Ông Bernard Lawrence Madoff (1938 – 2021) là một nhà tài phiệt đầy quyền lực, một biểu tượng tài chính, chứng khoán của nước Mỹ, có ảnh hưởng lớn và được nhiều người kính trọng. Nhưng chính ông cũng là tác giả của vụ lừa đảo tài chính lên đến 64.8 tỷ đô la Mỹ bị phát hiện vào năm 2008. Đây là vụ lừa đảo tài chính có quy mô lớn nhất, hại nhiều người nhất, tàn khốc nhất thế giới cho đến hiện nay.

327613972-677786844087068-9004858910856547423-n-1675133152.jpg
 

Bài này tóm tắt câu chuyện lừa đảo của ông Bernard Madoff, cũng như tìm cách lý giải tại sao ông Bernard Madoff có thể lừa được nhiều tổ chức, nhiều người thông minh, giàu có trong suốt 40 năm, với những số tiền lớn như vậy.

TÓM TẮT VỀ VỤ LỪA ĐẢO CỦA BERNIE MADOFF

Sinh năm 1938 tại quận Queens, thành phố New York, ông Madoff là con trai trong một gia đình gốc Do Thái, di cư từ Đông Âu sang. Cha của Madoff bươn chải, kinh doanh nhiều nghề để nuôi gia đình. Ám ảnh bởi sự thất bại của người cha, từ thời trẻ, Madoff đã luôn mong muốn mình sẽ thành công nhanh, thành công vang dội.

Năm 1960, Madoff tốt nghiệp Đại học Hofstra, sau đó theo học Trường Luật Brooklyn một thời gian ngắn trước khi bỏ ngang. Cùng năm đó, ông ta thành lập công ty đầu tư chứng khoán Bernard L. Madoff Investment Securities (BMIS) bằng 5,000 USD ông tiết kiệm được từ việc làm nhân viên cứu hộ và lắp đặt hệ thống phun nước, cùng với 50,000 USD tiền vay từ bố vợ là một chuyên gia kế toán thành đạt. Văn phòng của công ty nhỏ này cũng do bố vợ tài trợ. Sau đó, vài năm, ông đổi văn phòng qua tòa nhà 110 Wallstreet và từ năm 1987 ông chuyển văn phòng đến tòa nhà hiện đại hàng đầu New York, Lipstick Building tại 885 3rd Avenue.

Công ty BMIS mua bán, môi giới chứng khoán, làm Market Maker cho cổ phiếu vốn hóa nhỏ trên thị trường OTC. Trong những năm 60, 70 mọi giao dịch cổ phiếu OTC (cổ phiếu không niêm yết trên sàn chứng khoán), đều được thực hiện bằng tay, và tốn rất nhiều thời gian. Madoff đã có công vi tính hóa (computerized) giao dịch chứng khoán OTC, giúp cắt ngắn thời gian giao dịch, rất tiện lợi cho những giao dịch lớn của các quỹ nhà đầu tư lớn. Những cải tiến của Madoff về vi tính hóa giao dịch chứng khoán, và phương thức trả hoa hồng theo phương thức “Payment for Order Flow (PFOF)” đã đóng vai trò quan trọng cho nền tảng phát triển của sàn chứng khoán NASDAQ, sàn niêm yết những cổ phiếu vô danh, cổ phiếu của những startup, doanh nghiệp dotcom, doanh nghiệp số không đủ tiêu chuẩn niêm yết trên sàn NYSE.

Không chỉ thế, ông Madoff đã có công giúp NASDAQ trở thành sàn chứng khoán có lượng giao dịch hàng đầu thế giới, với các nỗ lực xây dựng lợi thế cạnh tranh và gia tăng sức ảnh hưởng của sàn này trong giai đoạn từ năm 1970 đến 1980. Sàn NASDAQ là nơi niêm yết những mã cổ phiếu hàng đầu như Apple, Google, Microsoft, Amazon, Facebook…

Với những đóng góp đó, ông Madoff được bổ nhiệm là chủ tịch NASDAQ trong các năm 1990, 1991 and 1993. Ông cũng là thành viên của Ủy Ban tư vấn thuộc Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC advisory committe), và có vị trí trong nhiều hiệp hội, tổ chức uy tín. Ông là một nhân vật đáng tin cậy trong con mắt giới đầu tư cũng như các cơ quan quản lý.

