Người dân giảm mạnh gửi tiền vào ngân hàng

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng phương tiện thanh toán toàn nền kinh tế đạt hơn 12,6 triệu tỷ đồng vào cuối tháng 6, tăng 4,43% so với cuối năm 2020. Xét về quy mô, tổng cung tiền của nền kinh tế đã tăng thêm gần 537.100 tỷ đồng sau nửa đầu năm.

Trong đó, tiền gửi của cư dân ghi nhận ở mức 5,3 triệu tỷ đồng, tăng 2,94%. Đây là mức tăng trưởng nửa năm thấp nhất trong lịch sử dữ liệu thống kê được công bố. Tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt hơn 5,1 triệu tỷ đồng, tương đương tăng 4,78%.

z2721699729949-cde4a33feedf5748b2049b9f4322287a-1630300674.jpg
Nguồn: SBV

Diễn biến trên hoàn toàn trái ngược so với bình quân các năm trước, khi tăng trưởng tiền gửi của dân cư thường lớn hơn nhiều so với các tổ chức kinh tế. Đồng thời, tốc độ tăng trưởng huy động vốn chung của cả hệ thống thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng (6 tháng tăng 5,1%).

Theo báo cáo tài chính quý II/2021, một số ngân hàng đã ghi nhận tình trạng quy mô tiền gửi sụt giảm trong khi dư nợ cho vay vẫn tăng trưởng đều. 

Tại ABBank, số dư tiền gửi khách hàng tại ngày 30/6/2021 là 67.136 tỷ đồng, giảm hơn 5.300 tỷ so với đầu năm, tương đương giảm tới 7,4%. Trong khi đó, dư nợ cho vay khách hàng của ABBank vẫn tăng 5,9% trong nửa đầu năm và đạt trên 67.000 tỷ đồng, xấp xỉ với con số tiền gửi. 

Tương tự, tại SeABank, tiền gửi của khách hàng sụt giảm hơn 5.200 tỷ đồng, tương đương giảm 4,7% xuống còn 107.984 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021. Trong khi đó, dư nợ cho vay của nhà băng này vẫn ghi nhận tăng trưởng 2,5%, đạt 111.578 tỷ đồng. 

Tại NCB, huy động tiền gửi khách hàng sụt giảm 4% trong nửa đầu năm xuống 68.903 tỷ đồng, trong khi dư nợ cho vay khách hàng tăng 4% lên 41.740 tỷ. VietCapitalBank ghi nhận tiền gửi giảm 4%, trong khi cho vay tăng mạnh 11%. 

Một số nhà băng khác cũng ghi nhận tiền gửi sụt giảm như: Saigonbank (giảm 0,3%), PGBank (giảm 0,2%). 

Tiền đang chảy vào đâu?

Tăng trưởng tiền gửi thấp hơn nhiều so với cung tiền cho thấy một lượng lớn tiền đã được người dân nắm giữ trực tiếp dưới dạng tiền mặt hoặc chuyển sang các kênh đầu tư khác.

Theo giới phân tích, trong gian đoạn khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra, tiền gửi cá nhân xuống thấp là điều hiển nhiên. Bởi người dân rút tiền gửi nhằm đáp ứng cho nhu cầu chi phí đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, tình trạng lãi suất huy động ở mức thấp kỷ lục cũng góp phần thúc đẩy người dân rút tiền gửi, chuyển sang kênh đầu tư khác

Hiện lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dưới 6 tháng tối đa chỉ ở mức 4%/năm. Thậm chí, nhiều ngân hàng lớn niêm yết lãi suất kỳ hạn 1-5 tháng chỉ ở mức 3%/năm. Đối với kỳ hạn 12 tháng trở lên, lãi suất cao nhất là 7%/năm, thấp nhất là 5%/năm. Mức lãi suất trên sau khi khấu trừ lạm phát trở nên không còn sức hút đối với người gửi tiền.

Trong khi đó, nhiều kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản… nổi lên với khả năng sinh lời hấp dẫn.

Số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy 7 tháng đầu năm, thị trường ghi nhận gần 721.000 tài khoản cá nhân trong nước được mở mới. Con số này cao hơn tổng lượng tài khoản mở mới của cả năm 2020 và 2019 cộng lại.

Đây cũng là hệ quả của những hoạt động giãn cách xã hội, chu kỳ tiền rẻ và hiệu ứng truyền thông. Những điều này đã góp phần đưa TTCK Việt Nam trở thành một trong những thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ nhất khu vực trong gần nửa đầu 2021.

Ngoài chứng khoán, bất động sản cũng là kênh được nhiều người hướng tới khi lãi suất tiền gửi xuống thấp.

Bóc tách dư nợ được thống kê thông qua hệ thống ngân hàng thì kênh bất động sản vẫn đang là tài sản được người Việt phân bổ tỷ trọng tiền lớn nhất. Theo số liệu được TS. Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) công bố, tính đến hết quý I/2021, tín dụng vào bất động sản đạt 1,85 triệu tỷ, tăng 3%, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng trung bình chung toàn ngành và chiếm hơn 19,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Thực tế, sự sôi động của thị trường bất động sản và chứng khoán thể hiện rất rõ qua mức thuế mà 2 nhóm ngành này đóng góp vào ngân sách. Số liệu của Tổng cụ thuế cho biết, số thuế thu từ chuyển nhượng bất động sản trong 7 tháng đầu năm đã đạt gần 25.000 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ 2020. Trong khi số thu từ kinh doanh chứng khoán tăng gấp 2,47 lần, đạt trên 5.000 tỷ.