bia-hoi-vuvuzela-cua-golden-gate-1630729241.jpg

Mới đây, có thông tin, CTCP Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) dự kiến chào bán riêng 700 tỉ đồng trái phiếu mã GDGCH2124001 từ ngày 6/9 – 16/9/2021.

Lô trái phiếu này có kỳ hạn 3 năm, lãi suất 11,5%, loại hình không chuyển đổi, không bao gồm chứng quyền và được bảo đảm bằng cổ phần của Golden Gate (tối thiểu tương đương 160% tổng khoản gốc của trái phiếu lưu hành).

Số tiền huy động được sẽ được Golden Gate dùng để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư và tăng quy mô vốn hoạt động.

Động thái huy động vốn qua kênh trái phiếu của Golden Gate gây nhiều chú ý. Bởi lẽ, trong hai năm gần nhất, công ty này không phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn vay.

Cụ thể, tính đến cuối năm 2020, dư nợ vay (ngắn hạn và dài hạn) của công ty này chỉ chiếm 19,7% tổng nguồn vốn. Trong khi đó, sau nhiều năm kinh doanh có lãi, Golden Gate đã tích trữ được 1.227,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (tại ngày 31/12/2020), cao gấp nhiều lần quy mô vốn điều lệ.

Ngoài ra, theo giới chuyên môn, đây mới chỉ là phương án phát hành trái phiếu doanh nghiệp đợt 1 năm 2021 của Golden Gate. Khả năng ‘ông trùm’ chuỗi nhà hàng tại Việt Nam sẽ còn thực hiện thêm các đợt phát hành khác.

Covid-19 đã khiến họ không thể nói không với chuyện vay mượn. Năm ngoái, lần đầu tiên, Golden Gate đã gặp phải tình trạng các ngân hàng từ chối cho vay thêm tiền; bởi, hầu hết mặt bằng của công ty chủ yếu đi thuê, không có nhiều bất động sản đảm bảo.

Golden Gate từng là tường thành của giới F&B Việt

screen-shot-2021-09-03-at-110644-pm-1630686050.png
Doanh thu và lợi nhuận của Golden Gate đến năm 2020.

Trong khoảng từ năm 2013 đến 2019, Golden Gate chính là ‘mặt trời ban trưa’ ở thị trường chuỗi F&B Việt, cứ mỗi năm họ tăng trưởng 2 chữ số - doanh thu tăng thêm từ 600 từ đến 800 tỷ/năm, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế lại không tăng trưởng đột biến – chỉ tăng vài chục tỷ mỗi năm.

Từ doanh thu 505 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 78 tỷ đồng năm 2013, lũy kế đến năm 2019, doanh thu của họ đạt 4.776 tỷ và lợi nhuận sau thuế 321 tỷ đồng – cao nhất trong lịch sử, tăng trưởng khoảng 20% so với năm 2018. Số lượng nhà hàng của họ vào khoảng 356 cửa hàng, 15.870 nhân viên.

Không chỉ về doanh thu, những thương hiệu họ sáng tạo ra dựa trên sự vay mượn ý tưởng và concept của các nền ẩm thực châu Âu và châu Á như Vuvuzela, Gogi House, Ashima, Sumo, Kichi-Kichi, Ba Con Cừu…; đã dẫn dắt thị trường ẩm thực Việt, tạo cảm hứng để các doanh chủ khác làm theo.

Covid-19 là đòn đánh trực diện và đau đớn với Golden Gate

Tuy nhiên, đời không như là mơ, đang lâng lâng trên đỉnh thì Covid-19 ập đến và khiến ‘ông lớn’ F&B này trở tay không kịp.

Những thế mạnh 1 thời của Golden Gate: đứng vị trí số 1 trong phân khúc ẩm thực trung và cao cấp, đề cao sự trải nghiệm của khách hàng khi tập trung vào thiết kế nhà hàng và chất lượng phục vụ, nói không với dịch vụ giao hàng tận nơi cũng như các nền tảng giao nhận như Grab, Now (Shopee Food) hay Beamin; trở thành điểm yếu của họ trong các giai đoạn giãn cách bởi cao trào Covid-19.

Số lượng lớn nhà hàng ở những vị trí đắt địa cộng với lượng nhân lực lớn tạo gánh nặng lên dòng tiền của doanh nghiệp này, trong khi họ không có sẵn sản phẩm – dịch vụ và cả nền tảng để phục vụ cho việc bán hàng delivery.

vuvuzela-1630686050.jpg
Golden Gate đã đóng cửa vĩnh viễn thương hiệu Vuvuzela ở thị trường miền Nam trong năm 2020.

Trong khi nhiều đồng nghiệp nhỏ gọn và ở phân khúc khác, chuyển sang bán online trong 1 nốt nhạc, thì Golden Gate phải bắt đầu mày mò xây dựng lại từ đầu. Sự chuyển dịch chậm chạp đã khiến tất cả các chỉ tiêu kinh doanh của họ lao dốc trong năm 2020.

Năm ngoái, doanh thu thuần của Golden Gate xấp xỉ 4.560 tỷ đồng, giảm khoảng 5%; lãi sau thuế đạt 65 tỷ đồng, giảm gần 5 lần so với 2019. Theo đó,  chi phí bán hàng gồm nhân công, thuê mặt bằng, sửa chữa nhà hàng... và chi phí quản lý doanh nghiệp tiếp tục ăn mòn phần lớn lợi nhuận. Chi phí thuê cửa hàng năm 2020 lên gần 533 tỷ đồng; tính trung bình mỗi ngày, Golden Gate phải chi trả gần 1,5 tỷ đồng tiền mặt bằng.

