đấy là thị trường rất ngách và gần như người ngoài không đi vào được. Tín nhiệm của người broker ở giữa quan trọng lắm, đặc biệt là với những người nước ngoài. Khi vào thị trường họ không biết thì họ rất khó để mà tin tưởng một bên thứ ba”.

Đánh giá thời điểm hiện tại chưa chín muồi nên vị Shark nữ duy nhất của Shark Tank Việt Nam mùa 6 cũng từ chối đầu tư, khép lại một thương vụ gọi vốn không thành công.