photo1619568996944-16195689970712107953371-1631340334.jpg
Ảnh minh họa.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có văn bản chấp thuận nguyên tắc chuyển đổi hình thức pháp lý của Công ty tài chính trách nhiệm hữu hạn một thành viên ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit). Cụ thể, NHNN chấp thuận nguyên tắc chuyển đổi hình thức pháp lý của FE Credit từ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

Việc FE Credit chuyển đổi hình thức pháp lý sang công ty TNHH 2 thành viên thay vì hình thức công ty cổ phần là khá bất ngờ.

Trước đó, năm 2020, NHNN cũng đã có văn bản chấp thuận nguyên tắc chuyển đổi hình thức pháp lý của FE Credit từ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thành công ty cổ phần. Tuy nhiên đến hiện tại, FE Credit vẫn duy trì hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

Chuyển đổi hình thức pháp lý FE Credit là cơ sở để VPBank (ngân hàng mẹ ) hoàn tất thương vụ bán vốn FE Credit cho nhà đầu tư chiến lược, nhận về khoản thanh toán khủng. 

Tháng 4 vừa qua, VPBank đã công bố hoàn thành thương vụ chuyển nhượng 49% phần góp vốn tại FECredit cho Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (SMFG, Tập đoàn SMBC), dự kiến sẽ đem về cho ngân hàng khoảng 30.000 tỷ đồng. Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết 90% lượng tiền thu về từ bán vốn tại FE Credit sẽ được ghi nhận trong năm 2021, 10% còn lại tiếp tục nhận về trong năm tới.

Được biết, đến cuối quý II, ngân hàng vẫn chưa hạch toán số tiền bán 49% cổ phần tại FE Credit vào báo cáo tài chính. Theo đó, lượng vốn tự có của ngân hàng mẹ vào cuối tháng 6 ở mức 54.746 tỷ, tăng 9.950 tỷ so với cuối năm trước; trong khi vốn tự có hợp nhất đạt 60.012 tỷ đồng, tăng 7.218 tỷ đồng.

Theo công ty chứng khoán MB (MBS), sự tham gia của SMBC vào FE Credit sẽ giúp ngân hàng củng cố được vị trí số một về thị phần cho vay tiêu dùng tại thị trường Việt Nam. Với việc làn sóng dịch Covid-19 bùng phát vào quý II mảng cho vay tiêu dùng bị ảnh hưởng, tuy nhiên MBS kỳ vọng tín dụng tiêu dùng sẽ có sự tăng trưởng mạnh trong quý IV, thời điểm dịch được kiểm soát và người dân gia tăng chi tiêu bù vào thời gian cách ly cũng như các hoạt động lễ hội cuối năm.

Về phía ngân hàng mẹ, MBS cho rằng với nguồn tiền thu về từ bán cổ phần FE Credit, mục tiêu tăng trường tín dụng 17% của VPBank trong năm 2021 là hoàn toàn khả thi. Ngoài ra, việc phát hành thêm 15% vốn cho cổ đông chiến lược cùng với dự báo nền kinh tế phục hồi sau đại dịch sẽ giúp VPBank có được mức tăng trưởng tín dụng 18% trong năm 2022 và 20% từ năm 2023 trở đi.

Mặt khác, MBS cho rằng nếu cổ đông chiến lược là SMBC sẽ giúp VPBank thay thế khoản vay ngoại tệ liên ngân hàng bằng tiền gửi ngoại tệ có chi phí vốn rẻ hơn. Hiện tại chỉ có Vietcombank và VietinBank có khoản tiền gửi ngoại tệ liên ngân hàng rất lớn và cả hai đều có cổ đông chiến lược là ngân hàng Nhật với chiến lược mở rộng sang mảng cho vay bán lẻ. Nhóm phân tích kỳ vọng VPBank sẽ có thể nâng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) lên mức 20% trong năm 2026 khi có sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược.