Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/11, thị trường trong nước ghi nhận vàng 9999 vượt mốc 60 triệu đồng/lượng. Cụ thể, giá vàng Doji (mua vào – bán ra) là 59,40 triệu đồng/lượng – 60,10 triệu đồng/lượng, giá vàng SJC (mua vào – bán ra) là 59,55 triệu đồng/lượng – 60,27 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, tại thị trường thế giới, giá vàng tăng nhẹ 0,3% lên gần 1.795 đô la Mỹ/ounce (1 ounce = 0,833 lượng) sau đợt giảm mạnh đến 1,4%, đâm thủng mốc 1.800 đô la Mỹ/ounce rơi xuống mức thấp nhất ngày 5/11 – 1.791 đô la Mỹ/ounce.

Thị trường vàng toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục “nhảy múa” trong thời gian tới sau thông tin Tổng thống Biden sẽ tái đề cử ông Jerome Powell làm Chủ tịch Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed). Theo đó, các nhà đầu tư dự đoán Fed sẽ siết chặt chính sách tiền tệ mạnh tay hơn trong năm 2022.

Cao hơn 11 triệu đồng so với thế giới

1.795 đô la Mỹ/ounce tương đương 2.154 đô la Mỹ/lượng. Như vậy giá vàng trong nước (~60 triệu đồng) cao hơn khoảng 11 triệu đồng/lượng so với toàn cầu. Tuần trước, mức chênh lệch lên tới 12-13 triệu đồng/lượng khi vàng SJC vượt ngưỡng 62 triệu đồng/lượng.

gia-vang-4-1637781572.png

Đây cũng là mức chênh lệch cao nhất từ trước đến nay. Vào thời điểm cuối tháng 7/2020, khi giá vàng thế giới biến động mạnh, mỗi lượng vàng SJC cao hơn từ 1 triệu đến 2,5 triệu đồng/lượng. Đến tháng 8/2020, thời điểm giá vàng trong nước đạt đỉnh, mức chênh lệch cũng chỉ ở mức 4-4,5 triệu đồng/lượng.

Lý giải cho mức vênh càng ngày càng tăng, các chuyên gia kinh tế nhận định nguyên nhân đến từ Nghị định 42/2012/ND-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực từ năm 2012.

Theo nghị định này, vàng miếng do Nhà nước độc quyền sản xuất; Ngân hàng Nhà nước là đơn vị được Chính phủ giao cho tổ chức và quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng. Kể từ thời điểm thực hiện nghị định này, các giấy phép được cấp để sản xuất vàng miếng, cả giấy phép được cấp cho công ty SJC đã không còn hiệu lực.

Tuy nhiên do vàng miếng SJC là thương hiệu có uy tín, chất lượng, chiếm tới 95% thị trường vàng miếng, đồng thời để tiết kiệm chi phí sản xuất và tránh xáo trộn cho hoạt động kinh doanh sản xuất vàng, Ngân hàng Nhà nước đã chọn vàng miếng SJC làm thương hiệu vàng miếng quốc gia. Điều này khiến giá vàng miếng SJC luôn có giá trị hơn các loại vàng khác. Trong các giao dịch vàng, người dân cũng có tâm lý ưa chuộng giao dịch bằng vàng miếng SJC hơn các loại vàng khác.

Nghị định số 24 cũng quy định chỉ có Nhà nước mới được xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu. Điều 14 nghị định nêu rõ, căn cứ vào mục tiêu chính sách tiền tệ và cung - cầu vàng trong từng thời kỳ, Ngân hàng Nhà nước tổ chức thực hiện việc xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp. Từ những lý do này đã đẩy giá vàng trong nước, đặc biệt là giá vàng miếng SJC luôn cao hơn giá vàng thế giới.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc chênh lệch giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới càng lớn sẽ khiến người mua chịu thiệt thòi nhiều nhất do họ không dám bỏ tiền đầu tư vàng vào thời điểm này. Vì vậy, rất cần có giải pháp để làm cho giá vàng trong nước liên thông, tiệm cận với quốc tế.