chan-dung-nha-suu-tap-tranh-nguyen-thieu-quang-4808-1629038115.jpg

Nguyễn Thiều Quang, Phó Chủ tịch Techcombank

Giữa năm 1983, Quang Hói (tên thật là Nguyễn Thiều Quang, cựu sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Quốc gia Ukraina) tốt nghiệp và về nước. Anh đến Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp nhận việc, và được phân về Xí nghiệp Thủy điện Trị an.

Mọi chuyện có vẻ ổn, nhưng trong lòng Quang Hói vẫn cảm thấy không ổn. Đó là bản lý lịch anh mang theo, với 3 lần cảnh cáo toàn Liên bang. Anh nghĩ nếu nộp cho Thủy điện Trị An, chưa chắc họ đã nhận vào làm, bởi cái án đấy nó lớn lắm, nhất là ở Việt Nam, ở cái thời đại mà tổ chức vẫn quan trọng nhất.

Suy tính chán, anh quyết định xé ngay bản lý lịch, và vào Trị An chỉ mang theo bằng tốt nghiệp. Nếu họ hỏi anh sẽ nói là thất lạc trên đường về từ Liên Xô. Và số phận đã chiều theo anh, ở Trị An họ quá thiếu người, và anh lại làm được việc, họ đã chấp nhận.

Quang Hói được phân công làm Đội phó đội xây dựng, thuộc Xí nghiệp 1, phụ trách 60-70 quân dưới cơ sở. Sau đó, Công ty Thủy điện Trị an bắt đầu nhận thiết bị của Liên Xô, họ lập ra Xí nghiệp Tiếp nhận Thiết bị Trị An, và biết tiếng Nga, Quang Hói mặc nhiên được phân công phụ trách xí nghiệp này, có văn phòng ở Cảng Sài Gòn.

Quang Hói làm việc ở đó hơn 3 năm. Lúc đó, có một sự kiện lớn diễn ra trong cuộc sống của anh, và làm thay đổi toàn bộ cuộc sống của anh.

Thành lập ngân hàng cổ phần đầu tiên và thử thách đầu tiên

Phần 2: Ba quyết định giải quyết số phận Quang Hói ảnh 1

Ngân hàng Kỹ Thương. Ảnh Internet.

Lúc nhỏ Quang Hói có chơi với Hoàng Tiến Dũng (biệt danh là Dũng Mập) và quen với anh trai của Dũng Mập là Hoàng Quang Vinh (biệt danh Vinh Đen). Hồi Quang Hói về Cảng Sài Gòn lo nhận thiết bị, cả Vinh Đen và Dũng Mập đều ở làm ăn ở Sài Gòn.

Vinh Đen làm tại Viện Khoa học Việt Nam, nhưng không nghiên cứu thuần túy mà nghiên cứu ứng dụng, tức là tìm cách kiếm ra tiền nuôi quân làm khoa học. Ông phụ trách Liên hiệp Khoa học Sản xuất Công nghệ mới Cotec ở trong Sài Gòn. Ngoài Hà Nội có FPT của Trương Gia Bình.

Quang Hói thỉnh thoảng qua chỗ Dũng Mập chơi, và gặp Vinh Đen ở chỗ đó. Vinh Đen lại giao cho việc nọ việc kia, kiếm ít tiền về nuôi vợ và đứa con mới đẻ. Đến đầu năm 1989, Vinh Đen mời Quang Hói sang làm luôn, vì công việc liên quan đến anh nhiều thêm, Quang Hói đồng ý.

Sau đó, Vinh Đen cử Quang Hói sang Belarus tiếp cận với Viện Hàn lâm Khoa học Belarus. Lúc đó, điều mới nảy sinh là quan hệ giữa Việt Nam và các nước xã hội chủ nghĩa đã không còn, và quan trọng nhất là viện trợ.

Cotec nơi Quang Hói làm đại diện phải xuất quần bò, máy tính sang Belarus, bán đi để có tiền mua thiết bị về Việt Nam. Công việc cũng khá trôi chảy, nhưng về lâu dài chuyện ‘hàng đổi hàng” có vẻ không ổn, Vinh Đen mới nghĩ ra việc thành lập ngân hàng, từ khoảng năm 1991-1992.

Ngân hàng lúc đó chỉ có các ngân hàng thương mại nhà nước, như Ngân hàng Ngoại thương, Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Công thương…, chứ chưa hề có ngân hàng thương mại cổ phần. Vinh Đen định thành lập ngân hàng năng lượng, phục vụ cho việc mua bán thiết bị điện của Cotec, nhưng Ngân hàng Nhà nước góp ý nên làm rộng ra, theo kiểu kỹ thuật lo việc chuyển giao công nghệ.