Với sự phát triển của thị trường chứng khoán, công việc kinh doanh (hợp pháp) của Madoff rất thành công. Vào những năm 80, 90, hoạt động môi giới của Madoff đem lại khá nhiều tiền cho ông và được đánh giá là có ảnh hưởng và uy tín trong thị trường. Doanh nghiệp của ông chiếm chị phần lớn nhất trong thị trường giao dịch cổ phiếu NASDAQ và chiếm thứ sáu trong thị trường giao dịch các cổ phiếu thuộc chỉ số S&P 500.

Song song với việc kinh doanh hợp pháp là môi giới chứng khoán tại tầng 19, ông Madoff còn tiến hành kinh doanh quản lý tài sản (Asset Management) cho khách hàng, tại văn phòng bí mật đặt tại tầng 17.

Nói bất hợp pháp, là vì ông Madoff chưa bao giờ đăng ký nghiệp vụ quản lý tài sản, hay đầu tư ủy thác với Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC).

Chính cái nhánh kinh doanh bất hợp pháp này mới là nơi ông thực hiện sự lừa đảo các nhà đầu tư theo mô hình Ponzi. Ông nhận tiền của rất nhiều khách hàng: quỹ đầu tư, quỹ của các tổ chức, nhà đầu tư lớn, người giàu, người trung lưu, người về hưu… với lời hứa là sẽ đầu tư sinh lãi đều đặn cho họ. Thế nhưng ông chưa bao giờ mua hay bán chứng khoán từ số tiền mà khách hàng đã gởi vào quỹ. Ông dùng tiền của người đầu tư sau để trả cho người đầu tư trước. Cách ông làm giống như mô hình Ponzi: lấy tiền của Peter trả cho Paul. Bởi vì rất nhiều người tin ông, nên nhà đầu tư mới và tiền mới cứ tiếp tục chạy vào quỹ của ông. Và cứ thế ông dùng tiền gốc của nhà đầu tư để trả lãi cho chính họ, dùng tiền của nhà đầu tư mới trả cho nhà đầu tư cũ khi họ muốn rút vốn.

Cho đến trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, hệ thống lừa đảo này của ông Madoff vẫn chạy đều và thu hút tổng cộng 19 tỷ tiền mặt USD của các nhà đầu tư. Theo thời gian số tiền này, sinh lãi tạo ra con số 64.8 tỷ đô la Mỹ.

Vào tháng 9, 10 năm 2008, khủng hoảng tài chính bùng nổ, giá chứng khoán xuống không phanh. Nhà đầu tư hoảng loạn và họ bắt đầu rút tiền ra từ các sản phẩm tài chính. Nhiều khách hàng của Madoff cũng cần tiền mặt và muốn rút ra. Cuối tháng 11/2008, tổng số tiền mà khách hàng muốn rút là 1.5 tỷ USD, trong khi toàn bộ quỹ của ông chỉ còn 300 triệu đô la Mỹ. Madoff gọi cho những nhà đầu tư thân hữu và xoay sở mọi cách nhưng cũng không thể ra tiền để có thể trả cho khách hàng như mọi khi.

Ngày 2/12/2008, Madoff bó tay, tự thừa nhận sự sụp đổ của hệ thống lừa đảo tinh vi của mình. Ông muốn thực hiện hành động cuối cùng: dùng số tiền 300 triệu còn lại để trả thưởng cuối năm cho người nhà, những nhân viên thân tín, và trả lại cho những khách hàng thân thiết. Mark và Andy, hai người con trai, của ông rất ngạc nhiên với kế hoạch trả thưởng sớm cuối năm này, mặc dù họ là người được thừa hưởng. Cuối cùng Madoff đưa hai người con về nhà và tiết lộ sự thật. Mark và Andy đã rất shock và tột cùng đau khổ. Ngay sau đó, họ bắt buộc phải làm theo lời tư vấn của luật sư, đó là thông báo với cơ quan chức trách về hành vi lừa đảo này của người cha. Vì nếu không thì họ cũng bị tội đồng lõa, không khai báo. Thế là toàn bộ sự việc được đưa ra ánh sáng.

