Chỉ sau ba ngày giao dịch trên thị trường UPCoM, cổ phiếu VAB của Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank – Mã) đã tăng tổng cộng gần 69%, lên mức 22.800 đồng/cp.
Trước đó, gần 445 triệu cổ phiếu VAB bắt đầu giao dịch trên thị trường UPCoM với giá từ giá tham chiếu 13.500 đồng/cp. Ngay trong phiên chào sàn, cổ phiếu này đã tăng kịch mức cho phép 40% lên 18.900 đồng/cp. VAB tiếp tục tăng mạnh trong 2 phiên sau đó với phiên 21/7 tăng trần 15% và phiên 22/7 tăng 9,62%.
Với thị giá hiện tại, vốn hóa của VietABank đạt gần 10.150 tỷ đồng, vượt qua một loạt các ngân hàng như PG Bank, Kienlongbank, Saigonbank, VietBank, Viet Capital Bank, Nam A Bank.
Theo bản công bố thông tin, tính đến ngày 25/6/2021, VietABank có 1.913 cổ đông và toàn bộ đều là cổ đông trong nước. Cụ thể, có hai cổ đông nhà nước chiếm 3,74% vốn điều lệ ngân hàng, 32 cổ đông tổ chức nắm giữ 32,16% vốn và 1.879 cổ đông cá nhân sở hữu 64,1%.
Trong đó, Chủ tịch HĐQT Phương Hữu Việt là lãnh đạo sở hữu nhiều cổ phần nhất tại VietABank với hơn 20,2 triệu đơn vị, tương ứng với 4,55% vốn điều lệ. Đà bứt tốc của VAB giúp tài sản của ông Việt tăng thêm gần 190 tỷ đồng chỉ sau 3 ngày.
Ngoài ra, ông Việt cũng được biết tới là người sở hữu CTCP Tập đoàn đầu tư Việt Phương – cổ đông lớn nhất của VietABank với tỷ lệ sở hữu 12,21% vốn, trị giá hơn 1.200 tỷ đồng.
Ông Phương Hữu Việt, sinh năm 1964, từng có thời gian học Đại học Hàng Hải Odessa tại Nga giai đoạn 1982-1988.
Giai đoạn 1989-1995, ông Việt về nước công tác tại Bộ Công An, được biệt phái làm Chủ tịch Công ty Thương mại, Đầu tư và Du lịch Việt Phương - nay là CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương (đến tháng 3/2011). Năm 1996, ông học quản trị kinh doanh cao cấp tại Hoa Kỳ.
Ngoài vai trò tại VietABank và CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương, ông Việt còn đảm trách các chức vụ Chủ tịch Hội các nhà DN trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Ucraina...
Về Tập đoàn đầu tư Việt Phương của ông Phương Hữu Việt, tập đoàn này ở hữu một danh mục các dự án thủy điện như: Thủy điện Nậm Be (Tân Uyên, Lai Châu); Thủy điện Tà Niết (Mộc Châu, Sơn La); Thủy điện Mường Mươn và Thủy điện Huổi Vang (Mường Chà, Điện Biên); Thủy điện Chấn Thịnh (Văn Chấn, Yên Bái), Thủy Điện A Vương 3 và 5 (Đông Giang, Quảng Nam).
Bên cạnh đó, Việt Phương là cổ đông của CTCP Đầu tư Năng lượng Trường Thịnh – chủ sở hữu nhiều dự án thủy điện nhỏ ở Tây Nguyên như: Tà Vi, Đăk Bla 1, Đăk Ne, Đăk Pia.
Việt Phương còn sở hữu mỏ cát trắng 406,36 ha tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, công suất từ 0,5-1 triệu tấn/năm; sở hữu CTCP Vàng Vaco. Ngoài ra, đế chế Việt Phương còn góp mặt tại một số dự án bất động sản và một số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ.