Đầu tháng 10/2022, hai tỷ phú giàu nhất Việt Nam là Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng và chủ tịch NovaGroup đều có những giao dịch cổ phiếu trị giá lên đến cả chục nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên đây không phải là giao dịch bán ra bên ngoài mà là hoạt động góp vốn bằng cổ phiếu vào các công ty đầu tư riêng.
Theo đó, Phạm Nhật Vượng cũng có thông báo sẽ dùng 243 triệu cổ phiếu VIC – được định giá ở mức 16.200 tỷ đồng - thuộc sở hữu cá nhân để góp vốn vào pháp nhân mới là CTCP Quản lý và Đầu tư Bất động sản VMI.
Bên cạnh phần sở hữu trực tiếp của cá nhân, hiện phần lớn cổ phần của ông Vượng tại Vingroup được nắm giữ thông qua CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam.
Thực tế, việc nắm giữ cổ phần gián tiếp thông qua công ty riêng khá phổ biến ở cả thế giới và hầu hết các doanh nhân hàng đầu Việt Nam cũng đã chuyển đáng kể sở hữu cổ phần sang công ty riêng thay vì trực tiếp nắm giữ. Việc nắm giữ vốn đầu tư thông qua một pháp nhân có thể mang lại nhiều lợi ích trong việc quản lý khoản đầu tư.
Vợ chồng ông Bùi Thành Nhơn mới đây đã chuyển nhượng thêm một lượng đáng kể cổ phiếu NVL của Novaland sang cho CTCP Novagroup. Bên cạnh CTCP Novagroup đang nắm giữ 37% cổ phần Novaland, gia đình ông Nhơn còn sở hữu công ty Diamond Properties cũng đang cầm hơn 10% nữa.
Bộ đôi tỷ phú Hồ Hùng Anh – Nguyễn Đăng Quang gián tiếp kiểm soát Masan Group (MSN) thông qua CTCP Masan (Masan Corp) và Công ty Hoa Hướng Dương còn vợ chồng tỷ phú Trần Bá Dương sở hữu THACO thông qua Công ty Trân Oanh. Trên thực tế, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang chỉ sở hữu vỏn vẹn 18 cổ phiếu Masan Group.
Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo thành lập công ty Đầu tư Hướng Dương Sunny để nắm giữ phần lớn khoản đầu tư vào Vietjet. Bên cạnh đó, CTCP Sovico (Sovico Holdings) – công ty nòng cốt trong cơ nghiệp kinh doanh của nữ tỷ phú này cũng đầu tư lớn vào cả Vietjet và HDBank.
Trong khi đó, chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long là người hiếm hoi vẫn trực tiếp sở hữu toàn bộ số cổ phiếu của mình.
Nguồn: Nhuận Hoa/Nhịp sống thị trường