Tội ác của Madoff làm tan vỡ nhiều tổ chức từ thiện, các qũy đầu tư; cướp đi tài sản, hủy hoại cuộc sống của hàng chục ngàn nạn nhân tại Mỹ và Châu Âu. Madoff bị căm ghét đến mức phải mặc áo chống đạn ra tòa sau khi thừa nhận tội ác của mình. Tội ác này còn hủy hoại chính gia đình ông. Mark Madoff, con trai trưởng của ông đã tự sát vào năm 2010, 2 năm sau khi Bennie Madoff bị bắt. Andrew Madoff, con trai thứ, vốn đã chiến thắng được bệnh ung thư, nhưng sau sự việc khủng khiếp này, đã buông tay không tiếp tục chiến đấu với bệnh ung thư, và cũng chết vào năm 2014. Ruth Madoff từ một phu nhân của doanh nhân tỷ phú thành đạt, với một cuộc sống xa hoa, với những hoạt động từ thiện, trở thành người trắng tay, và sống một mình, bị biệt lập với phần còn lại của gia đình. Năm 2021, khi Bernie Madoof bị tử vong trong tù, không ai trong gia đình của ông, muốn nhận tro của ông về nhà.

NHỮNG CÂU HỎI TẠI SAO VỀ VỤ LỪA ĐẢO CỦA BERNIE MADOFF

Vụ lừa đảo quy mô lớn và kéo dài 40 năm của Bernie Madoff đã gây ngạc nhiên cho giới giầu tư, chuyên gia tài chính. Dưới đây là những câu hỏi, những thắc mắc của nhiều người về vụ lừa đảo Bernie Madoff

** Tại sao giữa thế kỹ 20, mà những quỹ đầu tư, những tay tài phiệt, những người giàu có, và rất nhiều người giai cấp trung lưu, tức là những người có học thức, hiểu biết về tài chính, lại có thể tin rằng quỹ đầu tư của ông Bernard Madoff có rủi ro bằng 0, và đạt lợi nhuận dương đều đặn. Tại sao họ lại tin rằng vào điều đi ngược lại với mọi nguyên lý về tài chính?

** Tại sao họ, những người khôn ngoan, biết làm ra nhiều tiền, lại có thể tin ông Bernard Madoff đến mức dồn hết tiền của bản thân, của gia đình, của dòng họ vào một chỗ. Tại sao họ tin ông Bernard Madoff đến mức mà họ không cần đa dạng hóa rủi ro?

** Tại sao, một tổ chức đầu tư lừa đảo với số tiền lớn như vậy, có thể kéo đến 40 năm, mà Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ SEC và các tổ chức liên quan khác không phát hiện ra? Nếu không có cuộc khủng hoảng 2008, thì cuộc lừa đảo này có thể vẫn sẽ vẫn còn kéo dài hơn, và làm thiệt hại nhiều người hơn.

LÝ GIẢI NHỮNG CÂU HỎI TẠI SAO VỀ VỤ LỪA ĐẢO CỦA BERNIE MADOFF

Từ năm 2008 đến nay, đã có nhiều bài viết, nhiều phóng sự mô tả và phân tích về câu chuyện lừa đảo của ông Bernard Madoff.

Trong đó có bộ phim tài liệu “Madoff – quái vật của phố Wall” do Netflix thực hiện năm 2022, và trình chiếu vào tháng 1/2023, được IMDB đánh giá 7.3/ 10 một điểm số khá cao.

Với một kịch bản trên cả tuyệt vời, những chi tiết đắt giá và sự tham gia phỏng vấn của những người liên quan: nhân viên ông Bernard Madoff, nạn nhân, nhà báo…bộ phim đã cung cấp cho người đọc một cái nhìn tổng quan, toàn diện và các chi tiết góc cạnh của vụ lừa đảo Bernard Madoff.

Dưới đây là những lý giải mà tôi rút ra được sau khi đọc khá nhiều bài và đặc biệt là sau khi xem xong bộ phim Netflix “Madoff: the Monster of Wall Street" (quái vật của phố Wall)

** Ông xây dựng được niềm tin từ người khác nhờ xây dựng hình ảnh bản thân quá ấn tượng.

Ông Bernie Madoff là một biểu tượng hoàn hảo của một chuyên gia tài chính tự tay dựng cơ đồ trong thị trường tài chính Mỹ. Ông là chủ một công ty môi giới thành công hàng đầu, là chủ tịch sàn chứng khoán NASDAQ, là thành viên của Ủy Ban tư vấn thuộc Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC advisory). Ông còn tham gia nhiều hiệp hội, tổ chức uy tín và tham gia làm từ thiện khá nhiều.

