Theo chia sẻ trên trang cá nhân của ông Nguyễn Văn Truyền - founder & CEO Trevi Bike trừ mùa một miễn phí thì những mùa sau các Shark phải chi ra số tiền không nhỏ để tham gia chương trình.
Theo đó, mỗi Shark chính (ngồi từ đầu đến cuối chương trình trong một mùa) sẽ bỏ ra khoảng 15-20 tỷ đồng. Mỗi Shark phụ (khách mời, chỉ ngồi vài tập) sẽ bỏ ra khoảng 3-5 tỷ đồng. Số tiền này được chi trả theo dạng hợp đồng công ty các Shark đang làm chủ hoặc làm thuê tài trợ cho chương trình này.
Theo ông Nguyễn Văn Truyền, khoản tiền này được chi trả có 3 mục đích: tạo thêm doanh thu cho nhà sản xuất chương trình; các Shark được PR thương hiệu, may mắn thì kiếm được deal đầu tư ngon; startup không được rót vốn thì cũng được lên tivi miễn phí và lời khuyên.
Theo CEO Trevi Bike việc đầu tư hay không sau chương trình thì cũng khó nói lắm bởi trên truyền hình các vị “cá mập” chỉ được xem hồ sơ tự khai của startup, hỏi dăm ba câu... không biết các được startup có nói thật hay không? Do vậy sau chương trình phát sóng các startup đều phải trải qua vòng thẩm định doanh nghiệp (Due Diligence).
Due Diligence có thể hiểu nôm na là quá trình nhà đầu tư thẩm định các vấn đề pháp lý, tài chính và thương mại của startup trước khi chính thức ký quyết định đầu tư. Quá trình này nhằm bảo vệ nhà đầu tư trước các thông tin không chính xác hoặc các rủi ro có thể có trong những thông tin đưa ra từ quá trình tiếp cận ban đầu của startup. Tùy vào mức độ minh bạch thông tin của startup với nhà đầu tư, quá trình due diligence có thể diễn ra trong thời gian dài hay ngắn.
Trả lời câu hỏi về vấn đề mỗi Shark phải chi ra một số tiền nhất định để tham gia Shark Tank qua email, ban tổ chức Shark Tank Việt Nam (CTCP TVHub) khẳng định thông tin trên là không chính xác, theo nguồn tin từ Vietnambiz.
"Chương trình có những tiêu chí, điều kiện rõ ràng, đúng pháp luật để làm việc với các Nhà đầu tư (Shark). Chương trình xin phép không tiết lộ để đảm bảo cam kết bảo mật và tính cá nhân cho mỗi Nhà đầu tư".
Mới đây, bà Lê Hạnh - Giám đốc sản xuất của chương trình Shark Tank Việt Nam cũng đã lên tiếng chia sẻ trên trang cá nhân về việc giải ngân của các Shark trong mùa 4.
Với cương vị là đại diện chương trình, cũng như là mentor cho các startup, bà Lê Hạnh chia sẻ rằng: “Theo format chương trình thì cái bắt tay giữa Shark và startup trên tivi là để bắt đầu tìm hiểu nhau, mà giới đầu tư gọi là Due Dilligence (thẩm định doanh nghiệp). Nếu bạn nghĩ bắt tay là đưa tiền thì bạn đang lầm tưởng. Có được cái bắt tay của Shark trên tivi cũng là một phần thưởng đối với startup rồi. Báo chí đăng tin, nhân viên tự hào, đối tác chúc mừng, khách hàng tin tưởng… mất gì mà không bắt tay”.
Đồng thời theo bà Lê Hạnh, đời startup là gọi vốn không phải một vòng mà nhiều vòng, không có trường lớp nào bằng thực chiến. Sau mỗi cuộc thẩm định bạn sẽ có thêm trải nghiệm và full fill (hoàn thiện) được skill set (kỹ năng) làm việc với nhà đầu tư. Nên mình vẫn khuyên các bạn nên ráng đạt được cái bắt tay Shark trên sóng truyền hình.
Lý giải về lý do vì sao các Shark mùa 4 rót tiền ít, bà Lê Hạnh cho rằng số tiền đã giải ngân hơn 1 triệu USD cho 5 startup tuy ít hơn các mùa trước khoảng 43% so với TV Deals nhưng cũng không phải là quá ít. Ngay sau phát sóng mùa 4 là dịch, Shark Liên vẫn vượt dịch đầu tư, nhưng không phải startup nào cũng cố gắng vượt dịch được như Vua Cua, Coolmate, cây bút Tả thiên thanh của BluSaigon là tiếp thu ý tưởng của Shark Việt.
An Home thì đã dọn về toà nhà Sunhouse, ngoài tiền startup còn có được những giá trị khác từ Shark. Tuy nhiên sau 3 mùa rót vốn dường như các Shark cũng thay đổi chiến thuật: không đầu tư dàn trải mà chọn mặt gửi tiền. Năm 2018, Shark Tank Úc cũng chỉ rót vốn cho 4 startup/27 TV Deals. Shark Tank Mỹ có tỷ lệ rót vốn cao nhất thế giới với 47% đầu tư. Lý do thành công cao: gọi vốn ít, tỷ lệ phần trăm hợp lý, startup biết người biết ta.