Ngành F&B nội địa hiện đang xôn xao với thông tin ông Đào Quang Vinh, chủ tịch Golden Gate vừa chuyển nhượng lượng cổ phần trị giá 32 triệu đô la Mỹ của mình.

Trước đó, Golden Gate cũng đã phát hành 493,7 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm với lãi suất cố định là 11,5%/năm. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo.

Năm 2020, doanh thu Golden Gate lần đầu sụt giảm mạnh, tương ứng lãi sau thuế giảm đến 80% chỉ còn 64,9 tỷ đồng. Tuy nhiên công ty vẫn tranh thủ mở rộng mạng lưới hoạt động với 386 nhà hàng tính đến cuối năm 2020, tăng 29 nhà hàng so với thời điểm đầu năm. 

thubmnail-web-1640514222.jpeg

Năm 2021 tiếp tục bị ảnh hưởng bởi đại dịch, lúc này Golden Gate đã chuyển đổi mô hình nhằm ứng phó, thúc đẩy doanh số online. Cụ thể là dịch vụ G – Delivery giao đồ ăn tại nhà, phát triển dòng sản phẩm Ready – to – eat mang thương hiệu Icook (đã sơ chế, cấp đông và đóng gói).

Golden Gate cho biết việc thị trường chung chịu tác động do đại dịch là điều không thể tránh khỏi, tuy nhiên từng thương hiệu và địa điểm kinh doanh sẽ có tốc độ phục hồi khác nhau.

Sau khủng hoảng nghiêm trọng từ các đợt dịch bùng phát, Golden Gate vẫn lạc quan về triển vọng phục hồi của ngành F&B trong thời gian tới.

“Đối tượng khách hàng của Golden Gate chủ yếu là dân văn phòng, gia đình có mức thu nhập từ trung bình trở lên. Đây là nhóm khách hàng có khả năng phục hồi tiêu dùng tương đối nhanh sau các làn sóng dịch bệnh,” đại diện Golden Gate cho hay.

Trên thực tế, tình hình lại không mấy khả quan. Theo CafeF, từ làn sóng COVID-19 thứ nhất, Golden Gate đã gặp phải tình trạng các ngân hàng từ chối cho vay thêm tiền. Mặt bằng của công ty chủ yếu đi thuê, không có nhiều bất động sản đảm bảo. Dù cho Chính phủ và các ngân hàng đã sớm đưa ra các gói hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng, nhưng việc tiếp cận nguồn tín dụng của Golden Gate vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong kinh doanh nhà hàng, nguồn vốn đặc biệt quan trọng để họ có thể duy trì hoạt động và thanh toán các khoản nợ.

Trong 2.171 tỷ đồng tổng tài sản tại thời điểm 31/12/2019, gần 700 tỷ đồng là chi phí trả trước dài hạn, tài sản cố định 170 tỷ đồng, các khoản phải thu dài hạn 166 tỷ đồng. Golden Gate có 489 tỷ đồng giá trị hàng tồn kho, các khoản phải thu ngắn hạn 216 tỷ đồng, và tiền mặt 280 tỷ đồng. Cơ cấu tài sản cố định trên tổng tài sản chiếm chưa đầy 8%. 

Golden Gate cũng sử dụng dịch vụ vay thấu chi tại các ngân hàng với tài sản đảm bảo là tài khoản tiền gửi có kỳ hạn của công ty này. Điều đó có nghĩa Golden Gate có thể vay số tiền vượt số tiền gửi hiện có phục vụ hoạt động kinh doanh, kỳ hạn dưới một năm, nhưng phải chịu lãi suất lớn hơn các khoản vay thông thường.

Trong năm vừa rồi, HĐQT Golden Gate phê duyệt hàng loạt phương án vay vốn tại các ngân hàng, có thể kể đến như VietcomBank, VPBank, MBBank, VIB.