Câu nói "những thứ được chia sẻ chỉ đúng với người được chia sẻ" có lẽ áp dụng trong trường hợp này là hợp lý vì thật sự mỗi nhà mỗi cảnh. Nhưng mình vẫn viết ra vì muốn chia sẻ thêm một góc nhìn về vấn đề này với các thành viên cộng đồng và nhận thêm ý kiến.

Minh bạch tài chính là yếu tố then chốt đầu tiên giúp các cặp vợ chồng có thể cùng nhau xây dựng kế hoạch tài chính lâu dài. Tuy nhiên, nhiều cặp đôi không làm được điều này do nhiều lý do khác nhau mà đôi khi chúng dính dáng lòng vòng với nhau:

1. Tiền bạc gắn liền với cảm xúc và giá trị cá nhân: gia đình từng nghèo khó và nợ nần, cách nuôi dạy học từ cách bố mẹ đối xử nhau, từng bị lừa tiền bởi người thân bạn bè

2. Khác biệt đáng kể về thu nhập: người có thu nhập cao hơn cảm thấy đang phải gánh vác, người có thu nhập thấp hơn cảm thấy phụ thuộc

3. Lịch sử tài chính phức tạp hoặc nợ từ trước hôn nhân: từ cá nhân, gia đình hay lý do nào khác (cờ bạc, ngh.i.ệ.n) -> ảnh hưởng bởi (1)

khong-phai-chuyen-tien-bac-ma-la-chuyen-long-tin-1745626663.webp

4. Thói quen chi tiêu của bản thân không tối ưu lắm nên muốn có "quỹ đen" hoặc tự do chi tiêu mà không cần sự đồng ý của người còn lại -> ảnh hưởng bởi (1) và (2)

5. Né tránh xung đột về tiền bạc do e ngại tranh cãi: thói quen chi tiêu (tiết kiệm - tiêu xài), mục tiêu tài chính (mua nhà hay tự kinh doanh), hoặc cách quản lý tiền bạc (đầu tư an toàn - đầu tư mạo hiểm) -> ảnh hưởng bởi (1), (2), (3) và (4)

6. Cho rằng kiểm soát tài chính đi chung với khả năng kiểm soát mối quan hệ -> ảnh hưởng bởi (1) và (2)

7. Thiếu sự tin tưởng lẫn nhau về khả năng quản lý tiền bạc: không tin rằng người kia biết sử dụng tiền có trách nhiệm hoặc sử dụng tiền cho lợi ích chung của cả hai -> ảnh hưởng bởi (1), (2), (3) và (4)

Các vấn đề ở trên đều phức tạp, dính dáng tới nhau, cái này dẫn tới cái kia nên không thể nói chuyện một vài lần là giải quyết được ngay. Nó là một quá trình dài hạn mà cả 2 người phải dành nhiều thời gian và sự cởi mở để chia sẻ và trao đổi với nhau. Dưới đây là một số kinh nghiệm từ chính bản thân mình và vợ trong quá trình tìm kiếm sự đồng thuận về tài chính:

1. Chuyện tài chính cặp đôi có thể nên xem là một trong những trụ cột chính của mối quan hệ và do đó cần được mang ra trao đổi cởi mở càng sớm càng tốt. Tú và vợ trao đổi về chủ đề này khi còn sống thử chưa cưới, rồi khi mua căn nhà đầu tiên, rồi khi bắt đầu đầu tư bất động sản nhiều hơn, khi Tú ra làm riêng, v.v...

2. Đừng đợi đến khi có vấn đề mới mang ra nói. Chuyện tài chính chung nên là một trong các chủ đề thường xuyên nói với nhau mỗi ngày. Tài chính là chủ đề thường trực của vợ chồng Tú khi lái xe đi về hằng ngày, khi đi cafe cuối tuần hay khi ngồi làm việc chung.

3. Thống nhất một số mục tiêu tài chính chung cả ngắn hạn (cuối năm đi du lịch, sửa sang nhà cửa, tiền học một năm tới của con), trung hạn (chuyển đổi và đa dạng tài sản, bớt phụ thuộc bất động sản, tối ưu nợ ngân hàng) hay dài hạn (tiền cho con đi du học, mục tiêu định cư ở đâu khác không). Các tiếp cận tài chính của 2 người có thể khác hay còn cần bàn cách làm nhưng cần thống nhất một số mục tiêu tài chính và đồng ý với nhau trước.

4. Cùng nhau theo dõi thu nhập và chi tiêu để biết tiền của bạn đang đi đâu và mình đang còn bao nhiêu, ở đâu, các kênh nào? Cái này giải quyết được bằng file template chi tiêu tài chính Tú đã có chia sẻ trước đây. Xem dưới comment.

5. Thống nhất mô hình quản lý tài chính kết hợp: tài khoản chung cho các chi phí sinh hoạt, tài khoản cho hoạt động kinh doanh và đầu tư và các tài khoản riêng cho chi tiêu cá nhân. Một sheet báo cáo sơ lược giúp cả 2 vợ chồng nắm được hiện các tài khoản chung đang có bao nhiêu tiền. Tài khoản riêng có thể thống nhất một khoản chi tiêu phù hợp hàng tháng và tự động chuyển khoản hàng tháng. Tháng nào tài khoản hết tiền Tú lấy thêm từ quỹ chung thì Tú chỉ việc nói vợ biết và cập nhật thêm vào file.

6. Giàu cùng giàu, nghèo cùng nghèo không thích thì thôi đừng cưới. Minh bạch mọi khoản nợ hay các loại chi tiêu và cùng nhau xây dựng kế hoạch xử lý cùng nhau: cùng nhau trả nợ, cùng nhau hoạch định tiền chăm sóc ba mẹ hàng tháng, cùng nhau quyết định cho con học quốc tế hay trường thường, cùng nhau đồng tình việc phải cắt giảm chi tiêu và vượt qua khó khăn.

7. Có nhiều loại ngôn ngữ tình yêu thì cũng có nhiều loại ngôn ngữ về "tiền bạc". Tú không tiếc tiền khi đầu tư cho dàn máy tính, vợ Tú thì có vài chục đôi giày, mắt kính và đồ chơi chạy bộ - đó là ngôn ngữ tiêu tiền khác biệt nhưng điểm chung là 2 đứa không phán xét / chấp nhận sở thích của người kia và đồng tình với nhau những thứ chi tiêu mà cả 2 đều cho là "lãng phí".

8. Tú và vợ thì may mắn là chưa bị bế tắc khi giao tiếp về tài chính, cho tới giờ. Nhưng nếu các bạn gặp bế tắc khi trao đổi về vấn đề này, đừng ngần ngại tìm đến góc nhìn bên ngoài hoặc thậm chí chuyên gia tư vấn cặp đôi vì về bản chất thứ mọi người đang gặp có thể là không phải vấn đề tài chính mà là vấn đề giao tiếp và lòng tin, thứ này thì sâu thẳm hơn.

9. Học hỏi và nâng cao kiến thức tài chính cùng nhau: vợ chồng Tú đang cùng nhau bước vào giai đoạn học cách đầu tư đa dạng và có chu kỳ hơn và nâng cao kiến thức về tài chính một cách tổng thể. Mỗi người học tới đâu thì trao đổi và chia sẻ thêm cùng người kia.

www.facebook.com/story.php?story_fbid=

Theo Bui Quang Tinh Tu