Gần đây, trên các phương tiện truyền thông rầm rộ lên thông tin, các cầu thủ của CLB Than Quảng Ninh đang làm đơn kiện CLB chủ quản vì mắc nợ quá lâu mà chưa chịu trả.
Theo chia sẻ của các cầu thủ CLB bóng đá Than Quảng Ninh, tính đến thời điểm này họ còn bị nợ lương từ tháng 4-8 năm 2021 và tiền lót tay chuyển nhượng từ năm 2019.
Sau rất nhiều lần hứa, tạm ứng tiền lương, viết tâm thư, nhưng đến giờ này, các cầu thủ cho biết, nếu đến ngày 31/8/2021, các khoản nợ trên không được giải quyết, họ sẽ thuê luật sư và kiện CLB Than Quảng Ninh; đồng thời gửi giấy tờ liên quan đến Ban kỷ luật VFF, AFC và nếu cần là cả FIFA. Mặc dù đội bóng này chưa tuyên bố giải thế, nhưng rõ ràng tương lai vô cùng mù mịt.
Vậy tại sao, một tỉnh khá giàu có với nhiều doanh nghiệp lớn như Quảng Ninh lại không thể nuôi nổi 1 CLB bóng đá chuyên nghiệp, ngân sách hoạt động chỉ vào khoảng 70 tỷ đồng/năm?
Mọi chuyện bắt đầu từ năm 2015, tỉnh Quảng Ninh đã giao đội bóng cho ông Phạm Thanh Hùng – Chủ tịch Công ty Khai thác khoáng sản vàng Hà Giang. Ông Hùng đã thành lập Công ty TNHH 1 thành viên bóng đá Quảng Ninh.
Ngoài năng lực tài chính của doanh nghiệp do mình làm chủ, ông Phạm Thanh Hùng còn nhận được sự hỗ trợ đắc lực của nhiều doanh nghiệp lớn, nhỏ trên địa bàn nên đã không tiếc tiền chiêu mộ cầu thủ, trong đó phải kể đến cầu thủ Việt kiều Mạc Hồng Quân, cựu tuyển thủ quốc gia Nguyễn Quang Hải (cầu thủ người Khánh Hòa), Hoàng Danh Ngọc, Nghiêm Xuân Tú…
Trong mấy mùa giải liên tiếp, Than Quảng Ninh cũng tạo được một số dấu ấn nhất định, trong đó phải kể đến chức vô địch Cúp quốc gia 2016, đoạt Siêu cúp quốc gia 2016 (hai trận chung kết đều thắng đội Hà Nội T&T); tham dự AFC Cup 2017, 2020; giành vị trí thứ 3 (HCĐ) tại V-League 2019. Ngoài những thành tích ở đấu trường quốc nội, Than Quảng Ninh còn được biết đến như một đội bóng con nhà giàu, lương thưởng cao.
Tuy nhiên, mọi chuyện dần trở nên xấu từ năm 2019, khi các nhà tài trợ chính lần lượt rút lui. Theo ‘ông bầu’ Phạm Thanh Hùng, năm 2019, 2 nhà tài trợ chính là Than – Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc quyết định chấm dứt đồng hành cùng CLB, khiến ông gặp thế khó, khi không thể 1 mình kham nổi mức phí hoạt động khoảng 70 tỷ đến 80 tỷ đồng/năm. Than – Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc thường góp khoảng 40% kinh phí.
Trong năm 2020, theo ông Hùng, họ đã thông báo với tỉnh Quảng Ninh là ngừng hoạt động Công ty TNHH 1 thành viên bóng đá Quảng Ninh và giao đội bóng lại cho tỉnh, nên việc nợ lương cầu thủ không phải là lỗi của họ.
Lần về quá khứ, trong năm 2020, UBND tỉnh Quảng Ninh từng tổ chức cuộc họp có mặt có sự xuất hiện của Khai thác khoáng sản vàng Hà Giang và Than – Khoáng sản Việt Nam nhằm gỡ rối cho CLB.
Lúc đó, theo báo cáo của Khai thác khoáng sản vàng Hà Giang, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện công ty đang gặp một số khó khăn về tài chính, thiếu kinh phí duy trì hoạt động của đội bóng. Do đó, công ty đã đề xuất với tỉnh Quảng Ninh các phương án tạo việc làm cho công ty để đảm bảo nguồn kinh phí duy trì hoạt động cho đội bóng.
Trước đề xuất của Khai thác khoáng sản vàng Hà Giang, lãnh đạo tỉnh đã chấp thuận 1 vài phương án từ doanh nghiệp này, đồng thời đề nghị Than – Khoáng sản Việt Nam tích cực hỗ trợ, phối hợp với doanh nghiệp nói trên trong quá trình xây dựng – thực hiện phương án mới. Tuy nhiên, có vẻ cuối cùng, không có điều gì được giải quyết, Khai thác khoáng sản vàng Hà Giang vẫn cứ buông CLB Than Quảng Ninh.
