CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG - sàn HOSE) thông qua kế hoạch trả cổ tức năm 2020. Theo đó, ngày 1/6 là ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách trả cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu. Ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 31/5.

Cụ thể, cổ tức tiền mặt với tỷ lệ là 5%, cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận 500 đồng và ngày thanh toán là 11/6; chốt cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 35%, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 35 cổ phiếu mới.

thep-hoa-phat-1620961623.png
 

Tuy nhiên trong phiên sáng nay 17/5, giá cổ phiếu HPG vẫn giảm mạnh về mức thấp nhất ở 60.600 đồng/cp do khối ngoại bán mạnh hơn 3,1 triệu cp tương đương bán ra gần 193 tỷ đồng. 

Ngoài nhà đầu tư nước ngoài, các thành viên HĐQT HPG là ông Trần Tuấn Dương, ông Nguyễn Mạnh Tuấn cũng đã lần lượt bán ra tổng 24 triệu cổ phiếu HPG.

Trước đà bán mạnh của nhà đầu tư nước ngoài và HĐQT đã khiến nhiều nhà đầu tư trong nước, đặc biệt là các nhà đầu tư F0 lo lắng. Và các chuyên gia tài chính chứng khoán đã chia sẻ về rủi ro khi đầu tư vào cổ phiếu ngành thép trên Vneconomy.

Theo Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội, dòng thép theo khả năng cao đã đi đến giai đoạn cuối khi nhiều cổ phiếu đã chạy nước rút cũng như nhiều thông tin xấu đã bắt đầu le lói như giá quặng sắt giảm mạnh, sự can thiệp bình ổn giá. 

"Hiện tại về kỹ thuật thì cổ phiếu thép nhiều mã đã diễn ra phân phối nên giai đoạn này cổ phiếu thép tiềm ẩn nhiều rủi ro" - ông Quang nhấn mạnh.

Ông Lâm Gia Khang – Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank cho biết, các biện pháp bình ổn giá thép đang được tiến hành đồng loạt ở cả trong nước và quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc. Trong khi đó, thị phần xuất khẩu đều chiếm trên 30% cơ cấu doanh thu các doanh nghiệp tốp đầu như HPG (30.5%), NKG (37.5%), HSG (52.5%).

Trong nước, việc giảm thuế nhập khẩu tạo cơ hội giảm giá bán cho các doanh nghiệp ngoại, gián tiếp ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp thép. Do đó, trong ngắn hạn, ông Khang cho rằng, việc tham gia cổ phiếu thép có khá nhiều rủi ro.