Ngân hàng CPTM Kỹ Thương (tên tiếng Anh là Techcombank) chính thức ra đời vào năm 1993. Lúc đó, tuy góp cổ phần, nhưng Quang Hói ở bên Liên Xô (cũ) làm đại diện cho Cotech nên không đứng trong Hội đồng Quản trị, nhường cho cậu em ruột là Nguyễn Thiều Nam đứng thay.

Ngân hàng Techcombank hoạt động được mấy năm, đã rơi vào hoàn cảnh nợ nần, tưởng như sẽ phá sản. Đó là do luật lúc bấy giờ sơ sài, chưa phân biệt được giữa cổ đông ngân hàng với doanh nghiệp, đặc biệt cổ đông có cổ phần chi phối có thể vay tới 100% số vốn đóng góp. (Đến năm 1997, khi Luật Tổ chức các Tổ chức Tín dụng ra đời, sự phân biệt giữa cổ đông và doanh nghiệp mới trở nên rõ ràng.)

Phần 2: Ba quyết định giải quyết số phận Quang Hói ảnh 2

Quang Hói được điều về làm Trưởng ban Xử lý nợ lúc Techcombank bên bờ vực phá sản. Copyright Quang San.

Quang Hói được điều về Techcombank, tham gia lại vào Hội đồng Quản trị và được giao là Trưởng ban Xử lý nợ. Bản chất thủ lĩnh của Quang Hói, mà Đoàn đã nói trong phần trước, mới thể hiện ra.

Quang Hói xác định dứt khoát là nợ xấu rất khó đòi, nên đòi được bao nhiêu thì cố mà đòi thôi, chứ không đặt mục tiêu phải đòi 100%. Dùng hết khả năng thương thuyết, đàm phán, khả năng kiên trì, thuyết phục…, Quang Hói đã thành công trong việc kéo về một món tiền kha khá giúp cho Techcombank không bị đưa vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.

“Thường tôi cố gắng đòi được 50% là vui rồi, cộng với tài năng kinh doanh của Nguyễn Đăng Quang, đến mấy năm sau Techcombank đã ổn định trở lại”, Quang Hói kể lại.

Bước ngoặt của Techcombank và bước đi quyết đoán của Quang Hói

Khi Techcombank bị rơi vào tình trạng có nguy cơ phá sản, cùng với sự về nước và tham gia vào HĐQT của Quang Hói, có sự xuất hiện của một chủ tịch mới. Nhà sáng lập và chủ tịch đầu tiên Hoàng Quang Vinh phải từ chức do lỗi lầm của chính ông, trong đó có việc vay cả 100% vốn đóng góp cho ngân hàng. Lê Kiên Thành, con trai cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, được đôn lên làm Chủ tịch, từ ghế Phó Chủ tịch.

Công việc của Techcombank sau khi Quang Hói xử lý xong nợ xấu, và Nguyễn Đăng Quang trổ tài kinh doanh, vài năm sau đã trở lại bình thường, ngân hàng tiếp tục phát triển. Nhận xét về Nguyễn Đăng Quang, Quang Hói chỉ nói ngắn gọn: “Hồ Hùng Anh (hiện là Chủ tịch của Techcombank từ tháng 5.2008) là anh hùng thời loạn, còn Nguyễn Đăng Quang là người cai quản thời bình.”

Khoảng năm 2002, Nguyễn Đăng Quang có mắc một lỗi lớn trong điều hành ngân hàng, và ông bị cấm tham gia HĐQT trong vòng 2 năm. Đến năm 2004, ông hết hạn cấm, và chuẩn bị tham gia lại vào HĐQT.

Phần 2: Ba quyết định giải quyết số phận Quang Hói ảnh 3

Lê Kiên Thành, Chủ tịch Techcombank trong giai đoạn 1995 đến 2005. Ảnh Internet.

Lúc này, Chủ tịch Lê Kiên Thành lại không muốn Nguyễn Đăng Quang tham gia HĐQT. Hai người cùng quê Quảng Trị này lại xích mích nhau trong một chuyện vớ vẩn phi ngân hàng.

Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi Nguyễn Đăng Quang quyết tâm vào HĐQT, ông chiếm tới gần 20% cổ phần, trong khi Chủ tịch Lê Kiên Thành chỉ chiếm có 4-5%. Và ông Lê Kiên Thành đã bất thần tuyên bố nếu ai có tiền mua số cổ phần của ông, ông sẽ ra đi, mặc dù trong thâm tâm không nghĩ thế.

Lúc đó, Quang Hói là một trong hai người có thể quyết định ai thắng trong cuộc chiến giữa 2 người gốc Quảng Trị, và anh đã quyết định nhanh chóng: Anh chọn Nguyễn Đăng Quang! Vì một lý do đơn giản, Nguyễn Đăng Quang là người làm việc giỏi giang, chuyên nghiệp, và đúng hướng, trong khi đó cả Lê Kiên Thành lẫn anh đều còn lâu mới đạt được độ chuyên nghiệp như vậy.

(Và anh đã đúng, ít nhất cho đến bây giờ, khi Techcombank trở thành NHTMCP chuyên nghiệp hàng đầu Việt Nam, và với số lãi từ ngân hàng anh thoải mái sắm tranh để trở thành nhà sưu tầm hàng đầu Việt Nam.)

Lê Kiên Thành, sau khi rời Techcombank sau 10 năm làm Chủ tịch (năm 2005), vẫn kinh doanh ở mức độ nhỏ hơn nhiều, đã tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội (tuy vẫn chưa thành công), và tiếp tục chia sẻ về cha ông, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, trên báo chí.

Cuộc gặp Nguyễn Đăng Quang ở đại siêu thị…

Phần 2: Ba quyết định giải quyết số phận Quang Hói ảnh 4

Nguyễn Đăng Quang, Phó Chủ tịch Techcombank kiêm Chủ tịch Masan. Ảnh Internet.

Năm 2005, nhân dịp kỷ niệm thống nhất đất nước, tôi có vào Sài Gòn công tác. Làm xong việc của Báo Nikkei, tôi ghé thăm Techcombank của Quang Hói. Đã mười mấy năm chúng tôi không gặp nhau.

Chúng tôi đang nói chuyện với nhau ở trụ sở Techcombank, chợt có người đi vào gọi Quang Hói. Quang Hói giới thiệu đấy là Nguyễn Đăng Quang, nhà đầu tư lớn nhất của Techcombank. Quang Hói quay sang tôi giới thiệu là phóng viên Nikkei, và là người vừa viết về Chúa Đảo Đào Hồng Tuyển trên Nhịp Cầu Đầu Tư.

Tôi tranh thủ xin phỏng vấn Đăng Quang, bởi tôi có nghe một người làm cộng tác viên cho Techcombank ngoài Hà Nội kể rằng Nguyễn Đăng Quang đã khéo phân tích tình hình khi Đức thống nhất đất nước, và quyết định lấy hết tiền rúp của mình mua Mark Đông Đức, và đổi ngang được 1 triệu Mark Tây Đức. Đăng Quang đồng ý, và hẹn tôi đến một địa chỉ cách đó khá xa.

Khi tới nơi, đó là một đại siêu thị khá lớn, chúng tôi ngồi ở quán ăn giữa đông đảo khách hàng. Hình như, chúng tôi gọi đồ ăn nhanh và coke. Quan trọng nhất, siêu thị quá ồn để có thể ghi âm được.

Đăng Quang bắt đầu nói chuyện, và tôi không tài nào ngắt lời được ông. Ông kể đủ thứ chuyện từ chuyện học phó tiến sĩ, rồi chuyện khó khăn kinh doanh mì Masan bên Liên Xô cũ… Nói chung, đủ thứ chuyện suốt hơn 1 tiếng đồng hồ.

Chuyện tôi nhớ nhất là ông kể chuyện ông xuống sân bay Nội Bài, các nhân viên Hải quan ở đó cứ nhầm ông là Nghệ sĩ Phú Thăng. Tôi cứ băn khoăn rằng Phú Thăng bây giờ toàn đóng những vai ác, mà nghe Quang Hói lại nói “Đăng Quang giỏi cai quản thời bình”?

Tôi rất muốn có dịp được gặp lại Đăng Quang!

Nhưng chẳng lẽ lại nhờ cô học trò cũ Quỳnh Vân? Nghe nói cô ấy rất thân với Đăng Quang.

Phần 2: Ba quyết định giải quyết số phận Quang Hói ảnh 5

NS Phú Thăng, người mà nhân viên Hải Quan cứ nhầm với Đăng Quang. Ảnh Internet

 

Nguồn: Huỳnh Phan/Viettimes