Giới đầu tư chứng khoán không ai là không biết đến ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch HĐQT của Công ty chứng khoán SSI. Đây không chỉ là công ty chứng khoán tư nhân đầu tiên tại Việt Nam mà hiện nay, đó còn là công ty chứng khoán lớn nhất. Chính vì vậy, ông Hưng được nhiều người gọi là “ông trùm chứng khoán”.
SSI gắn chặt với tên tuổi ông Hưng trong vai trò người sáng lập, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc nhưng bên cạnh ông Hưng còn có 2 người em trai cùng tham gia công việc điều hành tại các doanh nghiệp. Đó là ông Nguyễn Mạnh Hùng và Nguyễn Hồng Nam.
Hồi cuối tháng 7 vừa qua, Hội đồng Quản trị (HĐQT) Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI chính thức thông qua quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Hồng Nam giữ chức vụ Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI thay cho Ông Nguyễn Duy Hưng. Trước đó ông Nguyễn Duy Hưng cũng đã rút lui khỏi chức vụ Chủ tịch SSIAM, đồng thời bổ nhiệm người em trai khác là ông Nguyễn Mạnh Hùng lên thay.
Trước đây, SSI và các đơn vị thành viên như Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM), PAN Group hay Công ty TNHH đầu tư NDH… đều do ông Hưng giữ vị trí Chủ tịch kiêm người điều hành cao nhất, nhưng trong 2 tháng gần đây, ông Hưng bắt đầu rút khỏi vị trí điều hành tại 2 đơn vị và trao quyền cho 2 người em trai.
Ông trùm Nguyễn Duy Hưng
Ông Nguyễn Duy Hưng sinh năm 1962, lớn lên tại Khánh Hòa, là con cả trong gia đình có 4 người con. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông Hưng học đại học tổng hợp Tp.HCM. Những năm 1980, vừa đi học ông Hưng vừa bán hàng mỹ nghệ kiếm tiền. Ra trường, ông làm thư ký riêng cho Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhờ khả năng tiếng Đức.
Năm 1991, khi Luật doanh nghiệp tư nhân ra đời, cởi trói cho các thành phần kinh tế. năm 1993, ông Hưng cùng một số người bạn lập ra Pan Pacific với số vốn vài chục triệu đồng, chuyên tư vấn cho nhà đầu tư nước ngoài với 2 thương vụ nổi tiếng là khách sạn Metropole và liên doanh nhà máy ô tô Hòa Bình.
Năm 1998, PAN trở thành công ty cung cấp dịch vụ lau chùi, quét dọn chuyên nghiệp. Sau này, PAN dịch chuyển thành công ty đầu tư vào chuỗi giá trị khép kín trong nông nghiệp. Năm 1999, ông Hưng sang Thái Lan học về đầu tư, về nước lập ra chứng khoán SSI.
SSI hiện là công ty chứng khoán có quy mô lớn nhất thị trường với vốn điều lệ trên 6.029 tỷ đồng, 6 năm liên tiếp dẫn dầu về thị phần môi giới cổ phiếu và chứng chỉ quỹ… Nửa đầu năm 2020, SSI đạt 2.272 tỷ đồng doanh thu hoạt động, tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế đạt 659 tỷ đồng, tăng trưởng 29%.
Theo thống kê từ trang tin kinh tế cafef, hiện tài sản của ông Nguyễn Duy Hưng là khoảng 1.195 tỷ đồng, xếp thứ 55 trong số những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Xem thêm: Những ông trùm tài chính Việt Nam – nhóm Đông Âu (phần 7): Bố già chứng khoán Việt Nam – Nguyễn Duy Hưng Ssi
Người em trai thứ 3
Cuối tháng 7/2020, ông Nguyễn Hồng Nam được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng Giám đốc SSI thay cho ông Nguyễn Duy Hưng. Ông Hưng vẫn là Chủ tịch HĐQT và trực tiếp phụ trách Tiểu ban Chiến lược Phát triển của Công ty.
Ông Nguyễn Hồng Nam sinh năm 1967, có học vị Thạc sỹ Khoa học của Đại học Bách khoa Lugansk – Ukraina. Đây là người đã có 20 năm đồng hành cùng sự phát triển của Thị trường chứng khoán Việt Nam, với vai trò là một trong những người đầu tiên, cùng anh trai mình là ông Nguyễn Duy Hưng thành lập và phát triển công ty. Trước khi về SSI vào năm 1999 với vị trí phó tổng giám đốc và thành viên HĐQT, ông Nam có 4 năm công tác tại bộ Kế hoạch Đầu tư với chức vụ chuyên viên Vụ Đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, ông Nam có công ty riêng cũng nổi tiếng không kém là BĐS Sài Gòn Đan Linh – đơn vị đang sở hữu 30 triệu cổ phiếu SSI và 4,6 triệu cổ phiếu PAN của CTCP Xuyên Thái Bình (giờ là Tập đoàn PAN) – đơn vị mà SSI đang nắm hơn 15% cổ phần, do ông Nguyễn Duy Hưng làm Chủ tịch.
Bản thân ông Nam nắm 2,1 triệu cổ phiếu SSI và vợ ông – bà Hà Thị Thanh Vân cũng là thành viên HĐQT của PAN.
Hiện gía trị khối tài sản của ông Nguyễn Hồng Nam là khoảng 398 tỷ đồng , xếp thứ 126 trong số những nguời giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Người em trai thứ 2
Vào tháng 5/2020, ông Nguyễn Duy Hưng cũng rút khỏi vị trí Chủ tịch của Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) và ông Nguyễn Mạnh Hùng đã được bổ nhiệm. SSIAM là công ty do SSI sở hữu 100% vốn. Công ty hiện đang quản lý một số quỹ như SSI SCA, Quỹ ETF SSIAM VNFIN LEAD, Quỹ ETF SSIAM VNX50 va sắp tới là quỹ ETF SSIAM VN30.
Từ đầu năm 2020 đến nay, SSIAM liên tục cho ra mắt nhiều quỹ đầu tư mới, nhằm có thêm lựa chọn cho nhà đầu tư. Ngày 18/3, quỹ ETF SSIAM VNFIN Lead chính thức niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) với mã FUESSVFL.
ETF SSIAM VNFIN Lead đã thu hút thêm được thêm gần 100 tỷ đồng từ các nhà đầu tư mới so với thời điểm IPO, nâng quy mô của quỹ lên 386,8 tỷ đồng. Mới đây, ngày 22/5, quỹ ETF SSIAM VN30 dựa trên bộ chỉ số cổ phiếu VN30 cũng đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép chào bán, kỳ vọng sẽ có thêm một kênh huy động vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam thay vì các kênh đầu tư chủ động như trước đây.
Mặc dù là em thứ 2 sau ông Hưng, nhưng ông Hùng tham gia vào TTCK muộn hơn ông Hồng Nam, tức vào năm 2012-2013. Ông Nguyễn Mạnh Hùng là cử nhân Luật Kinh tế, Đại học Luật TP HCM và cũng là một trong những người sáng lập của SSI.
Trước đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng là chủ tịch HĐQT Công ty Đường Mặt Trời, chủ tịch Công ty TNHH MTV Nguyễn Sài Gòn, thành viên Đoàn Luật sư TP HCM và có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực pháp luật kinh tế.
Một trong những phi vụ ly kỳ trên thị trường tài chính xuất hiện sự góp mặt của cả 3 anh em nhà ông Nguyễn Duy Hưng chính là trận chiến giữa cổ đông nội và đại gia Hàn Quốc Lotte nhằm giành cổ phần chi phối tại Công ty Bánh kẹo Bibica – một thương hiệu bánh kẹo nổi tiếng của Việt Nam.
Trong trận chiến nhiều hồi khi cổ đông ngoại và cổ đông nội đánh nhau không dứt, dẫn đến nguy cơ đánh mất thương hiệu Việt, SSI đã nhảy vào và Đường Mặt Trời chính là DN mua gom cổ phiếu, giúp SSI cân bằng vị thế với Lotte trong năm 2014.
Cụ thể, năm 2008, Lotte mua hơn 30% cổ phần Bibica và tiếp tục nâng dần sở hữu với ý định thâu tóm doanh nghiệp này.
Mâu thuẫn cũng bắt đầu từ khi Lotte thể hiện tham vọng đó bằng cách muốn tham gia sâu hơn vào hoạt động sản xuất bánh kẹo, yêu cầu Bibica sản xuất sản phẩm mới mang thương hiệu của mình. Tranh chấp xảy ra trong nội bộ Bibica khiến hoạt động của Bibica trong 2 năm 2012-2013 rơi vào trì trệ.
Đến năm 2015, khi PAN Food của ông Hưng chính thức thay thế nhóm SSI để trở thành cổ đông lớn thứ 2 tại Bibica thì hoạt động kinh doanh của Công ty này đã bắt đầu ổn định trở lại.
Hiện tại, CTCP Thực phẩm PAN đang sở hữu hơn 50% cổ phần tại Bibica và Lotte nắm 44%.