Ông có một gia đình hạnh phúc và cực kỳ giàu có. Ông có căn hộ trị giá 7 triệu USD ở Manhattan, một bất động sản trị giá 11 triệu USD ở Palm Beach, Florida và một ngôi nhà trị giá 4 triệu USD ở Long Island. Ngoài ra ông cũng có một ngôi nhà ở miền Nam nước Pháp, máy bay và du thuyền riêng.

Còn hình tượng cá nhân nào có thể thuyết phục hơn nữa?

** Ông xây dựng được niềm tin từ người khác nhờ luôn giữ lời hứa của mình. Ông đã giữ lời hứa để tạo niềm tin, để cất một mẻ lưới lớn.

Vào những năm đầu 60, khi đó Madoff có một số ít khách hàng tham gia quỹ đầu tư của mình, và Madoff đầu tư vào những cổ phiếu có tính đầu cơ (lợi nhuận cao, rủi ro cao). Tháng 5/1962, toàn bộ số tiền 30,000 USD của khách hàng bị mất hẳn. Thay vì thông báo với khách sự thật và chấp nhận thua cuộc, Madoff đã chọn phương pháp bù tiền cho khách. Ông đã mượn của bố vợ 30,000 USD để trả lại cho khách. Vì thế khách hàng lại càng tin vào khả năng của Bernie là không làm mất tiền nhà đầu tư, và luôn có lợi nhuận.

Công ty môi giới của Madoff làm Market Maker – nhà tạo lập thị trường các cổ phiếu OTC. Công việc và cũng là trách nhiệm của Market Maker là: cứ có lệnh bán cổ phiếu của khách hàng thì Market Maker phải mua, và có lệnh mua cổ phiếu của khách hàng thì Market Maker phải bán.

Tuy vậy, vào những giai đoạn thị trường rớt mạnh, chẳng hạn như năm 1987, lệnh bán tràn đầy thị trường, các Market Maker khác không nghe điện thoại của khách, không mua lệnh bán của khách, thì công ty của Madoff vẫn nghe điện thoại và vẫn mua như bình thường. Việc này làm tăng uy tín của Madoff lên rất cao.

** Ông xây dựng được niềm tin từ khách hàng nhờ làm giả một cách tinh vi báo cáo giao dịch định kỳ cho khách hàng.

Quỹ lừa đảo của Madoff không đầu tư, không mua không bán một cổ phiếu nào, nhưng vẫn gởi báo cáo đầy đủ cho khách hàng. Nguyên tầng 17 của tòa nhà Lipstick được thiết kế để in ấn những báo cáo này. Nhân viên của Madoff, dựa vào kết quả giao dịch quá khứ, làm giả báo cáo giao dịch định kỳ cho từng khách hàng. Khách hàng nhận báo cáo lợi nhuận đều đặn nên rất tin vào Madoff.

(Ghi chú: Khách hàng sập bẫy trái phiếu doanh nghiệp từ SCB cũng vì niềm tin. Họ vốn tin tuyệt đối vào ngân hàng, nhân viên ngân hàng nên khi nghe tiết kiệm linh hoạt thì cứ thế mà ký HĐ, và dính bẫy thôi)

** Nhánh kinh doanh môi giới thì Madoff thì ông công khai, vì đó là tên tuổi của ông. Nhưng nhánh quản lý tài sản, ủy thác đầu tư thì ông không bao giờ công khai quảng bá. Chiến thuận của ông là khiến cho khách hàng phải tò mò, phải tự tìm hiểu về quỹ đầu tư Madoff, và xin được tham gia quỹ là một đặc ân, một quyền lợi lớn của khách hàng.

Khi mới thành lập, ông nhờ bố vợ giới thiệu khách hàng. Sau đó ông sử dụng công ty kế toán A&B như là một fund feeder để đưa khách hàng về. Kế đó, ông nhờ tên tuổi của khách hàng lớn: quỹ đầu tư (hedge fund) uy tín Fairfield Greenwich để thu hút nhiều khách hàng toàn cầu. Ông có nhiều đối tác mạnh giúp ông phát triển, thu hút nhà đầu tư. Một trong những người đó là bà Sonja Kohn, người có ảnh hưởng lớn đối với các hoàng gia, quỹ đầu tư và người giàu tại châu Âu. Một điều hết sức lạ lùng là bà Sonja Kohn tuy làm việc với ông một thời gian dài, rất thân thiết với, nhưng hề nhận ra ông Madoff đang lừa dối khách hàng. Có thể nói hầu hết những khách hàng siêu giàu có từ các nước ở châu Âu là do sự quảng bá, thu hút của bà Sonja Kohn.

