Mới đây, Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam - PVcomBank được xướng tên trong Bảng xếp hạng FAST500 - 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2024, đồng thời đứng thứ 14/19 doanh nghiệp ngành ngân hàng lớn nhất Việt Nam, tăng 4 bậc so với năm 2023.
Bảng xếp hạng FAST500 - Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam được xếp hạng dựa trên kết quả nghiên cứu và đánh giá độc lập theo chuẩn mực quốc tế của Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) và được công bố thường niên bởi báo điện tử VietNamNet.
Không chỉ được xếp hạng cao trong FAST500, PVcomBank đang được biết đến là ngân hàng có lãi suất cao nhất Việt Nam với 9,5%/năm cho kỳ hạn gửi 12-13 tháng.
Tuy nhiên, để được hưởng mức lãi suất cực cao này, khách hàng cần đáp ứng điều kiện gửi tối thiểu 2.000 tỷ đồng tại quầy và chỉ áp dụng cho sản phẩm lĩnh lãi cuối kỳ.
Ở điều kiện thường, PVcomBank đang niêm yết lãi suất trong phạm vi 2,85 - 4,8%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn 1 - 36 tháng có phương thức lĩnh lãi cuối kỳ. Nếu khách hàng gửi tiền tại quầy chỉ nhận lãi suất ở mức 4,5%/năm.
Lãi suất tiền gửi tại kỳ hạn 1 - 5 tháng đều là 2,85%/năm, không đổi so với cùng kỳ tháng trước. Theo đó, từ 6 tháng đến 11 tháng lãi suất tiết kiệm được ấn định là 4%/năm.
Dưới đây là biểu lãi suất tiền gửi thông thường của PVcomBank dành cho khách hàng cá nhân gửi tại quầy:
- Lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 1 - 3 tuần: 0,5%/năm.
- Lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 1 - 5 tháng: 2,85%/năm.
- Lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 6 - 11 tháng: 4,0%/năm.
- Lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 12 tháng: 4,5%/năm.
- Lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 13 tháng: 4,7%/năm.
- Lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 15 - 36 tháng: 4,8%/năm.
--`----------------------------------
PVcomBank của ai, làm ăn ra sao?
PVcomBank thành lập năm 2013 trên cơ sở hợp nhất giữa Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) và Ngân hàng TMCP Phương Tây (WesternBank).
Ngân hàng này hiện có vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng, tổng tài sản 200.000 tỷ đồng, với mạng lưới hàng trăm phòng giao dịch trên toàn quốc. Hai cổ đông lớn là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (tỷ lệ sở hữu 52%) và Morgan Stanley International Holdings Inc (7%), còn lại trên 41,3% do các tổ chức, cá nhân khác nắm giữ.
Theo đề án cơ cấu đến 2025 được Phó thủ tướng Lê Minh Khái thừa ủy quyền Thủ tướng ký, ban hành, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phải giảm sở hữu tại PVcomBank về mức 15% vốn điều lệ tới cuối 2025.
Chủ tịch HĐQT của ngân hàng này hiện tại là ông Nguyễn Đình Lâm. Ông Nguyễn Đình Lâm (SN: 1970) có trình độ cử nhân Pháp luật quốc tế (Đại học Luật Hà Nội) và là thạc sĩ Quản trị kinh doanh (Đại học Kinh tế Quốc dân). Ngoài vị trí Chủ tịch HĐQT PVComBank, ông Lâm còn là Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC).
Về quá trình làm việc, trong khoảng thời gian năm 2004-2005, ông làm Giám đốc Xí nghiệp Phát triển công nghệ và hạ tầng (thuộc Công ty Xây dựng số 4, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội). Từ tháng 4/2005 đến tháng 3/2006 là Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây Dựng số 4 (Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội).
Giai đoạn từ tháng 3/2006 đến tháng 8/2007, là Giám đốc Ban Điều hành thi công xây dựng dây chuyền số 2 -công trình nhà máy xi măng Nghi Sơn - Thanh Hóa của Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội. Từ tháng 8/2007 đến tháng 2/2008, ông Nguyễn Đình Lâm chuyển sang làm Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Điện lực dầu khí.
Từ tháng 2/2008 ông Lâm làm Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) cho đến tháng 12/2008. Và từ tháng 1/2009 ông Lâm ngồi ghế Chủ tịch HĐQT PVFC cho đến nay. Như vậy, ghế Chủ tịch HĐQT PVFC cũng chỉ ông Lâm ngồi đến nay đã gần 15 năm.
Đồng thời, từ tháng 9/2013 đến nay, ông Lâm cũng là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại chúng (PVComBank).
Về kết quả kinh doanh của Pvcombank, theo thông tin từ Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2024, tại ngày 31/12/2023, doanh thu hợp nhất của PVcomBank đạt 148,4% so với kế hoạch, trong khi lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 100,3%. Riêng Ngân hàng mẹ, doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 151,1% và 116,5% so với kế hoạch năm 2023.
Trong năm 2023 PVcomBank đã tập trung nguồn lực thực hiện phương án tái cơ cấu, tăng cường công tác xử lý thu hồi nợ bằng nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ. Kết quả, Ngân hàng đã thu hồi/xử lý được 3.713,2 tỷ đồng.
So với năm 2022, doanh số thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực với tăng tưởng đạt 20%, doanh số mua bán ngoại tệ tăng 24%, số dư huy động vốn từ tổ chức kinh tế và cá nhân đạt 197.509 tỷ đồng, tăng mạnh so với năm trước.
Tính đến 31/12/2023, số dư huy động vốn từ tổ chức kinh tế và cá nhân đạt 197.509 tỷ đồng. Tổng dư nợ năm 2023 đạt 118.443 tỷ đồng, giảm nhẹ so với thời điểm 31/12/2022.
Báo cáo tài chính gần đây nhất được PVcomBank công bố công khai chính là năm 2022. Theo đó, tại ngày 31/12/2022, Nợ xấu tại PVcomBank lên tới 3.064 tỷ đồng, chiếm 2,84% tổng dư nợ tín dụng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng từ 1.551 tỷ đồng lên 2.009 tỷ đồng.
Ngoài nợ xấu nội bảng, PVcomBank còn ghi nhận 7.953 tỷ đồng Trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành.
Do nợ xấu quá cao nên hàng năm PVcomBank phải dành ngân sách rất lớn cho dự phòng. Trong năm 2022, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của PVcomBank dù đã cắt giảm nhưng vẫn lên đến 581 tỷ đồng. Kết quả là lợi nhuận sau thuế năm 2022 của PVcomBank giảm từ 87,8 tỷ đồng xuống 84,7 tỷ đồng.