Ít ai ngờ rằng, đằng sau gói mì tiện lợi chỉ cần nước sôi ấy là câu chuyện về một doanh nhân từng phá sản, từng ngồi tù, nhưng không bao giờ chịu khuất phục số phận.
Khởi đầu từ con số 0 và một trái tim khao khát đổi đời
Sinh ra năm 1910 tại Đài Loan, ông Ando mang trong mình dòng máu Hoa - Nhật và tinh thần kinh doanh sớm bộc lộ. Ở tuổi 22, ông đã thành lập công ty buôn bán sợi dệt, nhanh chóng gặt hái thành công và mang giấc mộng lớn sang Nhật Bản, vừa học kinh tế vừa mở rộng hoạt động kinh doanh.
Nhưng rồi chiến tranh thế giới bùng nổ. Nhà xưởng hóa thành đống đổ nát, tài sản tan biến chỉ sau một trận bom. Những gì Ando gây dựng đều mất sạch.
Vào t.ù, phá sản và cú trỗi dậy tưởng chừng không thể
Sau khi chuyển hướng kinh doanh linh kiện cho quân đội, ông bị cáo buộc trốn thuế và bị giam năm 1948. Hai năm sau được thả, ông trở về với hai bàn tay trắng giữa một nước Nhật điêu tàn vì hậu chiến.
Thế nhưng chính trong nghịch cảnh, ông lại nhen nhóm một ý tưởng lớn, giúp người dân có thể ăn no nhanh chóng mà không cần tốn nhiên liệu hay thời gian. Và thế là công ty Nissin ra đời, khởi đầu từ một xưởng nhỏ, nơi ông mày mò tạo ra món ăn... thay đổi cả thế giới.
Khám phá vĩ đại đến từ căn bếp gia đình
Trong một lần giúp vợ nấu ăn, ông vô tình phát hiện ra cách để mì hút nước và chín nhanh nhờ chiên qua dầu. Hàng trăm lần thử nghiệm đã diễn ra. Và rồi, tháng 8/1958, gói mì gà “Chikin Ramen” đầu tiên chính thức ra đời. Không cần bếp, không cần nồi, chỉ cần nước sôi.
Dù giá bán lúc đó thuộc hàng “xa xỉ”, Chikin Ramen vẫn bán chạy như tôm tươi. Chỉ vài tháng sau, ông mở rộng nhà máy, công ty Nissin trở thành cái tên tiên phong trong ngành mì ăn liền.
Từ gói mì sang cốc mì, không ngừng đổi mới
Năm 1971, nhận thấy nhiều người pha mì bằng… cốc cà phê, ông tiếp tục cải tiến và tạo ra mì cốc (Cup Noodles) phát minh đưa sự tiện lợi lên một tầm cao mới. Và một lần nữa, thế giới lại đón nhận sản phẩm ấy bằng cả sự hào hứng và thán phục.
Từ phát minh nhỏ trở thành biểu tượng quốc gia
Mì ăn liền nhanh chóng trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống người Nhật, rồi lan ra toàn cầu. Đến đầu những năm 2000, người Nhật xếp mì ăn liền vào nhóm những sáng tạo vĩ đại nhất của quốc gia sánh vai cùng công nghệ điện tử lừng danh.
Momofuku Ando không chỉ sáng lập Hiệp hội mì ăn liền Nhật Bản mà còn đặt nền móng cho chuẩn chất lượng ngành thực phẩm đóng gói. Năm 1999, bảo tàng Instant Ramen mang tên ông được thành lập, vinh danh hành trình từ con số 0 đến huyền thoại của một con người vĩ đại.
Kết thúc một đời nhưng di sản thì sống mãi
Năm 2007, ông Ando qua đời ở tuổi 96. Doanh nghiệp mì của ông vẫn đều đặn mang về hàng trăm triệu USD mỗi năm. Và thế giới, hàng tỷ người vẫn tiếp tục ăn món ăn mà ông từng dành cả đời nghiên cứu.
Tên ông được đặt cho học bổng danh giá tại trường Đại học Ritsumeikan, nơi từng nuôi dưỡng ước mơ khởi nghiệp của ông.