Công ty TNHH lọc hoá dầu Nghi Sơn (NSRP) vừa có văn bản gửi lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá về việc ngừng hoạt động tổ hợp lọc hoá dầu Nghi Sơn do không đủ nguồn tiền mặt để xoay sở.

“Công ty đã phải hủy nhập 2 tàu dầu thô so với kế hoạch ban đầu. Từ 18/1, NSRP đã phải giảm công suất vận hành nhà máy từ 105% xuống 80%. Nguyên nhân là do PVN chưa phê duyệt gia hạn thỏa thuận RPA và thanh toán sớm FPOA, cả hai đều là nguồn tiền mặt cần thiết để NSRP duy trì hoạt động,” văn bản nêu.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cho biết dự kiến sẽ ngừng hoạt động hoàn toàn vào khoảng 13/2 nếu tình hình hiện tại kéo dài khiến số dư tiền mặt không được cải thiện.

4831-loc-dau1-1643171789.jpeg

NSRP hiện đang chiếm đến 35% nguồn cung dầu tại thị trường Việt Nam. Chính vì vậy, nguy cơ thiếu hụt nguồn cung xăng dầu nội địa có thể xảy ra trong thời gian tới.

Doanh nghiệp đầu mối ngồi trên đống lửa

Nguồn tin từ Tuổi Trẻ Online cho biết một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu có hệ thống trên cả nước cho biết tình trạng khan hàng bắt đầu diễn ra khoảng 1 tuần nay, khi Nghi Sơn “nói miệng” là giảm nguồn cung do không thể duy trì chạy hết công suất với lý do không đủ dầu thô. Doanh nghiệp này bị giảm khoảng 45% nguồn cung ứng và phải đối diện với nguy cơ thiếu hàng trong thời gian tới.

“Việc này quá đột ngột với chúng tôi khi mua từ nguồn của Nghi Sơn chiếm tới 40%, trong khi đã cận Tết, việc đàm phán mua bán nhập khẩu xăng dầu rất khó khăn vì sẽ bị ép giá rất cao. Trên thị trường cũng không còn hàng để mua, vì Trung Quốc cắt giảm sản lượng, nên thế giới cũng khan hiếm hàng,” đại diện doanh nghiệp chia sẻ.

Trước tình hình trên, một số doanh nghiệp chiếm thị phần lớn trên thị trường xăng dầu đã có văn bản gửi Bộ Công thương, nêu ra nguy cơ thiếu nghiêm trọng nguồn cung xăng dầu cho thị trường nội địa. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đánh giá, việc Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đột nhiên dừng hoạt động, ngưng cung cấp xăng dầu không có lý do thỏa đáng là “rất nghiêm trọng.”

Trong văn bản, Petrolimex cho biết năm 2022 đơn vị nhập khoảng 235.000 - 265.000 m3 xăng dầu/tháng từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn qua công ty thuộc PVN. “Sự việc nhà máy lọc dầu Nghi Sơn ngưng cung cấp xăng dầu mà không có lý do thỏa đáng là rất nghiêm trọng, không tuân thủ hợp đồng và thông lệ quốc tế, khiến Petrolimex không thể có giải pháp xử lý kịp thời,” đơn vị này nhấn mạnh.

Do đó, tập đoàn này đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến để Tập đoàn Dầu khí Quốc gia và Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn thông báo chính thức về tình hình hoạt động và kế hoạch cung cấp hàng hóa của đơn vị kịp thời tới các doanh nghiệp đầu mối.

Phía Petrolimex cũng cho biết sẽ yêu cầu doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm của Nghi Sơn, nếu cung ứng thiếu so với hợp đồng phải có nghĩa vụ mua bổ sung nguồn hàng thay thế theo quy định của Nghị Định 95. Đồng thời cố gắng tìm kiếm nguồn hàng nhập khẩu bổ sung và điều tiết hệ thống phân phối để đáp ứng tốt nhất theo khả năng và tồn kho thị trường. 

Trước tình hình trên, Bộ Công Thương yêu cầu Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn phải báo cáo tiến độ, kế hoạch và tiến độ giao hàng các hợp đồng đã ký với các thương nhân đầu mối xăng dầu không để ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu trong nước.

Dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hoá) nằm trong Khu kinh tế mở Nghi Sơn huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa có công suất giai đoạn 1 là 200.000 thùng dầu thô một ngày, tương đương 10 triệu tấn dầu thô mỗi năm. Công suất này gần gấp đôi Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi).

Dự án này do liên doanh 4 nhà đầu tư trong nước và quốc tế gồm: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Công ty Dầu khí Quốc tế Kuwait KPI (Kuwait), Công ty Idemitsu và Công ty Hóa chất Mitsui (Nhật Bản). Tổng vốn đầu tư 9 tỷ USD, vốn điều lệ của Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn là 2,44 tỷ USD. Phần lớn vốn giải ngân cho dự án này là vay ngân hàng, còn lại do các bên góp vốn.

Dự án này được hưởng hàng loạt ưu đãi, trong đó có thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 70 năm; được cấp bù (từ tiền của PVN) giai đoạn 2017-2027 nếu thuế suất áp dụng chung trên thị trường thấp hơn thuế ưu đãi; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm (chỉ phải nộp thuế suất bình quân 10% trong 70 năm sau đó).

PVN là đơn vị bao tiêu sản phẩm của Nghi Sơn trong 15 năm, với giá mua buôn tương đương nhập khẩu cùng thời điểm cộng với ưu đãi thuế nhập khẩu 3-7%