CTCP Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) vừa có báo cáo giao dịch của người nội bộ và người liên quan đến nội bộ. Cụ thể, từ ngày 22-24/12/2021, ông Đào Thế Vinh đã chuyển nhượng 371.139 cổ phần Golden Gate theo hình thức thỏa thuận (tương đương 4,862% vốn điều lệ).

Theo chứng thư thẩm định giá ban hành ngày 30/8/2021, CTCP Định giá và Tư vấn Đầu tư Quốc tế định giá giá trị một cổ phần của Golden Gate là 1.953.359 đồng. Nếu tính theo mức giá này, số cổ phần mà ông Đào Thế Vinh vừa chuyển nhượng có giá trị khoảng 720 tỷ đồng (tương đương hơn 32 triệu USD).

Ông Đào Thế Vinh hiện đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Golden Gate. Ông Vinh từng sở hữu hơn 35% cổ phần Golden Gate tại thời điểm thành lập, nhưng sau đó giảm đáng kể khi xuất hiện một cổ đông tổ chức. Hồi năm 2019, ông Đào Thế Vinh từng được đề cử làm thành viên HĐQT độc lập của Thế Giới Di Động nhiệm kỳ 2019-2020.

golden-gate-1640510930.png
Ông Đào Thế Vinh hiện đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Golden Gate

Ngoài ông Đào Thế Vinh, 2 cổ đông sáng lập là ông Trần Việt Trung (Thành viên HĐQT) hiện sở hữu 4,43% cổ phần và ông Nguyễn Xuân Tường (Phó Tổng Giám đốc) sở hữu 3,98% cổ phần. Hơn 82,14% cổ phần của Golden Gate do 2 tổ chức nắm giữ là: CTCP Golden Gate Partners (nắm giữ 44,22%) và Prosperity Food Concepts Pte Ltd (nắm giữ 37,92%). Phần còn lại do các cổ đông nhỏ lẻ khác sở hữu.

Trong đó, CTCP Golden Gate Partners được thành lập từ tháng 6/2014, vốn có nhiều mối liên hệ với nhóm cổ đông sáng lập Golden Gate, hiện do ông Trần Việt Trung đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc; còn Prosperity Food Concepts Pte Ltd là một công ty được thành lập tại Singapore.

Trước đó vào ngày 29/11, Golden Gate đã phát hành 493,7 tỷ đồng trái phiếu. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 3 năm, lãi suất 11,5%, loại hình không chuyển đổi, không bao gồm chứng quyền và có tài sản đảm bảo.

Phần lớn trái phiếu được mua bởi 94 nhà đầu tư trong nước, bao gồm 89 nhà đầu tư cá nhân (301,4 tỷ đồng) và 5 nhà đầu tư tổ chức (192,3 tỷ đồng) dưới sự thu xếp của CTCP Chứng khoán Mirae Asset và Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam.

Với hơn 7,6 triệu cổ phần tính tại ngày 31/12/2020 và giá trị một cổ phần là 1.953.359 đồng, Golden Gate được định giá ở mức 14.845 tỷ đồng (tương đương hơn 650 triệu USD).

Về Golden Gate được thành lập vào năm 2005 với nhà hàng đầu tiên tại Hà Nội là nhà hàng lẩu nấm Ashima. Công ty hiện sở hữu hơn 22 thương hiệu cùng gần 400 nhà hàng đa phong cách trên 40 tỉnh thành, phục vụ 18 triệu lượt khách hàng mỗi năm.

golden-gate-4-1640510929.jpg
Lẩu băng chuyền Kichi-Kichi - một trong các thương hiệu của Golden Gate

Có thể nói sự phát triển lớn mạnh của Golden Gate hiện nay có phần đóng góp không nhỏ của ông Đào Thế Vinh. Cuối năm 2005, ông bắt đầu mở nhà hàng lẩu nấm Ashima đầu tiên tại Hà Nội và một năm sau mở tại TP.HCM. Cơ duyên quyết định mở nhà hàng lẩu nấm đến với ông Vinh nhờ một chuyến đi Shangrila (Trung Quốc). Lần đầu tiên, ông Vinh được nếm thử món lẩu nấm đặc sản ở đây. Vị ngọt thanh nhẹ của nước dùng kết hợp với các loại nấm bổ dưỡng đã làm cho ông Vinh quyết định mở nhà hàng lẩu nấm tại Hà Nội với tên Ashima.

Tuy nhiên, Golden Gate chỉ thực sự tăng trưởng nhanh khi ra mắt hai thương hiệu là lẩu băng chuyền Kichi-Kichi và SumoBBQ. Sau đó, công ty đã phát triển nhanh chóng và nâng số nhà hàng hiện nay lên gần 400 với nhiều thương hiệu nổi tiếng như Gogi House, Hutong, Manwah… và được mệnh danh là "ông trùm" trong lĩnh vực kinh doanh chuỗi nhà hàng ở Việt Nam.