Trước đó, Tập đoàn MWG cũng từng lên kế hoạch mua lại 100% cổ phần tại chuỗi bán lẻ thuốc này, thay vì mất 2-3 năm để tự tìm hiểu, xây dựng và phát triển mô hình kinh doanh dược phẩm. Tuy nhiên, để có thể đánh giá lại hiệu quả và các rủi ro, ban lãnh đạo MWG đã tạm thời dừng kế hoạch này lại. Nên cuối cùng, Tập đoàn này đã đóng vai trò là cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu 49% vốn thay vì sở hữu toàn bộ và nắm quyền chi phối chuỗi nhà thuốc này.
Khi bắt đầu trở thành thành viên của Thế Giới Di Động, chuỗi nhà thuốc này có 14 cửa hàng tại TP. Hồ Chí Minh và đổi tên thành Nhà thuốc An Khang với bộ nhận diện thương hiệu mới thuộc Thế Giới Di Động. Với các sản phẩm chú yếu là các loại dược phẩm, sản phẩm thực phẩm chức năng, trang thiết bị y tế, dược mỹ phẩm cùng nhiều sản phẩm chăm sóc sức khoẻ, tiêu dùng hàng ngày,....
Về độ phủ của Nhà thuốc An Khang, tính đến cuối năm 2021, MWG đã nhân rộng lên 178 nhà thuốc đặt tại 25 tỉnh thành khu vực phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long. Đến tháng 9/2022, chuỗi nhà thuốc tăng vụt lên con số 529 cửa hàng, đồng thời đặt mục tiêu dẫn đầu thị trường bán lẻ dược phẩm với dự kiến đạt 2.000 cửa hàng vào năm 2023. Nhưng, đến cuối năm 2022 vừa qua, chuỗi nhà thuốc An Khang đã giảm về còn đúng 500 cửa hàng. Chia sẻ tại cuộc họp với nhà đầu tư tháng 11/2022, ban lãnh đạo MWG cho biết sẽ tạm ngưng mở rộng để tập trung tăng doanh thu trên mỗi điểm bán, kiểm soát chi phí để hướng đến vận hành có lợi nhuận.
Về tình hình kinh doanh
Năm 2018, sau khi rót vốn vào chuỗi nhà thuốc An Khang, Tập đoàn Thế Giới Di Động đã ghi nhận khoản lỗ 2.1 tỷ đồng; Đến năm 2019 thì tiếp tục lỗ thêm 3.47 tỷ đồng và lỗ 3.79 tỷ đồng trong năm 2020. Đến cuối quý III/2021, Tập đoàn này đã lỗ lũy kế 16.9 tỷ đồng tại chuỗi nhà thuốc này.
Để thay đổi tình thế, MWG đã quyết định nâng tỷ lệ nắm giữ tại An Khang lên 99.9 % và đồng thời lên kế hoạch cho những mục tiêu để An Khang sẵn sàng bứt phá trong các năm kế tiếp, kỳ vọng kết quả kinh doanh sẽ tích cực hơn.
Sau đợt “thâu tóm” chuỗi nhà thuốc An Khang, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài đã chia sẻ với các nhà đầu tư vào khoảng tháng 2/2022 rằng rằng ngành thuốc đang có các cơ hội phát triển tốt sau đại dịch. Minh chứng ở chỗ doanh thu bình quân mỗi cửa hàng An Khang vào thời điểm cuối năm 2021 đạt khoảng 340 – 350 triệu đồng nhưng sang quý I/2022 đã tăng gấp đôi - tại một cửa hàng trong tháng 3, đạt khoảng 650 triệu đồng/cửa hàng.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em - người được giao trọng trách phát triển Nhà thuốc An Khang cũng nhận định rằng thị trường ngành dược quy mô khoảng 7 đến 8 tỷ USD trong khi hiện có đến 60.000 nhà thuốc truyền thống. “Trong khi các nhà thuốc hiện đại như An Khang, Pharmacity, Long Châu chiếm khoảng 3 – 5% trong 60.000 nhà thuốc này. Đây là những con số chứng tỏ cơ hội ngành dược rất lớn”, ông nói.
Bên cạnh đó, ông Đoàn Văn Hiểu Em còn chia sẻ về mục tiêu đứng top 1 trong ngành dược trong tương lai không xa, bởi hiện tại khoảng cách của nhà thuốc An Khang đang rất gần so với các thương hiệu đứng top 1, top 2 hiện tại. Hiện tại, Pharmacity đang dẫn đầu thị trường với khoảng 1.000 cửa hàng, theo sau đó là Long Châu với 600 cửa hàng. Các nhà thuốc này đều có sự cạnh tranh rất lớn bởi thương hiệu mạnh và sự tín nhiệm lớn từ khách hàng.
Vấn đề tại nhà thuốc An Khang: Bán thuốc không cần đơn, với thuốc đặc trị
Trong một cuộc khảo sát tình hình của báo Thương hiệu và Công luận vào khoảng đầu tháng 3/2022, phóng viên đã phát hiện vấn đề nhiều chi nhánh Nhà thuốc An Khang trên địa bàn TP. HCM đã bán thuốc cho khách hàng mà không cần tới đơn thuốc theo chỉ định của bác sỹ, dù trên vỏ hộp thuốc ghi rõ dòng chữ “thuốc bán theo đơn”. Nghiêm trọng hơn, một số loại thuốc nằm trong danh mục “kiểm soát đặc biệt của Bộ Y tế” cũng được bán cho người mua, mà không cần tới đơn thuốc bác sỹ kê. Điều này khác so với cách làm của nhà thuốc khác như Pharmacity, từng đến cửa hàng mua thuốc đặc trị, người bán ở đây luôn yêu cầu toa của bác sĩ mới có thể bán thuốc này.
Theo Luật Dược năm 2016 quy định: Nhà thuốc bán lẻ thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc là một trong các hành vi bị cấm; cơ sở kinh doanh dược có trách nhiệm chỉ được bán thuốc kê đơn tại cơ sở bán lẻ khi có đơn thuốc…
Vào tháng 10/2018, Sở Y tế TP. HCM cũng ra văn bản khẩn yêu cầu các nhà thuốc lẻ trên địa bàn thực hiện nghiêm việc bán thuốc kê đơn cho người bệnh có đơn thuốc. Nếu không thực hiện đúng quy định, Sở Y tế sẽ tiến hành thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh Dược theo quy định tại điều 40 luật Dược số 105/2016/QH13...
Mặc dù vậy, dường như một số Nhà thuốc An Khang tại TP. HCM đã không thực hiện theo những quy định và chủ trương nêu trên. Cũng theo ghi nhận của báo Thương hiệu và Công luận, tại Nhà thuốc An Khang (số 111 Lê Đức Thọ, phường 17, quận Gò Vấp), khi phóng viên vào vai người mua hàng đến hỏi mua hai loại thuốc là Novofungin 250 mg và Flagyl 250 mg, thì ngay lập tức phóng viên đã được người bán hàng bán thuốc cho phóng viên và thu tiền, mà không cần hỏi người mua có đơn theo chỉ định của bác sỹ. Bởi vì điều đáng lo ngại ở đây là trên bao bì của 2 loại thuốc này đều ghi rõ khuyến cáo “thuốc bán theo đơn”, tức là loại thuốc này bắt buộc phải có đơn chỉ định từ bác sỹ, thì các cửa hàng thuốc mới được phép bán cho người mua, người cần dùng thuốc không được tự ý dùng bởi sẽ có thể có những vấn đề không mong muốn.
Bên cạnh đó, cuộc khảo sát còn ghi nhận một số cửa hàng khác thuộc Nhà thuốc An Khang đã bán thuốc đặc trị nhưng lại không yêu cầu người mua đưa toa thuốc của bác sĩ để kiểm tra.
Điều này có thể sẽ ảnh hưởng nghiệm trọng tới sức khỏe, tính mạng của người sử dụng, nếu như thuốc không được sử dụng đúng liều lượng, thời gian và cách thức sử dụng.
Năm 2022, bên cạnh việc thay đổi chiến lược để ứng phó với những khó khăn của thị trường, chuỗi Nhà thuốc An Khang đã dừng lại ở mốc 500 cửa hàng cùng số lỗ 306 tỷ đồng và đạt doanh thu 1.500 tỷ đồng. Năm 2023, chia sẻ tại Đại hội cổ đông thường niên, ông Nguyễn Đức Tài cho biết mục tiêu của An Khang là có lợi nhuận.