Tới thời điểm hiện tại, xăng dầu đã được điều chỉnh giảm giá bán 4 kỳ liên tiếp, từ mức giá gây ồn ào dư luận trên 33.000 đồng/lít, về sát mốc 24.600 đồng/lít. Thế nhưng, mặt bằng giá cả hàng hóa hiện nay vẫn chưa giảm như kỳ vọng của người dân. Thậm chí, các đầu mối lại dựa vào lý do đứt gãy chuỗi cung ứng và liên tục tăng giá. Việc này liệu có công bằng với người tiêu dùng, có phải là lợi dụng tình hình, chỉ nghĩ cho bản thân doanh nghiệp? 

vua-banh-mi-kao-sieu-luc-nhan-dinh-tang-gia-hanh-vi-gian-thuong-loi-dung-tinh-hinh-khong-cong-bang-voi-nguoi-tieu-dung-1659668351.jpg

Tăng giá bán là lợi dụng tình hình

Nói về điều này, ông Kao Siêu Lực - Tổng giám đốc Công ty Bánh kẹo Á Châu đã một mực phản đối. 

Dẫn chứng từ doanh nghiệp của ông, ông cho hay những nguyên liệu quan trọng nhất với phía ông để làm bánh là bột mì và bơ dù nhập khẩu nhưng không có tình trạng mỗi ngày một giá. Bởi vì khi ký hợp đồng với nhà nhập khẩu trong ít nhất 6 tháng, thì phía doanh nghiệp sẽ có đủ nguyên liệu để sản xuất trong thời gian đó, việc tăng giá theo ngày sẽ không xảy ra, từ đó không thể tăng giá bán ra cho người tiêu dùng. 

"Cho nên nói đứt gãy nguồn cung, nói ảnh hưởng xung đột mà tăng giá là hành vi lợi dụng tình hình tạo khan hiếm ảo để tăng giá", ông Lực khẳng định. 

Với các hành vi tăng giá bán sản phẩm, ông gọi đó là gian thương, không công bằng với người tiêu dùng.

Vị doanh nhân chân chính này thậm chí còn đưa ra một khía cạnh khác về lợi thế kinh doanh của ABC, rằng: "Chúng tôi gần như độc quyền cung cấp hamburger cho các hệ thống thức ăn nhanh trên địa bàn thành phố. Với lợi thế này, chúng tôi hoàn toàn có thể tăng giá bán với lý do nguyên liệu nhập khẩu tăng giá. Nhưng mình không thoải mái khi lợi dụng tình hình như thế".

Doanh nhân người Việt gốc Hoa này còn khẳng định một khi nông sản nguyên liệu nhập khẩu có ảnh hưởng từ xung đột tại Ukraine, thì để tác động đến ABC Bakery cũng phải đến chu kỳ tháng 10 tới đây. Thời điểm này, việc thông thương hàng hóa giữa Nga, Ukraine và thị trường thế giới đã được nối lại, điển hình là một số mặt hàng quan trọng như nông sản, khí đốt, phân bón…, đó là tín hiệu tích cực, ông Lực cho biết thêm. 

kao-sieu-luc-1659671580.jpeg

Chặng đường vươn lên từ khó khăn và cơ duyên với bánh mì

Ông Lực sinh ra trong một gia đình gốc Hoa nghèo ở Campuchia, nay ông đã bước sang tuổi 59. Cơ duyên đến với Việt Nam cũng từ việc cả gia đình ông phải sang Việt Nam nhằm tránh nạn Pol Pot – Khmer Đỏ lúc bấy giờ. Đến năm 20 tuổi, ông phải cật lực mưu sinh, kiếm những đồng tiền nhỏ giọt để lo cho cả gia đình.

Từ việc chạy xe ba gác thuê, chuyển sang buôn bán gạo và giao bột mì cho các lò bánh. Cuộc sống vẫn còn vất vả, ông quyết định đến các lò bánh để học cách làm và ông thử nghiệm thành công món bánh bông lan, sản phẩm đầu tay của ông. 

