Đọc những bài viết này, tôi vui vì có người chịu khó đặt vấn đề, viết dài và tương đối thuyết phục. Cách bạn viết làm tôi nhớ tới cái cách mà những người từng đọc nhiều, sống đủ, và đang hoang mang nhẹ vì AI vừa thán phục, vừa ngờ vực, vừa khấp khởi, vừa dè chừng. Một trạng thái rất... người. Và cũng rất đúng lúc này.

dich-ngoai-ngu-bang-ai-1745222534.PNG

Bạn nói nhiều điều đúng. Nhiều hơn một nửa đúng. Dịch thuật "mỳ ăn liền", đúng thật, GenAI làm không chê vào đâu được. Nó dịch trôi chảy, rành mạch, không sai chính tả, nhiều đoạn còn viết lại gãy gọn hơn bản dịch của người thật. Nhưng bạn cũng nói luôn cái còn lại rằng những ai từng sống trong thế giới của văn học, nơi một dấu chấm có thể đánh rơi cả một nỗi niềm, sẽ hiểu: máy chỉ mới chạm vào bề mặt ngôn ngữ, chưa bước vào được phần ý nằm ngoài chữ. Điều đó đúng, nhưng chỉ đúng cho thời điểm này.

Vì nếu có điều gì tôi học được từ AI trong suốt những năm qua, một người ăn ngủ với AI và theo dõi các tiến bộ hàng ngày thì đó là: điều ta tưởng rằng nó không thể làm, chỉ là điều nó chưa làm. 
Ngày hôm qua tôi nghĩ AI không thể tự viết một tiểu luận tử tế, hôm nay tôi thấy nó dẫn chứng đúng sách, trích dẫn đúng tên, còn viết văn mượt đến mức tôi phải dừng lại vài giây để chắc rằng mình vẫn đang đọc sản phẩm của máy. Những gì chúng ta biết về AI hôm nay, có thể sẽ trở nên vô nghĩa vào tháng sau, hoặc chỉ cần một bản cập nhật mới ngày mai. Vậy nên, càng tiếp xúc với AI, tôi lại càng thấy cần khiêm tốn.

Bạn chê các hệ thống như Deep Research vì dẫn nguồn chưa đủ tin cậy, không thể thay thế phân tích của con người. Tôi gật đầu. Nhưng tôi cũng thừa nhận, có nhiều đêm tôi ngồi nhìn Gemini nó tổng hợp 40 bài viết trong 5 phút, trích ra luận điểm rõ ràng, đặt vấn đề như một trợ lý nghiên cứu có lương tri, tôi cũng phải thở dài. Không phải vì tôi nghĩ nó giỏi hơn mình, mà vì tôi biết, nếu tôi không học cách cộng tác với nó, thì nó sẽ đi cùng người khác và tôi sẽ mất việc.

Nói AI làm chết nghề nghiên cứu hay nghề dịch thuật thì tôi không tin. Nhưng nói AI không ảnh hưởng gì tới các nghề ấy thì cũng ảo tưởng không kém. Không phải nghề biến mất, mà là yêu cầu thay đổi. Người làm nghiên cứu không còn được phép lười, không thể lặp lại một báo cáo cũ rồi gọi đó là mới. Người dịch không thể chỉ chuyển nghĩa nữa, mà phải trở thành người kiến tạo trải nghiệm đọc. Vì khi AI lo được phần thô, thì phần tinh mới là thứ phân biệt giữa tác phẩm và sản phẩm.

Cuối cùng, bạn hỏi một câu rất gợi suy nghĩ: "Học ngoại ngữ làm gì nữa?" Tôi cũng từng hỏi như vậy. Rồi tôi gặp những người học tiếng Nga để đọc thơ Yesenin, học tiếng Nhật để hiểu hết một câu nói của Murakami không qua trung gian. Lúc ấy, tôi hiểu, học ngoại ngữ là học một cách nghĩ khác, một cách sống khác, không phải để giao tiếp mà để hiểu được tại sao con người ở một nền văn hóa xa xôi lại chọn đúng từ ấy, đúng tĩnh từ ấy, để nói ra điều họ đang mang trong lòng.

Cho nên, thay vì sợ AI, hay vội mừng vì tưởng AI sẽ dẹp sạch những gì mình thấy ngán, tôi chọn học cùng nó. Không để thắng, mà để không bị bỏ lại. Và để những điều đúng hôm nay không thành sai lầm của ngày mai, tôi chỉ có một cách tiếp tục học, tiếp tục nghi ngờ chính mình, và tiếp tục lắng nghe cả những người tôi không đồng ý, miễn là họ nói bằng lòng thành thật.