Cụ thể hơn, dịch bệnh khiến doanh thu của Golden Gate sụt giảm nhanh từ cuối tháng 2/2020 đến khi toàn hệ thống đóng cửa vào cuối tháng 3 và tháng 4 theo lệnh giãn cách xã hội. Ngoài ra, họ đã quyết định đóng xóa sổ thương hiệu từng tạo nên danh tiếng của mình là Vuvuzela ở thị trường miền Nam.

Golden Gate tiếp tục hồi phục chậm chạp trong năm 2021

Sau 1,5 năm mày mò chuyển đổi, Golden Gate cũng đã có được một vài thành tựu nhất định trong việc đối phó với Covid-19. Tập đoàn vừa cho ra mắt nền tảng giao hàng G-Delivery, hợp tác cùng Grab Food, Now, Baemin để tạo ra sự thuận tiện với khách hàng.

Chúng tôi đã áp dụng mô hình giao hàng tận nơi kèm theo các chương trình khuyến mại, kết hợp các biện pháp đồng bộ như: Phục vụ tại nhà, xây dựng mô hình bếp trung tâm... Những chuyển đổi này mang lại hiệu quả doanh thu cho tập đoàn khá tốt. Và từ khi chuyển sang kinh doanh trực tuyến qua nền tảng G-Delivery, độ hiện diện thương hiệu của chúng tôi đã phủ sóng đáng kể hơn trước đây.

G-Delivery là hình thức giao các sản phẩm Ready-to-eat với các combo nướng lẩu dành cho 2-4 người, các món ăn được chế biến sẵn đúng chuẩn hương vị Gogi House, Cowboy Jack’s, iSushi, Daruma, Yutang... Đặc biệt, khách hàng có thể mượn bếp nướng hay lẩu miễn phí, vô cùng thuận tiện dù đặt hàng ở bất cứ đâu.

vinh-dao-golden-gate-trade-and-service-1630686050.png
Ông Đào Thế Vinh - Tổng Giám đốc Golden Gate

Đội ngũ nhân viên luôn được đào tạo thích ứng với sự chuyển đổi này, đảm bảo mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách. Khi sản phẩm được giao, một chiếc thank you note (mẩu giấy nhỏ ghi lời cảm ơn) sẽ được chúng tôi chuẩn bị để gửi tới khách hàng.

Bên cạnh G-Delivery, Icook là sản phẩm của Golden Gate đóng gói và phân phối rộng rãi trên các hệ thống siêu thị như Big C, VinMart. Đây là dòng sản phẩm sơ chế, cấp đông và đóng gói của chuỗi nhà hàng Sumo Yakiniku, Kichi Kichi, Ashima, GoGi House,...

Với mạng lưới phân phối toàn miền Bắc, khách hàng có thể mua sản phẩm tại các hệ thống siêu thị như Vinmart+, Vinmart và đặt hàng dễ dàng trên các sàn TMĐT Tiki, VinID, ShopeeFood, GrabMart, Lazada. Tôi cũng kỳ vọng doanh thu mảng sản phẩm Ready to Cook của Icook sẽ đạt mức 3.000 tỷ trong 5 năm tới.

Ngoài ra, chúng tôi còn có Siêu thị Lẩu Online chuyên dành cho các tín đồ ẩm thực yêu lẩu. Đây là kênh phân phối đặc biệt được triển khai tại TP. HCM. Khách hàng sẽ được chọn thoải mái hàng trăm món nhúng cùng các hương vị lẩu nổi tiếng đến từ các thương hiệu như: Manwah, Kichi, Hutong, Ashima”, ông Đào Thế Vinh - Tổng Giám đốc Golden Gate chia sẻ về những gì mà doanh nghiệp mình đã làm được trên VnExpress.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Golden Gate ghi nhận tín hiệu tích cực với doanh thu tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Họ cũng mở mới thêm 49 nhà hàng, cho ra mắt các thương hiệu mới như iPho, Itacho Steak... Hiện họ có khoảng 400 nhà hàng trên toàn quốc. Khách hàng The Golden Spoon, Loyalty tiếp tục tăng trưởng 115%.

golden-gate-1630686050.jpg
Những sản phẩm mới của Golden Gate sau 1,5 năm 'chiến đấu' cùng Covid-19.

“Năm 2021, từ khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, chuỗi nhà hàng của chúng tôi tiếp tục đóng cửa. Tâm lý khách hàng luôn thận trọng, thu nhập của họ cũng giảm dẫn đến sức mua đi xuống. Tất cả điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của Tập đoàn.

Làn sóng dịch bệnh thứ 4 chắc chắn ảnh hưởng mạnh đến kết quả kinh doanh năm 2021 của Golden Gate. Đây là một biến cố mang tính sàng lọc tự nhiên đối với ngành F&B. Có thể thấy, nhiều chủ kinh doanh đã phải rời bỏ ngành.

Như thuyết Darwin từng nói, không phải là loài mạnh nhất hay thông minh nhất mà là loài có khả năng thích nghi tốt nhất sẽ sống sót. Golden Gate đã chứng minh được khả năng thích nghi của mình trong một ngành dịch vụ dễ bị tổn thương”, Tổng Giám đốc Golden Gate nhận định.

Tuy nhiên, với những diễn biến vô cùng căng thẳng của dịch bệnh kể từ tháng 7 tại TP.HCM và Hà Nội, doanh thu - lợi nhuận trong nửa năm còn lại của Golden Gate nhiều khả năng sẽ khá tệ. Dự đoán năm 2021 sẽ tiếp tục là một năm buồn với 'người khổng lồ' này.