Madoff xây dựng hệ thống khách hàng ngầm, và theo kiểu đồn nhau “Word of mouth”. Có những thời điểm, Madoff không nhận khách hàng, vì số vốn của họ không lớn, và cũng để tạo ra hiệu ứng “được Madoff nhận tiền để đầu tư là một đặc ân”. Bà Elie Wiesel, một nạn nhân bị chiếm đoạt số tiền 15,2 triệu USD cho biết, Madoff đã tạo ra “một huyền thoại xung quanh ông ta khiến mọi thứ đều trở nên đặc biệt, độc nhất và tất cả được giữ bí mật”.

Nhờ hình ảnh của mình, và nhờ chiến thuật trên, ông Madoff đã thu hút một số lượng lớn khách hàng đầu tư tận tụy, từ những người nghỉ hưu ở Florida đến những người giàu có và nổi tiếng, trong đó có đạo diễn Steven Spielberg, diễn viên Kevin Bacon, Fred Wilpon - ông chủ đội bóng chày New York Mets và Elie Wiesel - người đoạt giải Nobel Hòa Bình.

** Ông có những khách hàng “tương kế tựu kế”. Họ âm thầm đồng lõa, giúp ông duy trì hệ thống, và họ kiếm tiền trên hệ thống của ông.

Madoff có 4 khách hàng lớn, gạo cội là: Jeffry Picower, Carl Shapiro, Norman Levy, Stanley Chais. Có nhiều nghi ngờ cho rằng những khách hàng này đã tương kế tựu kế để trục lợi từ hệ thống.

Trong đó, người có biểu hiện rõ ràng nhất, và chính Madoff cũng khẳng định, đó là ông Jeffry Picower. Ông này đã đầu tư hàng tỷ vào Madoff, và sẵn sàng bơm tiền vào quỹ của Madoff mỗi khi quỹ Madoff đối diện với rủi ro thanh khoản. Ngược lại ông cũng hưởng lợi hàng chục tỷ USD từ lừa đảo của Bernie. Bộ phim nhấn mạnh, chính Jeffry Picower mới là người hưởng lợi nhiều nhất từ chương trình lừa đảo Madoff, hơn cả người tạo ra hệ thống đó.

(Chúng ta hãy quan sát, mỗi khi có một dự án lừa đảo tài chính kiểu Ponzi, lãi suất cao. Thì sẽ có một đội ngũ ăn theo, Họ PR dự án mạnh mẽ và phát triển downline, nhóm khách hàng kế tiếp. Nhóm này biết rõ dự án lừa đảo, nhưng đầu tư sớm và thoát sớm để kiếm lợi nhuận).

** Sản phẩm tốt, nhưng không quá tốt. Ông Madoff không hứa hẹn tỷ suất lợi nhuận đến 30%/năm, 50%/năm hay 100%/ năm như ông Ponzi, hay các dự án lừa đảo kiểu đèn thần MyAladin, Skyway…vì với mức lời cao ngất ngưởng đó, các quỹ đầu tư, những người khôn ngoan sẽ không bao giờ đầu tư vào.

Ông Madoff rất khôn ngoan, ông chỉ cam kết ở mức 9% - 15%/năm, mức mà các quỹ đầu tư tốt có thể đạt được.

Điều hấp dẫn là ông đảm bảo năm nào cũng có lợi nhuận, và mức lợi đều đặn. Việc này không đúng với nguyên tắc cơ bản về đầu tư. Đầu tư có lợi nhuận đều đặn thì có mức lãi suất thấp (trái phiếu chính phủ chẳn hạn). Đầu tư có mức lãi suất cao thì phải chấp nhận năm có lợi nhuận thấp, năm có lợi nhuận cao, năm âm năm dương. Việc cam đoan lợi nhuận đều đặn ở mức 9% - 15%/năm là không thể nào xảy ra.

Tuy vậy, các nhà đầu tư, đã quá tin tưởng và uy tín và khả năng của Madoff nên đã bị mờ mắt bởi anh hào quang. Và khi đã bắt đầu tin, thì họ trở nên tham. 9% - 15%/năm đều đặn một năm là một deal quá tốt. Vì thế họ dồn tiền vào cho Madoff.

