Cuối tháng 3 vừa qua, thông tin việc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam - VNPost muốn thoái vốn khỏi Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank - LPB) nhận được sự chú ý của nhiều nhà đầu tư.

VNPost dự kiến bán đấu giá 140,5 triệu cổ phần LPB (tương đương 8,1% vốn điều lệ) vào ngày 21/4/2023. Giá khởi điểm cho cổ phiếu này là 22.908 đồng/cổ phiếu. Ước tính theo giá khởi điểm, VNPost có thể thu về tối thiểu 3.218,5 tỷ đồng nếu đấu giá bán thành công số cổ phiếu LPB sở hữu.

Tuy nhiên, theo thông tin vừa được Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố, phiên đấu giá dự kiến sẽ diễn ra mấy ngày tới sẽ không được tổ chức. Nguyên nhân là do đến hết thời hạn đăng ký và đặt cọc (15h30 ngày 14/4/2023) không có nhà đầu tư đăng ký tham gia mua cổ phần của công ty.

Do đó, theo quy định tại Điều 14 Quy chế bán đấu giá cổ phần của LienVietPostBank do VNPost sở hữu, phiên đấu giá cổ phần không đủ điều kiện để tổ chức.

Đây không phải lần đầu tiên VNPost thoái vốn bất thành tại LPB. Trước đó, năm 2022 VNPost từng thực hiện bán đấu giá gần 122,2 triệu cổ phần LPB với giá khởi điểm 28.930 đồng/cổ phiếu, tương đương hơn 3.500 tỷ đồng cho toàn bộ lô cổ phần. Kết quả, chỉ có 7 nhà đầu tư cá nhân trong nước mua 800 cổ phiếu LPB với giá đấu bình quân 29.483 đồng/cổ phiếu.

Nguyên nhân số cổ phiếu trên không được mua theo kỳ vọng là do trùng thời điểm giá cổ phiếu xuống. Số cổ phiếu VNPost sở hữu đã được định giá và không được bán thấp hơn mức định giá. 

LienVietPostBank thành lập năm 2008 với tên gọi Ngân hàng TMCP Liên Việt và 3 năm sau đó đổi tên thành Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt. Sau 9 lần tăng vốn điều lệ, tính đến thời điểm tháng 1/2023, vốn điều lệ thực góp của ngân hàng là hơn 17.291 tỷ đồng.

Quy mô tài sản của LienVietPostBank tại ngày 30/6/2022 đứng thứ 13 trong tổng số 27 ngân hàng niêm yết/đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán tại Việt Nam, trong đó đứng thứ 10 trong top các ngân hàng tư nhân có tổng tài sản lớn nhất.

Tính đến 31/12/2022, dư nợ cho vay đạt 235.507 tỷ đồng, tăng 12,71% so với năm trước đó và tỉ lệ nợ xấu vẫn được duy trì ở mức an toàn, bằng 1,46% tổng dư nợ cho vay khách hàng (thuộc nhóm các tổ chức tín dụng có tỉ lệ nợ xấu thấp nhất trong hệ thống).

LPB là ngân hàng này không đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và có tỷ trọng cho vay thấp đối với lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là các doanh nghiệp phát triển BĐS (chỉ chiếm 0,42% tổng dư nợ cho vay) vốn đang gặp khó khăn về dòng tiền. Trong 2023 -  2024, dự phóng chi phí dự phòng theo đánh giá của VNDirect lần lượt ở mức 3,0 nghìn tỷ đồng/3,2 nghìn tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ 1,2%/1,1% dư nợ cho vay bình quân, so với 1,4% trong năm 2022.

Thu nhập lãi thuần trong năm 2022 của ngân hàng này tăng 31,97%, đạt gần 11.900 tỷ đồng và hoàn thành 110,01% kế hoạch năm 2022. Tăng trưởng tín dụng tốt (tăng 18%). Lợi nhuận sau thuế tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ khi đạt 4.510 tỷ đồng – mức cao nhất kể từ khi thành lập và lớn hơn gấp 1,57 lần so với năm 2021, vượt 17,45% so với kế hoạch năm 2022.

LienVietPostBank hiện đang đầu tư góp vốn vào Công ty cổ phần (CTCP) Chứng khoán Liên Việt và CTCP điện Việt-Lào với tổng giá trị vốn góp gần 316 tỷ đồng.

Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2015 quy định về tổ chức và hoạt động của phòng giao dịch bưu điện trực thuộc LienVietPostBank của Ngân hàng Nhà nước thì khi VNPost giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 5%, các phòng giao dịch bưu điện của LPB sẽ không được nhận tiền gửi tiết kiệm và phải có biện pháp chi trả hết tiền gửi tiết kiệm của khách hàng đã nhận trước đó. Các PGD bưu điện sẽ đóng cửa sau khi các khoản tiền gửi được chi trả.