Doanh số bán hàng của Nike Inc. đã tăng trong giai đoạn gần đây nhất khi gã khổng lồ giày thể thao này hưởng lợi từ hoạt động kinh doanh kỹ thuật số, giải quyết được các khó khăn từ chuỗi cung ứng, và cả nỗ lực đưa các nhà cung cấp châu Á trở lại sản xuất đầy đủ.
Công ty đã công bố doanh thu 10,9 tỷ USD trong quý kết thúc vào ngày 28/02, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước đó. Lợi nhuận 1,4 tỷ USD, tương đương 87 cent/cổ phiếu.
Cổ phiếu của Nike đã tăng 6% trong giao dịch sau giờ làm việc ngày hôm nay (22/03). Tuy nhiên trong năm, cổ phiếu của công ty đã giảm gần 22% (tính đến cuối ngày thứ Hai (21/03).
“Thành quả này tiếp tục giúp chúng tôi tin vào triển vọng dài hạn của mình và đó là lý do tại sao tôi không đánh đổi triển vọng công ty với bất kỳ điều gì”, giám đốc điều hành John Donahoe cho biết trong cuộc họp báo công bố doanh thu hôm thứ Hai (21/03).
Nike cho biết nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm của hãng tiếp tục vượt xa nguồn cung. Giám đốc tài chính Matthew Friend nói với các nhà phân tích rằng chuỗi cung ứng của công ty đang được cải thiện nhưng thời gian vận chuyển vẫn tăng. “Việc giao hàng đến Bắc Mỹ trở nên tồi tệ hơn trong quý gần nhất và quá trình vận chuyển hiện mất hơn sáu tuần so với trước khi xảy ra đại dịch.”
Nike cho biết chi phí vận chuyển và hậu cần tăng cao tiếp tục ảnh hưởng đến lợi nhuận của hãng. Trong tuần trước, giá cước vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đến Los Angeles vẫn gần mức kỷ lục, tăng gấp ba lần so với năm trước. Công ty cho biết hàng tồn kho của họ đã tăng 15% do thời gian giao hàng kéo dài.
Ông Friend cho biết các nhà máy sản xuất hàng hóa của công ty tại Việt Nam đã hoạt động và sản xuất giày dép và quần áo đã trở lại sản lượng trước khi đại dịch đóng cửa vào cuối năm 2021.
Tuy nhiên, lạm phát dai dẳng và cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine đặt ra những thách thức với doanh số bán hàng trong những quý tới. Đầu tháng này, công ty tuyên bố sẽ đóng cửa các cửa hàng ở Nga, với lý do khó quản lý hoạt động kinh doanh sau cuộc chiến ở Ukraine.
Nike hiện có 116 cửa hàng ở Nga và công ty cho biết họ vẫn sẽ trả lương cho nhân viên của mình tại quốc gia này trước khi rời đi.
Ông Friend cho biết hoạt động của các cửa hàng và website bán hàng trực tuyến đã tạm dừng ở cả hai quốc gia Nga và Ukraine, nơi mà tổng doanh số chỉ chiếm chưa đến 1% cơ cấu nguồn thu của tập đoàn.
Ông cũng cho biết ngay cả khi Nike phải đối mặt với chi phí cao hơn, họ vẫn có thể tăng giá vì nhu cầu vẫn mạnh mẽ bởi người tiêu dùng luôn tìm thấy những điều họ cần trong mỗi sản phẩm mang thương hiệu Nike.
Nike đã đầu tư rất nhiều vào việc bán hàng thông qua các kênh bán lẻ của riêng mình, đồng thời giảm lượng hàng tồn kho với một số đối tác như Foot Locker Inc. Trong những năm gần đây, Nike đã cắt giảm khoảng một nửa số tài khoản bán buôn ở Bắc Mỹ trong khi tập trung bán hàng thông qua các ứng dụng, trang web và cửa hàng của riêng mình.
Trong quý gần nhất, Nike đã ghi nhận mức tăng doanh thu hàng năm ở Bắc Mỹ, Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi; và Châu Á Thái Bình Dương & Châu Mỹ Latinh. Tuy nhiên, tại Trung Quốc, tổng doanh thu lại giảm 5% xuống còn 2,16 tỷ USD.
Tại thị trường tỷ dân, Nike đã và đang đầu tư vào việc xây dựng lại các kết nối với người tiêu dùng thông qua các chiến dịch tiếp thị. Nike cũng có kế hoạch tạo quan hệ đối tác mới với các nhà bán lẻ trong nước. Và các giám đốc điều hành cho biết họ kỳ vọng kết quả sẽ cải thiện trong quý này.