"Lãnh đạo Masan (Masan Group) gặp tôi 2-3 lần. Không chỉ có Masan mà hiện nay có 4-5 tập đoàn muốn tham gia”, ông So giải đáp câu hỏi của nhà đầu tư về việc Dabaco có kế hoạch hợp tác chiến lược với tập đoàn bán lẻ trong nước hay không. Vậy Dabaco có gì mà thu hút các ông lớn như vậy?

Cụ thể trong buổi chia sẻ với nhà đầu tư chiều 15/3, Chủ tịch Tập đoàn Dabaco Việt Nam Nguyễn Như So cho biết có nhiều doanh nghiệp muốn hợp tác, tuy nhiên các bên chưa "đến được với nhau" bởi đối tác muốn nắm 60% cả, thậm chí nắm 80% cổ phần Dabaco.

Dabaco có gì khiến nhiều tập đoàn trong và ngoài nước đều muốn hợp tác như vậy?

Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Dabaco – Mã DBC) của doanh nhân Nguyễn Như So có trụ sở tại Bắc Ninh. Dabaco được biết đến là doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực chăn nuôi, giống gia súc, gia cầm và chế biến thực phẩm.

Theo thông tin tự giới thiệu, Dabaco đang hoạt động tại 3 mảng cốt lõi là thực phẩm, nuôi lợn và giống gà. Song song, Công ty có nghề tay trái là bất động sản và mới thêm một nhà máy ép dầu. Trong đó, chi tiết từng mảng gồm:

+ Về giống gà, Dabaco đang là đơn vị sản xuất giống gà lớn nhất hiện nay của cả nước, đặc biệt là gà màu và chủ trương không làm gà trắng. Công ty hiện có 2 nhà máy tại miền bắc và Bình Phước, dự kiến tổng công suất năm 2021 sẽ tăng từ 37 triệu con/năm lên 60 triệu con/năm (ước tính con số cả nước vào khoảng 160-170 triệu/năm).

+ Về mảng thực phẩm, riêng sản phẩm trứng, Dabaco chú trọng trứng giá trị gia tăng chứ không sản xuất trứng tươi, mục tiêu sẽ chiếm 40% thị phần trứng gia tăng yếu tố OMG3, DHA, trứng gà xanh cũng như là trứng ăn liền.

Theo lộ trình, Dabaco hướng đến ngành thực phẩm phải đi sâu hơn, thậm chí phải đi rất sâu, Chủ tịch bày tỏ. Và để tạo thành chuỗi mạnh hơn, Dabaco xác định phải nghiên cứu rất nhiều sản phẩm, ví dụ trứng Dabaco đặt mục tiêu sẽ phát triển sâu hơn nữa.

+ Về chăn nuôi lợn, Dabaco từ năm 2017 đã bắt đầu triển khai mở rộng trại chăn nuôi. Tổng đàn hiện nay của Công ty vào khoảng 40.000 con lợn nái, mục tiêu tăng lên 60.000-65.000 con. Tương ứng, Công ty phải mở rộng thêm các trại tại Bình Phước, Hoà Bình.

Chủ tịch Dabaco Nguyễn Như So

Theo chia sẽ của ông Nguyễn Như So, các nhà máy Dabaco đang làm theo quy hình khép kín, mỗi đơn vị sẽ có khoảng 60.000-70.000 lợn thịt thường xuyên. Nếu năm 2020 Công tycos bán ít giống ra ngoài, thì sang năm 2021 sẽ không bán mà đem nuôi thịt. Hiện, Dabaco chỉ đứng sau CP Vietnam (thuộc Tập đoàn Thái Lan).

Ngoài lĩnh vực chăn nuôi Dabaco còn 2 mảng tay trái còn lại là bất động sản và khách sạn cũng rất tiềm năng. Cụ thể hiện Công ty đang sở hữu hai dự án là Lotus Centre và dự án Huyền Quang đều tại Bắc Ninh, với doanh thu dự kiến lần lượt là 845 tỷ và 802 tỷ đồng.

Với lĩnh vực công nghiệp chế biến, Dabaco đang có Nhà máy ép dầu và năm 2020 bắt đầu có lợi nhuận 55 tỷ đồng. Dabaco dự kiến sẽ hoàn tất mở rộng giai đoạn 2 nhà máy trong năm 2022, nâng tổng công suất lên 3 lần so với hiện tại.

Những lợi thế trên thực tế cũng đã thể hiện rất rõ trong kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này. Năm 2020, doanh thu bán hàng Dabaco đạt 10.189 tỷ đồng, tăng 39,5% so với năm 2019. LNTT đạt 1.553,97 tỷ đồng, gấp 4,5 lần và LNST vào mức 1.400 tỷ, gấp 4,58 lần năm ngoái.

Năm 2021, HĐQT Dabaco đưa ra chỉ tiêu doanh thu kế hoạch 12.100 tỷ đồng (chưa bao gồm doanh thu nội bộ), tăng 20% so với năm trước. Hai mảng lớn nhất là thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi lợn cùng đóng góp tỷ trọng 38%.

Ngược lại, lợi nhuận trước thuế dự kiến giảm 40% xuống còn 928 tỷ đồng, riêng mảng bất động sản dự đóng góp 100 tỷ đồng. Theo ông So, kế hoạch này được xây dựng trên cơ sở thận trọng với giả định giá lợn hơi bình quân chỉ 50.800 đồng/kg.

Tuy nhiên, giá thị trường đang khoảng 76.000 đồng/kg, nếu giá thành tiếp tục khả quan kết quả thực tế có thể đi xa hơn nữa, lãnh đạo khẳng định. Trong đó, với sản lượng dự kiến của năm nay, ông So nhận định giá lợn rất khó xuống dưới 75.000 đồng/kg, bởi giá nông sản tăng và chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, dịch bệnh nhiều sẽ khiến chi phí nuôi của người dân cao hơn.