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh đã quyết định yêu cầu Khai thác khoáng sản Vàng Hà Giang chấm dứt mọi hoạt động khai thác, tuyển quặng tại các điểm mỏ vàng tại các thôn Kim Thượng A, thôn Kim Thượng B, thôn Kim và thôn Kim Tràng.
Theo đó giấy phép khai thác của Công ty đã hết hạn khai thác kể từ ngày 3/8/2021. Trong thời gian 6 tháng kể từ ngày hết hạn Công ty phải di dời toàn bộ tài sản còn lại của mình, đồng thời lập hồ sơ đóng cửa các điểm mỏ vàng. Hồ sơ đóng cửa mỏ Công ty nộp chậm nhất trước ngày 30/9/2021 tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Hà Giang để được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Nếu ông Phạm Thanh Hùng và Khai thác khoáng sản vàng Hà Giang không kham nổi CLB Than Quảng Ninh đã đành, vì dù sao quy mô doanh nghiệp của ông vẫn nhỏ; nhưng trường hợp của 2 nhà tài trợ chính còn lại hơi khó biểu. Với Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc, thì 20 tỷ chỉ là mấy sợi lông trên 1 con trâu. Cả hai đều có doanh thu từ vài trăm đến vài chục ngàn tỷ đồng mỗi năm.
Theo báo cáo của TKV, doanh thu toàn Tập đoàn năm 2020 đạt 123.425 tỷ đồng, lợi nhuận đạt gần 3.000 tỷ đồng, nộp Ngân sách Nhà nước 19.500 tỷ đồng. Tổng tài sản năm 2020 là 127.000 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2019; vốn góp chủ sở hữu 35.000 tỷ đồng (bằng vốn điều lệ).
Cùng với duy trì sản xuất kinh doanh ổn định, TKV đảm bảo việc làm, thu nhập cho hơn 96.000 người lao động với tiền lương bình quân chung là 12,8 triệu người/tháng.
Trong 4 tháng đầu năm, doanh thu của TKV đạt 38.610 tỷ đồng, đạt 31% kế hoạch năm, trong đó doanh thu than đạt 22.718 tỷ đồng; khoáng sản 4.588 tỷ đồng, điện 4.346 tỷ đồng… Ông Đặng Thanh Hải - Tổng Giám đốc TKV cho biết: trong giai đoạn 2021-2025, Tập đoàn sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, phấn đấu tổng doanh thu đạt trên 700.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 18.000 tỷ đồng.
Ngày 14/6/2021, Tổng công ty Đông Bắc đã phát hành thành công 700 tỷ đồng trái phiếu với mã DBCCH2126001, kỳ hạn 5 năm.
Đây là lô trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có bảo đảm. Lãi suất áp dụng cho kỳ tính lãi đầu tiên chỉ là 8,175%/năm. Các kỳ tính lãi tiếp theo (6 tháng/lần), lãi suất được xác định bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 2,6%/năm. Trái chủ mua vào toàn bộ lô trái phiếu này là Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) - Chi nhánh Quảng Ninh.
Về tình hình kinh doanh, năm 2020, Tổng công ty Đông Bắc ghi nhận tổng doanh thu 18.740 tỷ đồng, giảm 8,2% so với năm trước. Lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt đạt 563,4 tỷ đồng và 445,6 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng trưởng 58,7% và 145,8% so với thực hiện năm 2019.
Trên bảng cân đối kế toán, tại ngày 31/12/2020, quy mô tổng tài sản của Tổng công ty Đông Bắc đạt mức 12.477,7 tỉ đồng, tăng 6,6% so với đầu năm.
Năm 2021, doanh nghiệp này đặt kế hoạch tổng doanh thu 16.600 tỷ đồng, giảm 11,4% so với năm ngoái. Lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt ở mức 400 tỷ đồng và 320 tỷ đồng, giảm lần lượt 29% và 28% so với mức thực hiện năm 2020.
Theo đó, không phải là tỉnh Quảng Ninh không nuôi nổi CLB Than Quảng Ninh, mà các doanh nghiệp không muốn nuôi, có thể vì lợi ích mang lại cho họ chưa hấp dẫn.
Ngoài ra, đây không chỉ là thực trạng buồn của CLB Than Quảng Ninh mà của nhiều CLB bóng đá chuyên nghiệp khác tại Việt Nam. Dù đã đi lên chuyên nghiệp hơn 20 năm, nhưng các CLB bóng đá vẫn sống dựa vào 'bầu sữa' ngân sách tỉnh hoặc đóng góp từ các doanh nghiệp lớn. Hầu hết CLB đều đều kinh doanh thua lỗ và không thể tự sống được, không giống các CLB châu Âu. Chỉ cần doanh nghiêp buông thì họ sẽ lao đao.