Có lẽ, đa số những ông chủ lớn đều xây dựng nên một thương hiệu từ niềm đam mê rơi vụng trong suốt hành trình kiếm sống, lập nghiệp. 

Năm 1987, ông Kao Siêu Lực cùng vợ là bà Dư Đức Phát sáng lập nên thương hiệu bánh Đức Phát. Trước đó, ông đã nghiên cứu thử nghiệm thành công máy đánh bột để phục vụ cho con đường làm ăn của mình. Bánh Đức Phát đã phát triển mạnh mẽ trong 20 năm sau đó, cùng sự ủng hộ từ khách hàng trong và ngoài nước. 

Tuy nhiên, đến năm 2005, ông Kao Siêu Lực đã ly hôn với vợ và nhượng lại thương hiệu Đức Phát cho bà, ông ra đi chỉ với vỏn vẹn 400 USD trên người. Để rồi ngày nay, chúng ta lại thấy những chuỗi cửa hàng bánh ACB Bakery được gầy dựng nên ngày một nhiều, với niềm đam mê luôn bùng cháy và tâm huyết từ người thuyền trưởng họ Kao.

Trong một đợt phỏng vấn, ông có chia sẻ lại cảm xúc về lần "chia tay" thương hiệu bánh này:

"15 năm trước, tôi rớt nước mắt từ bỏ thương hiệu Đức Phát, y hệt người ta bỏ đứa con của mình. Nhưng 3 đứa con đều theo cha hết. Có thể tới 95% trong các cuộc ly dị, con cái sẽ theo mẹ nhưng tôi nằm trong 5% còn lại. 15 năm trước đây, người ta đâu biết ABC là cái gì, hoàn toàn xa lạ. Nhưng tôi phải cho bản thân một động lực, một tay tôi đưa Đức Phát lên thì giờ cũng đưa ABC lên được".

vua-banh-mi-kao-sieu-luc-nhan-dinh-tang-gia-la-hanh-vi-gian-thuong-loi-dung-tinh-hinh-khong-cong-bang-voi-nguoi-tieu-dung-1659670304.jpg

Đây là một vị doanh nhân nhận được rất nhiều sự quý trọng từ các khách hàng, người dân Việt Nam. 

Vào đợt dịch Covid-19 năm 2020, Công ty Bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery) còn sáng tạo và sản xuất ra bánh mì thanh long, nhằm mục đích hỗ trợ tiêu thụ thanh long để giải cứu nông dân. 

Ông Kao Siêu Lực là người trực tiếp thử nghiệm thành công bánh mì thanh long này. Thời điểm đó, ông cho biết với giá bán 6.000đ/ổ, công ty chưa tính lời lỗ mà chủ yếu là "giải cứu" thanh long cho bà con, đồng thời giới thiệu sản phẩm mới.

kao-sieu-luc-banh-mi-1659672883.jpeg

Ông còn được coi là tấm gương sáng trong ngành kinh doanh dịch vụ F&B, bởi ngoài dịch vụ thấu đáo, giá cả sản phẩm tại đây cũng phải chăng, đi đôi với chất lượng, rất được lòng người dân Việt Nam, thậm chí là khách du lịch nước ngoài. 

"Một doanh nghiệp lớn không nên có hành động giống với một đại lý nhỏ chộp giật được. Quan điểm của nhà quản lý rất tuyệt.", một bạn đọc cho hay. 

Nếu mỗi một doanh nghiệp đều giữ được nguyên tắc và đạo đức kinh doanh thì ai cũng sẽ hưởng lợi. Ngay cả như Công ty Bánh kẹo ABC, luôn đi đầu với cái tâm và tầm trong mọi khâu vận hành tổ chức, bởi vậy nên dù trải qua nhiều khó khăn mùa dịch, ảnh hưởng kinh tế khác, doanh nghiệp của ông Kao Siêu Lực vẫn trường tồn. "Phúc Lâu Giàu Bền" có lẽ là câu nói dành cho ông vua bánh mỳ Kao Siêu Lực, một tấm gương đầy nghị lực để cho các bạn trẻ noi theo.