Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2015 quy định về tổ chức và hoạt động của phòng giao dịch (PGD) bưu điện trực thuộc Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank).
(Nguồn: NHNN - Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 43/2015/TT-NHNN (sbv.gov.vn)
Theo đó, kể từ ngày VNPost thoái vốn xuống dưới mức 5% vốn điều lệ của LienVietPostBank, PGD bưu điện không được thực hiện hoạt động nhận tiền gửi tiết kiệm. Đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm đã nhận trước đó và đến hạn trả, LienVietPostBank, PGD bưu điện phải có biện pháp chi trả hết tiền gửi tiết kiệm của khách hàng. Trường hợp không chi trả hết tiền gửi tiết kiệm đến hạn do nguyên nhân khách quan, LienVietPostBank tiếp nhận và xử lý theo quy định pháp luật.
Dự thảo thông tư còn quy định, PGD bưu điện có tối thiểu 3 người, trong đó có 1 người là kiểm soát viên hoặc chức danh tương đương làm nhiệm vụ kiểm soát và phê duyệt các giao dịch hàng ngày phải là nhân sự của LienVietPostBank. PGD bưu điện bị bắt buộc chấm dứt hoạt động khi hoạt động không đúng nội dung quy định, đã chi trả hết tiền gửi tiết kiệm của khách hàng.
Trước đó, ngày 2/2/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có Văn bản số 517/NHNN-TTGSNH chấp thuận đề nghị của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) về việc chuyển nhượng hơn 140,5 triệu cổ phần của LPB do VNPost sở hữu.
Ngoài ra, người đại diện phần vốn góp của VNPost tại LienVietPostBank đã chấm dứt tư cách thành viên HĐQT của LienVietPostBank, không tham gia quản trị điều hành tại LienVietPostBank.
Được biết, VNPost và LienVietPostBank bắt đầu có hợp tác từ giữa năm 2011. Tại thời điểm VNPost góp vốn và trở thành cổ đông của LienVietPostBank, tổng số Bưu cục cung cấp dịch vụ tiết kiệm bưu điện là 798. Sau khi VNPost góp vốn vào LienVietPostBank, các Bưu cục cung cấp dịch vụ tiết kiệm bưu điện chuyển thành 798 PGDBĐ của LienVietPostBank. Tổng số PGDBĐ tại thời điểm 20/6/2022 là 585 PGDBĐ
Để hạn chế rủi ro, đảm bảo an toàn tài sản của người gửi tiền và an toàn hoạt động của LienVietPostBank, trong Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2015/TT-NHNN quy định về tổ chức và hoạt động của phòng giao dịch bưu điện trực thuộc Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt mới xây dựng, NHNN đề xuất, LienVietPostBank không được thành lập mới phòng giao dịch bưu điện (PGDBĐ), không nâng cấp PGDBĐ.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ủy quyền Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nơi đặt trụ sở PGD bưu điện thực hiện chấp thuận hoặc không chấp thuận việc chấm dứt hoạt động PGD bưu điện trên địa bàn; xác nhận đủ điều kiện hoạt động tại địa điểm mới đối với PGD bưu điện thay đổi địa điểm trên địa bàn; bắt buộc chấm dứt hoạt động PGD bưu điện trên địa bàn.