Cách nhìn nhận đánh giá và kỳ vọng về chất lượng giáo dục rất khó thống nhất và luôn có bất đồng. Làm giáo dục rất khó tăng quy mô nghĩa là không xây quy mô lớn được, cả về việc đào tạo giáo viên lẫn việc xây dựng cơ sở vật chất. Vốn luôn thiếu và chính sách đất cho giáo dục thì quá tệ nên đầu tư vào giáo dục tốn kém khủng khiếp...

Đầu tư vào giáo dục chưa bao giờ là siêu lợi nhuận và không dành cho tay mơ! - Phần 1

 

dau-tu-giao-duc-1602904193968155088454-crop-1602904203016425508694-1635869815.jpg

A. Lý do thứ nhất: giáo dục là ngành mà ai cũng tự cho mình là chuyên gia, nên cách nhìn nhận đánh giá và kỳ vọng về chất lượng giáo dục rất khó thống nhất và luôn có bất đồng.

Bạn đi ăn quán nào nổi tiếng thì họ bán gì ăn nấy. Làm gì có chuyện bảo người ta nấu theo ý mình. Muốn thế thì trả thêm nhiều tiền, hoặc về nhà mà ăn. Bạn lên máy bay thì làm gì có chuyện góp ý với phi công bay đường nào cho nhanh. Bạn sẽ được mời xuống ngay.

Nhưng giáo dục thì khác. Không ai sờ được cái “giáo dục” nó hình thù thế nào nên ai cũng có thể cho mình là chuyên gia và góp ý được. Luật sư góp ý dạy con theo cách của luật sư. Công an/quân đội thì góp ý dạy con theo cách nhà binh. Tiến sĩ tâm lý biết mỗi một mảng mà chỗ nào cũng có thể đưa quan điểm được. Chả có cơ sở khoa học gì hết. Rất cảm tính! Nhà báo hay KOLs đọc nhiều nhưng chưa chắc đã sâu, cũng thành chuyên gia, sướng mồm lên chửi Bộ, Sở, Trường không ra gì. Cứ làm như là mọi tội lỗi về giáo dục ở Việt Nam có thể quy về cho ông Bộ trưởng, bà Giám đốc Sở, cô Hiệu trưởng dốt ấy!

Nguồn gốc cãi lộn của nhiều gia đình là dạy con. Đấy mới chỉ 1 đứa trẻ mà bố mẹ đã cãi lộn tưng bừng, chưa kể ông bà vào cuộc. Thế mà với 30 đứa trẻ một lớp mà cô giáo xử lý được thì phải nói cô thật là siêu nhân. Mỗi đứa trẻ một cá tính, một phong cách và mang trong mình bao nhiêu kỳ vọng của bố, mẹ.

Cha mẹ cho con học trường tư có tiền, hiểu biết nên lắm ý kiến, đòi hỏi. Trường sẽ liên tục nhận ý kiến từ phụ huynh. Không đồng thuận thì lên facebook chửi, căng khẩu hiệu, gọi phóng viên, báo cáo cơ quan chức năng. Trường tư nào không bản lĩnh thì sẽ bị xoay như chong chóng, phát điên lên, lấy đâu ra thời gian mà làm tốt nữa.

Giáo dục không phải như các ngành dịch vụ khác. Người trả tiền cho dịch vụ khác với người nhận dịch vụ (từ mầm non đến đại học). Người nhận dịch vụ là học sinh. Còn người trả tiền chính là cha mẹ. Mỗi đối tượng có một nhu cầu và đòi hỏi nhiều khi khác nhau hoàn toàn.

Học sinh mầm non thì chỉ cần ăn ngon, đủ chất, ngủ đúng giờ, khỏe mạnh, vui vẻ. Nhưng bố mẹ thì lại thích con thành thiên tài nhí, phải đọc được chữ, hát tròn miệng, sạch sẽ, thơm tho. (Trẻ con thì cần phải được chơi, được lem nhem, nhưng bố mẹ mà nhìn con nhếch nhác thế thì ba hôm là chuyển trường).

Học sinh phổ thông thì quan trọng nhất là tư duy, phát triển toàn diện, có thời gian nghỉ ngơi, đọc sách, chơi thể thao, viết tiếng Việt ổn, nói tiếng Anh rõ. Nhưng bố mẹ thì chỉ muốn con cận lòi, lưng gù, điểm toàn trên 9, béo phục phịch vì ăn quá nhiều, học từ sáng đến tối, và cứ phải là trường chuyên, lớp chọn. Sinh viên cao đẳng, đại học thì cần nhất là biết một nghề, sống và tư duy độc lập, phản biện, chủ động. Làm nhà hàng, hay khách sạn, phục vụ ở sân golf thì chỉ cần học đế 3-6 tháng là có nghề ngon, lương ổn. Làm thư ký, bán hàng thì chỉ cần học xong trung cấp hay cao đẳng là được. Nhưng bố mẹ thì cứ phải có bằng đại học để giải quyết khâu oai.

Chính vì có sự khác biệt về kỳ vọng giữa học sinh và bố mẹ nên sẽ luôn có căng thẳng giữa người cung cấp dịch vụ (người đầu tư giáo dục) và người trả tiền. Cân bằng và thỏa hiệp được quyền lợi của hai đối tượng này là một việc không hề dễ dàng.

B. Thứ hai, làm giáo dục rất khó tăng quy mô (“scale up”) nghĩa là không xây quy mô lớn được, cả về việc đào tạo giáo viên lẫn việc xây dựng cơ sở vật chất.

Giáo dục bị hạn chế đáng kể trong việc đào tạo nhân sự chất lượng cao trên quy mô lớn. Không có cách nào tăng quy mô giáo dục mà không có giáo viên cả. Cứ mở trường, trung tâm là cần đến giáo viên. Muốn chất lượng cao thì bắt buộc phải có giáo viên giỏi.

Đào tạo một tiếp viên hàng không phức tạp, nhưng cũng chỉ cần 6 tháng; đào tạo một nhân viên trong ngành du lịch nhà hàng khách sạn mất 3-6 tháng. Nhưng để đào tạo một giáo viên làm được việc, dạy được thì cần ít nhất 10 năm: 3-4 năm học đại học, 2 năm thực hành, và 4 năm trải nghiệm thì mới được coi là đủ cứng cáp để dạy.

Làm bác sĩ là nghề phức tạp nhất nhưng một bác sĩ thì có nhiều thiết bị y tế phụ trợ, với y tá, điều dưỡng hỗ trợ xung quanh. Người ta lại không ốm quanh năm suốt tháng. Nên số lượng bác sĩ cũng không cần quá nhiều như giáo viên.
Còn làm giáo dục thì người giáo viên là người cung cấp dịch vụ chính, ngoài trường là cơ sở vật chất hỗ trợ hậu cần. Vậy thì lấy đâu ra giáo viên giỏi mà tăng quy mô?

Người ta không thể “copy” cảm xúc và lòng nhiệt tình cùng trí tuệ giáo viên được. Máy móc, nội dung có hay đến đâu mà không có linh hồn của người giáo viên thì cũng vô nghĩa. Do vậy, rất khó đào tạo hàng loạt giáo viên như cỗ máy được. Đó là lý do lớn tại sao rất khó để tăng quy mô giáo dục.

Sự sính Tây (thực ra là phân biệt chủng tộc ngầm) của Việt Nam cũng làm trầm trọng thêm vấn đề thiếu giáo viên giỏi. Có lẽ giáo dục là ngành bảo thủ nhất khi chấp nhận nhân lực Việt Nam thay thế người nước ngoài. Đã là chất lượng cao và quốc tế là cứ phải Tây “trắng”. Trong khi đó thì không biết lấy đâu ra mấy ông bà Tây trắng mà sư phạm giỏi.

Với mức lương dành cho một bạn Tây thì chúng ta có thể mời được 3 giáo viên Việt Nam với chất lượng cao hơn nhiều. Lương một bạn Tây thường từ 40-60 triệu/tháng (để họ đủ sống và thuê nhà, cũng công bằng thôi). Nhưng nếu một giáo viên trẻ và giỏi người Việt Nam có thể nhận mức lương 15-20tr/tháng là tốt lắm rồi.

Cũng chính vì sự khác biệt giữa kỳ vọng của một bên là học sinh, và một bên là cha mẹ, làm trầm trọng thêm phần này. Học sinh thì ai dạy cũng được, miễn là hay và con thích. Nhưng bố mẹ là cứ phải Tây trắng thì mới yên tâm.

Cách đây vài năm Sở GD TP HCM có chương trình thuê giáo viên Philippine dạy tiếng Anh. Thế mà bị chửi tơi bời.
Bọn tôi triển khai dạy Toán Khoa bằng tiếng Anh sử dụng công nghệ số và giáo viên Việt Nam trên cả nước nhưng triển khai cực kỳ khó khăn ban đầu vì phần lớn các Sở bị ám ảnh phải dùng Tây. Có Sở GD ĐT cho đến giờ vẫn cứ phải có Tây thì mới cho triển khai chương trình quốc tế. Cứ là phải Anh, Mỹ mới oai.
(Riêng điều này thì đặc biệt trân trọng Sở GDĐT Hà Nội là chưa bao giờ có những đòi hỏi ngớ ngẩn này).


C. Khó khăn thứ ba khi tăng quy mô giáo dục là đồng vốn luôn thiếu và chính sách đất cho giáo dục thì quá tệ nên đầu tư vào giáo dục tốn kém khủng khiếp

Phần lớn các doanh nghiệp giáo dục đều không sở hữu tài sản cố định nhiều. Ngân hàng Việt Nam thì rất ngại cho vay nếu không có tài sản cố định đảm bảo. Phần lớn chủ doanh nghiệp bỏ tiền tiết kiệm hay nhà cửa cá nhân ra để thế chấp. Để phát triển lớn thì cần vốn, nhưng tiềm lực của doanh nghiệp giáo dục Vietnam thường rất nhỏ.

Chính phủ Việt Nam lúc nào cũng nói là hỗ trợ giáo dục nhưng thực ra chưa hẳn thế. Cho dù thuế thu nhập khi đầu tư vào giáo dục là 10% nhưng tiếp cận đồng vốn đối với doanh nghiệp giáo dục nào không có bệ đỡ (vốn, quan hệ) đằng sau thì khó như hái sao trên trời.

Chính sách giao đất nhằm khuyến khích đầu tư vào giáo dục cũng làm béo những người đầu cơ ban đầu. Chính phủ cho đất làm giáo dục nhưng không đưa ra một tiêu chí để có thời hạn triển khai nhất định nên nhiều nơi đất làm giáo dục mà giá trên trời. Ở Hà Nội và HCMC, hiện có rất nhiều quỹ đất dành cho giáo dục nhưng đều đã được xí phần từ lâu bởi những người “định làm giáo dục”. Họ cứ ngâm đấy 5-10 năm mà chả làm gì. Giá đất thì cứ tăng làm chi phí đầu tư vào giáo dục tư nhân ở khối phổ thông tăng kinh hoàng. Để làm một trường tử tế cần ít nhất 1ha đất. Nhiều người tính giá bây giờ là 5-10 triệu/m2, thì 1ha đất đã đi tong mất gần 100 tỷ.

Làm bất động sản thì còn chồng chung cư, nhồi mật độ mà bán lại vốn, chứ làm giáo dục thì đố ai dám làm. Nếu đi ra gần mạn Hồ Tây hoặc khu đô thị mới có nơi giá đất giáo dục lên tới 10-15tr/m2. Thế là những người lập dự án mà chả xây cất gì, cứ ngồi chờ 5-10 năm nghiễm nhiên có một tài sản khủng khiếp, đến hàng trăm tỉ. Trong khi đó thì hàng chục ngàn học sinh thiếu phòng học.

Đáng ra chính phủ phải cho một thời hạn nhất định để bắt nhà đầu tư phải xây, nếu không xây thì phải đấu giá lại hoặc giao lại cho ai cam kết xây trong một thời gian nhất định. Đây là một trong những bất cập tệ hại nhất về chính sách khuyến khích đầu tư giáo dục ở Việt Nam hiện giờ. “Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra” về đất dành cho giáo dục.

Mua một miếng đất thì đã tốn như thế. Tiền xây lên cho đúng chuẩn cũng không hề rẻ. Trung bình để xây một trường khoảng 1-2ha sẽ tốn từ 150-300 tỷ. Vậy là chưa làm gì thì đã đi mất tong 250-400 tỷ. Thử hỏi bao nhiêu năm thì hoàn vốn được?

Giả định với 30 tỷ lợi nhuận/năm, thì cần 12 năm từ lúc đạt mức lợi nhuận đó, trường mới hoàn vốn (đầu tư 300 tỷ). Với lợi nhuận 30 tỷ thì doanh thu của trường phải đạt ít nhất là 200 tỷ/năm (giả định biên lợi nhuận là 15% là mức cực tốt). Với mức doanh thu 200 tỷ/năm và học phí là 200 triệu/năm (bao gồm tất cả chi phí ăn học, xe cộ, v.v.), cần có 1,000-1,200 học sinh.

Làm cái trường có đâu như làm bất động sản, xong móng là bán được gần hết. Còn trường phổ thông hay đại học ư? Chờ nhé. Ít nhất 7-10 năm mới lên được công suất 1,000 học sinh, nếu làm siêu đẳng. Năm đầu tiên mở thì giỏi mới tuyển được 200 học sinh. Mỗi năm tăng được 100-200 học sinh nữa là xuất sắc. Chưa kể đến vị trí địa lý, chưa chắc đã đủ học sinh vào học với tháp dân số ngày càng già đi thế này. Do vậy nên mất 15 năm mới hoàn vốn. Với 200-300 tỷ mà đi mua đất hoặc bất động chắc còn lời hơn.

Ở HN có trường Alpha nổi tiếng với mô hình bố mẹ phải thi con mới được vào học. Giờ có gần 1,200 học sinh, nhưng cũng vận lộn 8 năm với bao cay đắng mới đạt được số học sinh này.

Thế cho nên các bạn đừng trách khi học phí trường tư, trường quốc tế ở Việt Nam cao ngất ngây, ngang với học phí trường tư tốt hàng đầu ở Mỹ. Vì đầu tư cơ bản tốn kinh khủng khiếp như thế đấy!


(Còn tiếp: Phần 3: Tiên trách kỷ, hậu trách nhân - Sự non kém của chúng tôi, những người kinh doanh giáo dục)