(Ghi chú: trái phiếu doanh nghiệp tại SCB cũng chơi chiêu này. Họ không hứa lãi suất 13% - 15% / năm như các trái phiếu doanh nghiệp ma khác. Họ chỉ hứa ở mức 8.5% - 9.5%/năm, cao hơn ngân hàng vài phần trăm, vừa đủ để kích tích lòng tham, nhưng không làm khách hàng nghi ngờ)

** Sự yếu kém và tắc trách của cơ quan quản lý: Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC)

SEC đã nhận được hàng chục lần đơn tố cáo về hoạt động quản lý đầu tư mờ ám, mang tính lừa đảo của Madoff. SEC đã tiến hành 8 lần điều tra, nhưng đã không phát hiện rằng: Madoff không có giấy phép kinh doanh ngành quản lý tài sản, ủy thác đầu tư, và không phát hiện sự gian dối, lừa đảo của Madoff.

Thật khó mà có thể lý giải tại sao.

Có thể do hiệu ứng hào quang của Madoff, và sự chuẩn bị những báo cáo giả của Madoff quá hoàn thiện nên SEC đã không tìm ra sự thật.

Sự thất bại của SEC đã tạo ra hiệu quả ngược. Nhà đầu tư lại càng tin Madoff.

Trước tòa Madoff có nói rằng SEC làm nhiều thứ, nhưng việc quan trọng và dễ làm nhất là đối chiếu số lượng và danh sách cổ phiếu trong báo cáo của Madoff với danh sách tại Depository Trust Company (kiểu như Trung tâm lưu ký chứng khoán) thì SEC lại không làm.

Trong các phiên điều trần, SEC đã bị quốc hội Mỹ dập “tơi tả” vì không làm trọn nhiệm vụ canh gác lừa đảo, bảo vệ Nhà đầu tư. Thế nhưng cuối cùng, chỉ có 6 nhân viên của SEC bị khiển trách, mà không có ai phải đi tù.

Tiền của nhà đầu tư thì đã mất.

** Sự làm ngơ, vô trách nhiệm của ngân hàng JPMorgan Chase Bank

Tài khoản thanh toán của Madoff tại ngân hàng JPMorgan Chase Bank thường xuyên có số dư 3 tỷ USD đến 6 tỷ USD và liên tục thực hiện những giao dịch chuyên và nhận những số tiền hàng trăm triệu, hàng chục triệu.

Theo đạo luật bảo mật ngân hàng (BSA) năm 1970, và đạo luật và qui định chống rửa tiền 2001, thì chỉ cần 1 giao dịch có giá trị 10,000 USD mà ngân hàng nghi ngờ, không lý giải được lý do của giao dịch đó thì ngân hàng đã phải làm SAR - Suspicious Activity Report (Báo cáo hoạt động đáng ngờ).

Nhưng JPMorgan Chase Bank đã làm ngơ.

Và họ cũng chỉ phải đóng tiền phạt 2 tỷ USD, trong đó 1.7 tỷ USD là đền cho nạn nhân của Madoff. Không cán bộ, nhân viên nào của ngân hàng phải đi tù. Bộ phim nhận định đây là một bản án quá nhẹ so với những lỗi mà ngân hàng đã vi phạm.

**** Bài dài rồi. Tôi tạm dừng. Khi nào có thời gian tôi sẽ viết thêm 2 nội dung: 1) tại sao Madoff lại không đầu tư mà để yên tiền trong quỹ, lấy tiền người này trả cho người khác. Nếu Madoff đầu tư thì năm 2008 quỹ Madoff chưa vỡ, 2) cách Mỹ giải quyết vụ này: thu của người được lợi trả cho người bị thiệt hại.

Hiện tại có 2 vụ về tài chính khá hay, mà tôi muốn chia sẻ. Thứ nhất là nguyên nhân của cuộc khủng khoảng tài chính 2008 và những câu chuyện chung quanh. Thứ hai là câu chuyện về nhà đầu tư cá nhân tại app Robihood: nhà đầu tư cá nhân đã thắng các quỹ đầu tư, head fund một cách giòn giã, nhưng cuối cùng đã trắng tay vì chính Robihood.

Các bạn comment “Em/ tôi quan tâm 2008 hay Robihood” nhé. Phi vụ nào được quan tâm nhiều hơn sẽ được tôi viết tiếp. Tối đa 300 comment nhé.

Thân ái

Lâm Minh Chánh

Chú Ba Tài chính LMC