Chất lỏng đen đặc này được áp dụng để sản xuất các sản phẩm quen thuộc nhất, từ các loại hóa mỹ phẩm cho tới nhựa, xăng nhiên liệu, dung môi hay phân bón, thậm chí là cả thuốc trừ sâu hay nhựa đường... Thế giới nơi ta đang sinh sống bị chi phối mạnh mẽ bởi dầu mỏ, mãnh liệt tới nỗi nó còn trở thành nguyên nhân của các cuộc chiến tranh, có thể khiến một quốc gia bình thường trở nên giàu có cực độ hay làm lung lay cả một hệ thống kinh tế nếu thiếu hụt đi thứ nhiên liệu hóa thạch này.
Từ 3000 năm trước Công nguyên, dầu thô xuất hiện ở môi trường tự nhiên và được sử dụng bởi những người cổ đại tại Trung Đông. Nơi người Babylon cổ sinh sống, vùng đất thuộc Iraq ngày nay, họ đã sử dụng dầu để chống thấm cho tàu thuyền và làm vữa trong xây dựng, trong nghệ thuật ướp xác của người Ai cập cổ cũng sử dụng dầu để bảo quản xác chết.
Bắt đầu vào giữa thế kỷ thứ 19 với việc phát hiện ra giếng dầu đầu tiên trên thế giới ở Hoa Kỳ, vào thời điểm những ngành công nghiệp mới nổi tạo ra các sản phẩm từ dầu mỏ. Lúc này, chúng được ví như một loại nhiên liệu sạch và rẻ để thắp sáng trong nhà.
Giếng dầu thương mại đầu tiên của Mỹ được tìm ra tại Titusville, Pennsylvania khi một kỹ thuật mới sử dụng đường ống dẫn với các lỗ khoan để khoan sâu hơn. Sự thành công của giếng khoan, cộng với nhu cầu về dầu và các chế phẩm từ nó, đã kích hoạt một cơn sốt dầu mỏ cực kỳ lớn và cũng là khởi nguồn cho ngành công nghiệp nặng phát triển cho tới ngày nay.
Kể từ năm 1885 thì nhu cầu về dầu thực sự tăng nhanh với sự ra đời của động cơ ô tô cơ chạy bằng xăng - sản phẩm của quá trình sản xuất dầu hỏa, được phát minh bởi kỹ sư người Đức Karl Benz. Không lâu sau, Henry Ford thực hiện lời hứa của mình khi tạo ra một mẫu xe mà bất cứ ai cũng có thể mua được, chính là chiếc Model T ra đời vào năm 1908.
Một công ty của Anh khai thác dầu ở Ba Tư (nay là Iran), đây cũng là lần đầu tiên dầu mỏ được phát hiện ở Trung Đông, kéo theo các nguồn dự trữ to lớn khác được tìm thấy trong khu vực. Lúc này, do Trung Đông còn thiếu công nghệ khai thác nên các công ty phương Tây xuất hiện và đảm bảo quyền khai thác với mức giá tương đối. Sản xuất dầu ở Trung Đông phát triển để đáp ứng 60% nguồn cung toàn cầu.
Chiến tranh toàn cầu - World War 1 - cho thấy tầm quan trọng của dầu mỏ trong việc bảo vệ quốc gia, Dầu mỏ cần thiết cho xe tăng, xe tải và tàu chiến. Trước đó, các cường quốc chạy đua vũ trang ở hải quân, sử dụng tàu chạy bằng dầu thay vì than do chúng di chuyển nhanh hơn, bám biển lâu hơn. Lúc này, đế quốc Anh không sản xuất dầu mỏ, do đó việc tiếp cận nguồn dầu ở Trung Đông trở thành mục tiêu chiến lược.
Kết thúc Thế chiến thứ 2, các nhà lãnh đạo biết rằng dầu mỏ là mặt hàng quan trọng. Việc kiểm soát dầu là yếu tố quyết định ai sẽ chiến thắng trong cuộc chiến này. Ngày 8/8/1944, Hiệp định Dầu khí Anh - Mỹ được Roosevelt và Churchill ký kết, phân chia nguồn dầu mỏ tại Trung Đông giữa 2 quốc gia này. Tuy vậy, thỏa thuận này không bao gồm người dân của các quốc gia liên quan.
Thập niên 50, những quốc gia Trung Đông bắt đầu nhận ra sức mạnh và tầm ảnh hưởng nhờ nguồn dầu mỏ của mình. Khi phương Tây phụ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ, Trung Đông đàm phán lại để có được các thỏa thuận mang về nhiều lợi nhuận hơn. Anh sử dụng kênh đào Suez để nhập khẩu dầu mỏ của Trung Đông, và khi Ai Cập lấy lại kênh đào, đế quốc Anh bị đánh vào lòng kiêu hãnh về sức mạnh, đồng thời cũng phải trả giá dầu cao hơn.
Nền kinh tế không thể tăng trưởng nếu không tiêu thụ xăng dầu và các sản phẩm từ dầu mỏ. Trung Đông không chỉ sử dụng lợi thế kiểm soát dầu trong tìm kiếm lợi nhuận mà còn trong nghị sự chính trị. Sau khi Mỹ ủng hộ Israel trong chiến tranh Yom Kippur chống lại Ai Cập và Syria, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ Ả Rập đã đưa ra lệnh cấm vận dầu mỏ đối với phương Tây.
Kết quả nguồn cung trở nên khan hiếm, giá dầu tăng gấp 4 lần, các nền kinh tế bị tổn hại khiến cho phương Tây bắt đầu thăm dò các nguồn dầu mỏ khác để phá vỡ thế kìm hãm của Trung Đông.
Sau khi phát hiện trữ lượng dầu mỏ nằm dưới Biển Bắc và trải qua 1 thập kỉ đầu tư thăm dò, ngày 3/11/1975, dầu Biển Bắc lần đầu tiên vào bờ. Giá dầu ngày càng cao giúp việc khai thác dầu ở Biển Bắc - vốn có chi phí rất tốn kém - đã có lãi. Điều này mang tiền về cho ngân khố của Anh, tuy nhiên vẫn chưa giúp quốc gia này thoát được sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Đông.
Phương Tây vẫn phụ thuộc vào nguồn dầu Trung Đông, và điều này càng rõ ràng hơn khi Iraq xâm lược Kuwait và chiếm các mỏ dầu của nước này vào tháng 8/1990. Lực lượng Iraq phóng hỏa hơn 700 mỏ dầu Kuwait. Sau khi thất bại trong các cuộc đàm phán ngoại giao với các nhà lãnh đạo Iraq, liên quân do Mỹ dẫn đầu đã giải phóng Kuwait và chiếm đóng Iraq. Lúc này, giữ cho nguồn cung dầu thông suốt là mục tiêu chiến lược quan trọng.
Trong quá trình tìm kiếm phương pháp khai thác dầu mới, kỹ thuật “fracking” là bước tiến lớn. Kỹ thuật này bơm chất lỏng áp suất cao vào các khe nứt trên mặt đất để chiết xuất dầu từ đá chứa dầu (oil-bearing rock). Fracking dầu bắt đầu có lãi nhờ nguồn tiền từ chính phủ cũng như giá dầu cao, dẫn đến sản lượng dầu của Mỹ phát triển mạnh, giảm thiểu nhập khẩu từ Trung Đông. Vương quốc Anh cũng tìm kiếm các kỹ thuật mới để khai thác dầu và khí đốt ở các mỏ trong nước.
Những năm gần đây chứng kiến giá dầu giảm, các quốc gia Trung Đông lại 1 lần nữa sử dụng dầu để gây thiệt hại cho các quốc gia cung cấp dầu khác trong cuộc chiến tranh thương mại. Suy thoái kinh tế toàn cầu kéo theo nhu cầu về dầu giảm mạnh. Thay vì giảm nguồn cung, các quốc gia Ả Rập lại chọn cách duy trì nguồn cung và để giá dầu lao dốc. Chính điều này gây ảnh hưởng lớn đến các nhà sản xuất dầu mỏ của Mỹ, Nga hay Biển Bắc, hầu hết đều phụ thuộc vào giá dầu cao để có lợi nhuận. Cuối 2014, giá dầu giảm hơn 40% dẫn đến phương Tây cắt giảm đầu tư vào các dự án dầu mỏ mới.
Từ giữa năm 2016, giá dầu đạt ngưỡng 75 USD/thùng, lượng dầu lưu kho từ những năm 2014 được tận dụng triệt để do kinh tế toàn cầu tăng trưởng mạnh mẽ. Lúc này giá dầu liên tục bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố đầu cơ, xung đột chính trị,...
Riêng năm 2022, do cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, các nước phương Tây ban hành nhiều lệnh trực tiếp ảnh hưởng lên kinh tế Nga. Trong đó, là lệnh trừng phạt của Mỹ đối với lĩnh vực lọc dầu của Nga làm giá dầu trên thế giới liên tục biến động theo diễn biến từ cuộc chiến. Giá dầu hiện tại đang tăng không ngừng và vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
(Tại Việt Nam, vùng biển Bà Rịa – Vũng Tàu là nơi có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất nước, chiếm 93,29% so với cả nước, riêng dầu khí chiếm 16,2% trữ lượng cả nước)
Dù có sự phát triển song song với lịch sử nhân loại hiện đại, thế nhưng những sản phẩm từ dầu mỏ lại gây ra những ô nhiễm lớn cho môi trường, đặc biệt là các vụ tràn dầu thô trên biển. Các sự kiện ô nhiễm lớn nhất và gây thiệt hại nhất đối với môi trường đều đến từ các sự cố tràn dầu hoặc nhiên liệu từ các tàu chở dầu hay dàn khoan dầu bị hỏng trên biển.
Và việc con người quá phụ thuộc vào dầu mỏ lâu dài gây nên những biến đổi nặng nề tới môi trường lẫn các loài động thực vật. Đáng buồn là nếu so với bề dày tồn tại của nhân loại, thì khoảng thời gian phát triển của nền công nghiệp dầu mỏ khá ngắn, thế nhưng hậu quả mà môi trường phải gánh chịu lại vô cùng nặng nề kể từ khi ngành công nghiệp này xuất hiện.
Hiện tại, các nhà nghiên cứu đang từng ngày tìm kiếm thêm những nguồn nhiên liệu khác thay thế cho dầu mỏ, để một khi nguồn năng lượng hóa thạch này cạn kiệt thì nhân loại vẫn sẽ tiếp tục phát triển theo những hướng xanh, sạch hơn. Ví dụ như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, nhiên liệu sinh học…
Nguồn: Majaaa/Tinh tế