Cụ thể, khối ngoại đã bán gần 1,1 triệu cổ phiếu HPG, mức thanh khoản đạt hơn 620 tỷ đồng. Mở cửa phiên sáng nay 14/5, cổ phiếu HPG đã giảm ngay về mức giá 61.000 đồng/cp.
Động thái này chính là dấu hiệu chốt lời khi cổ phiếu HPG ở đỉnh cùng lúc giá thép bắt đầu "hạ nhiệt".
Theo số liệu ghi nhận từ thị trường hàng hóa, giá quặng sắt tại thị trường Trung Quốc sáng 14/5 đảo chiều lao dốc sau khi người mua tạm dừng cuộc chơi từng khiến giá quặng tăng vọt và liên tiếp lập những kỷ lục mới trong nhiều phiên trước đó.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn Đại Liên tại thị trường Trung Quốc-hợp đồng giao dịch nhiều nhất đã đột ngột giảm 7,2% xuống 1.221 CNY/tấn, sau đó hồi phục nhẹ lúc gần trưa, nhưng vẫn giảm 6,4% so với phiên trước, xuống 1.231 CNY (190,76 USD)/tấn.
Cùng xu hướng đó, giá thép thanh vằn, dùng trong xây dựng, trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 2,6% xuống 5.936 CNY/tấn (kỳ hạn tháng 10); thép cuộn cán nóng sáng nay giảm 1,9% xuống 6.483 CNY/tấn; thép không gỉ kỳ hạn tháng 6 giảm 2% xuống 15.265 CNY/tấn kéo theo các nguyên liệu sản xuất ra thép cũng giảm…
Sự đảo chiều của giá các loại thép nguyên liệu từ thị trường lớn nhất thế giới đã tác động không nhỏ đến tâm lý của các nhà đầu tư đang "đặt cửa" vào đà tăng khủng của nhóm cổ phiếu thép.
Đây cũng chính là nguyên nhân khiến giá cổ phiếu HPG lao dốc trong những phiên gần đây.
Về giá thép tăng đột biến trong tháng 3 và tháng 4 vừa qua, với mức tăng cao nhất đến 45%, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chỉ đạo Bộ Công Thương cần có các biện pháp thúc đẩy tăng năng lực sản xuất thép trong nước; hướng tới đáp ứng được cơ bản nhu cầu nội địa.
Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu điều chỉnh sự mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường để ưu tiên thị trường trong nước thông qua việc điều chỉnh, cân đối khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm.