Sacombank (STB) là một trong những Ngân hàng TMCP đầu tiên được thành lập tại TP.HCM năm 1991 với vốn điều lệ ban đầu là 3 tỷ đồng. Năm 1996, ngân hàng phát hành cổ phiếu ra công chúng với giá 200.000 đồng/cổ phiếu. Sacombank cũng là ngân hàng đầu tiên của Việt Nam lên sàn chứng khoán.
Năm 2006, Sacombank đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn HoSE. Năm 2017, ngân hàng này từng có ý định đổi mã chứng khoán từ STB sang SCM và chuyển sàn sang HNX nhưng cổ đông không thông qua.
Liên quan đến mã cổ phiếu này, trong phiên giao dịch ngày 24/2, mã cổ phiếu này đã lập đỉnh mới. Thị giá STB dừng ở mức 39.400 đồng/cp, tăng gần 29% sau một năm. Vốn hóa thị trường của Sacombank cũng theo đó lập kỷ lục mới hơn 74.000 tỷ đồng (~3 tỷ USD).
Sacombank thậm chí còn là khoản đầu tư lớn nhất danh mục của Pyn Elite Fund - quỹ ngoại quy mô 820 triệu EUR (~22.000 tỷ đồng), với tỷ trọng lên đến hơn 20% tại ngày cuối tháng 1/2025.

Cổ phiếu STB cũng là một mã cổ phiếu theo đánh giá của Chứng khoán Vietcap (VCI) nhiều tiềm năng. Công ty chứng khoán này đặt giá mục tiêu 50.000 đồng/cổ phiếu dựa trên luận điểm đầu tư:
- STB đẩy mạnh tái cấu trúc nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động bằng cách thay thế các nhân sự không đáp ứng các yêu cầu về trình độ và bằng cấp bằng đội ngũ trẻ hơn, có chuyên môn cao hơn.
Ngoài ra, khi ngân hàng tiến gần đến việc hoàn tất chương trình tái cấu trúc, một số vị trí sẽ không còn cần thiết. Tính đến quý 4/2024, tổng tài sản của STB tương đương với ACB, nhưng tổng số nhân sự của STB cao hơn đáng kể với 18.088 nhân viên so với 13.290 nhân viên tại ACB, qua đó cho thấy sự cần thiết của việc tái cấu trúc hoạt động.
Chỉ thị 01/2025 của NHNN cũng nhấn mạnh rằng các ngân hàng cần tinh gọn bộ máy tổ chức và cải thiện hiệu suất là ưu tiên hàng đầu trong năm 2025. Với những diễn biến này, VCI dự báo chi phí hoạt động của STB sẽ chỉ tăng 10% svck trong năm 2025.
- VCI kỳ vọng sự phục hồi của thị trường bất động sản sẽ hỗ trợ STB trong việc xử lý nợ xấu. Trong quý 4/2024, STB cũng đã thành công trong việc thu hồi nợ xấu, từ đó dẫn đến việc hoàn nhập ròng tổng cộng 367 tỷ đồng từ các khoản chi phí dự phòng.
Do đó, nhóm phân tích đã giảm dự báo chi phí dự phòng năm 2025 xuống mức thấp hơn 26,8% so với ước tính trước đó, đồng thời hạ tỷ lệ xử lý nợ dự kiến từ mức 0,80% xuống 0,35%, qua đó phản ánh sự cải thiện đối với chất lượng tài sản và thể hiện môi trường kinh doanh thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, Vietcap vẫn giữ quan điểm thận trọng đối với dự báo chi phí dự phòng giai đoạn 2025-2027 thông qua việc tiếp tục duy trì tỷ lệ bao phủ nợ (LLR) trung bình ở mức 127%, nhằm đề phòng các rủi ro tiềm ẩn.
Liên quan đến vấn đề kinh doanh, năm 2024, Sacombank lãi trước thuế trên 12.720 tỷ đồng, tăng 33% so với năm trước và vượt 20% kế hoạch đưa ra cho cả năm nay (10.600 tỷ đồng) trước thuế.
Tính đến cuối năm 2024, tổng tài sản của Sacombank đạt 748.094 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 12%, tiền gửi khách hàng tăng 11%. Tổng nợ xấu tính đến 31/12/2024 của Sacombank là 12.957 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ tăng nhẹ từ mức 2,28% đầu năm lên 2,4% tính đến cuối năm 2024.
Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến cuối năm 2024 lên đến hơn 28.400 tỷ đồng.